Quảng Nam:
Khẩn cấp làm kè chống sạt lở bờ biển Cửa Đại
(Dân trí) - Ngày 9/1, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành cùng lãnh đạo thành phố Hội An và các nhà nghiên cứu để tìm phương án khẩn cấp xử lý tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại. Dự kiến, trước mắt tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư số tiền hơn 6 tỉ đồng để làm kè...
Theo báo cáo của UBND TP Hội An, các đợt mưa lũ từ tháng 11/2016 đã làm đoạn bờ biển giáp cửa biển Cửa Đại dài khoảng 650m bị xâm thực nghiêm trọng. Hiện nay đoạn bờ cách cửa biển khoảng 400m đã bị xâm thực vào đến sông Thu Bồn với chiều rộng khoảng 70m.
Bên cạnh việc sạt lở bờ biển, cửa biển Cửa Đại cũng đã bị bồi lấp nghiêm trọng sau các đợt mưa lũ cuối năm vừa qua khiến hàng chục tàu thuyền có công suất trên 90CV của TP Hội An không thể vươn khơi khai thác hải sản.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch TP Hội An cho hay, trong những năm gần đây, do hậu quả của biến đổi khí hậu và nhiều tác nhân liên quan, khu vực bờ biển Cửa Đại đã bị sạt lở nghiêm trọng, lấn sâu vào đất liền hàng trăm mét với chiều dài hơn 3km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân, làm hư hỏng các công trình hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng du lịch ven biển.
Trước tình hình đó, các cấp chính quyền tỉnh và TP Hội An cùng các doanh nghiệp, nhân dân đã tập trung sức người, sức của để chống đỡ nhằm hạn chế thiệt hại.
Để hạn chế việc xâm thực của sóng biển và gây bồi lấp tại vị trí bị xâm thực vào đến sông Thu Bồn, UBND TP Hội An đã có phương án thi công thử nghiệm kè mỏ hàn dài khoảng 200m bằng cừ Larsen tại vị trí bị xâm thực thông với sông. Đồng thời, gia cố đầu kè mỏ hàn tại vị trí bờ bằng cừ Larsen dài 30m về hướng Tây và các tường chống kè mỏ hàn bằng cừ Larsen rộng trung bình 8m nhằm bảo vệ mỏ kè hàn dưới tác động của dòng chảy.
Với phương pháp này, tổng kinh phí thực hiện các đoạn kè trên hơn 6,1 tỷ đồng với phương án thuê cừ trong 2 tháng sau đó thu hồi cừ và gần 16 tỷ đồng với phương án không thu hồi cừ sau 2 tháng thử nghiệm.
Bên cạnh đó, TP Hội An cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, phối hợp với các chuyên gia đầu ngành đề xuất các phương án, giải pháp kỹ thuật tổng thể nhằm phòng, chống xói lở khu vực bờ biển Cửa Đại một cách hiệu quả nhất, đồng thời hỗ trợ kinh phí để địa phương triển khai thực hiện đoạn kè này.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh cho rằng tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại diễn ra đặc biệt nghiêm trọng trong vài năm trở lại đây. Lãnh đạo tỉnh và TP Hội An “rất sốt ruột” với tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc ứng xử với tự nhiên cần phải hài hòa, phù hợp thực tiễn từng khu vực và đặc biệt cần có các căn cứ khoa học. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành làm kè mềm chống sạt lở bờ biển Cửa Đại với số tiền khá lớn, song sau các trận mưa lũ cuối năm 2016 thì có thể thấy kè mềm đã không mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Lê Trí Thanh cũng thông tin, tỉnh Quảng Nam đồng ý cho thực hiện phương án kè mỏ hàn bằng cừ Larsen vì phương án này được thực hiện nhanh và có thể áp dụng đối với tình trạng khẩn cấp hiện nay tại bờ biển Cửa Đại.
Về lâu dài, để giảm tình trạng sạt lở bờ biển khu vực Cửa Đại, ổn định đời sống người dân, bảo vệ tài sản cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật và từng bước khôi phục lại bãi biển phục vụ phát triển du lịch tại Hội An, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, phối hợp với các chuyên gia đầu ngành đề xuất các phương án, giải pháp kỹ thuật tổng thể nhằm phòng chống xói lở khu vực bờ biển Cửa Đại một cách hiệu quả nhất.
Theo quan sát của PV Dân trí tại bờ biển Cửa Đại, hiện tại ở khu vực từ khu nghỉ dưỡng Victoria đến giáp với khu nghỉ dưỡng Palm Garden sóng biển vẫn đang đánh mạnh vào bờ, tình trạng xói lở vẫn đang tiếp tục dù đã được liên tục gia cố. Cả một bờ biển dài và rộng trước đây đã bị sóng biển đánh tơi tả và tình trạng xâm thực vẫn đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Công Bính