1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khám phá "cuộc sống dưới lòng đất" ở địa đạo được đề xuất Di sản thế giới

(Dân trí) - Địa đạo Củ Chi nổi tiếng với hệ thống đường hầm dưới lòng đất dài hơn 200 km, nơi đây được đề xuất trở thành Di sản thế giới.

Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 70km về hướng Tây Bắc.

Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 70km về hướng Tây Bắc, địa đạo Củ Chi từng là căn cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu, Bộ tư lệnh Sài Gòn - Gia Định; là căn cứ chính của quân giải phóng nằm sát cạnh thủ phủ của chính quyền Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ. 
 
Địa đạo Củ Chi dài khoảng 200km và có hệ thống thông hơi ẩn dưới các bụi cây, có thể chịu được sức công phá từ các loại bom tấn lớn nhất của quân đội Mỹ, thể hiện sự kiên cường, trí thông minh, niềm tự hào của người dân Củ Chi.
 
Ngày nay, địa đạo được bảo tồn ở 2 khu vực Bến Dược, xã Phú Mỹ Hưng và Bến Đình, xã Nhuận Đức. Hệ thống đường hầm trong địa đạo chằng chịt, nhưng chỉ một số đường hầm được cải tạo và mở nắp rộng hơn để du khách tham quan.
 
Địa đạo được đào trên khu vực đất sét pha đá ong nên có độ bền cao, khó bị sụt lở. Các đường hầm rất hẹp chỉ vừa một người cúi sát mặt đất mới có thể di chuyển. Các đường hầm, căn cứ đều nằm sâu dưới lòng đất từ 3 đến 12 mét với 3 tầng, chịu được sức công phá của bom hạng nặng.
 
Bên trong địa đạo được chia thành nhiều khu vực như nơi ở và làm việc của lãnh đạo, hầm y tế, khu vực chứa lương thực và vũ khí, nhà bếp, xưởng vũ khí...
 
Tổng thống Iceland Ólafur Ragnar Grimsson và phu nhân từng chọn địa đạo Củ Chi là điểm đến thăm khi có chuyến làm việc tại TPHCM năm 2015.
 
Vừa qua, UBND TPHCM có công văn gửi Bộ Quốc phòng xin ý kiến chủ trương lập hồ sơ Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới.
 

Theo đó, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (thuộc huyện Củ Chi, TPHCM) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt từ năm 2015 với những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và tính sáng tạo.