1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Ninh:

Khai thác than núp bóng nghĩa trang: Huyện Hoành Bồ "loanh quanh"

(Dân trí) - Hàng loạt vi phạm tại dự án đã được chỉ rõ. Chính quyền xã, huyện, tỉnh cũng đều thừa nhận doanh nghiệp đã đào bới vượt diện tích cho phép và tự ý thu hoạch than. Thế nhưng khi bị “truy” về lượng than đã “bốc hơi”, ai chịu trách nhiệm, thì lãnh đạo huyện Hoành Bồ lại tỏ ra lúng túng, trả lời loanh quanh, thậm chí không trả lời được.

Khai thác than núp bóng nghĩa trang: Huyện Hoành Bồ loanh quanh - Ảnh 1.

Cả một vùng rộng lớn bị đào bới ngang nhiên.

Mất bò mới lo làm chuồng?

Theo ông Triệu Đức Hương, Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh có chỉ đạo về việc khắc phục tồn tại trong quá trình thực hiện dự án nghĩa trang Đồng Khuôn tại xã Quảng La và điểm khai thác đất san lấp mặt bằng cho dự án, ngày 30/10, huyện đã tổ chức một cuộc họp triển khai công tác xử lý. Theo đó, toàn bộ thiết bị máy móc của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long buộc phải đưa ra khỏi khu vực; giao hiện trường lại cho đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Thăng Long (Tổng công ty Đông Bắc) kiểm soát chặt chẽ, thu hồi than, xít và huyện cũng phải giám sát từng ngày.

Báo cáo mới nhất của huyện này vào ngày 19/11 cũng nêu rõ, đối với khu vực hiện trường đang thực hiện cải tạo, giao cho Công TNHH MTV Thăng Long chịu trách nhiệm toàn diện đối với diện tích và tài nguyên than trong ranh giới mỏ được giao quản lý, bảo vệ các trạm barie hiện có, không để các đối tượng, phương tiện không phép ra vào khu vực giao quản lý.

Khai thác than núp bóng nghĩa trang: Huyện Hoành Bồ loanh quanh - Ảnh 2.

Nghĩa trang chỉ rộng hơn 3 ha nhưng vùng đất khai thác lên tới... hơn 30 ha.

Huyện cũng giao UBND xã Quảng La chịu trách nhiệm toàn diện công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên trên địa bàn, đặc biệt là khu vực thực hiện dự án. Đồng thời huyện cũng giao Phòng TN-MT chủ trì cùng các đơn vị thực hiện bàn giao tại hiện trường; Công an huyện phối hợp với các đơn vị thực hiện đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Tuy nhiên trước những động thái tích cực trên của chính quyền, người dân địa phương lại cho rằng, đây thực chất chỉ là “mất bò mới lo làm chuồng” bởi ngay từ khi được tỉnh cho phép khai thác đất đắp vào dự án nghĩa trang nằm trên sườn đồi, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long đã huy động máy móc, thiết bị, nhân công… tự do đào bới tại đây suốt ngày đêm. Thậm chí, diện tích đào bới ngày càng rộng, càng sâu, lộ rõ cả vỉa than, ra cả khu vực sát mặt nước hồ Yên Lập nhưng dường như chẳng vấp phải rào cản nào.

Cũng theo người dân, mặc dù khu vực trên suốt 2 năm qua hệt như một đại công trường với tiếng máy xúc, máy ủi ầm ầm, bụi đất, bụi than mù mịt… Đặc biệt, hàng ngày từng đoàn xe cỡ lớn phủ bạt kín mít vẫn đều đặn chạy từ khu vực khai thác đất này vòng qua dự án nghĩa trang, ra ngoài đường rồi vượt qua đèo Hạ My sang Bắc Giang, nhưng không hề thấy bóng dáng cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn để bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Thấy khó là... ngó lơ?

Sau nhiều lần né tránh, vào sáng qua, ngày 20/11, lãnh đạo huyện Hoành Bồ cùng lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện đã dành cho báo chí một cuộc làm việc. Tuy nhiên tại đây, các vị lãnh đạo huyện lại tỏ ra vòng vo, né tránh trả lời vào vấn đề chính.

Khai thác than núp bóng nghĩa trang: Huyện Hoành Bồ loanh quanh - Ảnh 3.

Buổi làm việc "loanh quanh" của lãnh đạo huyện Hoành Bồ với báo chí.

Đơn cử, trả lời phóng viên về việc huyện có biết khu vực Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long khai đào đất là vỉa than số 10 đã từng bị khai thác than thổ phỉ hay không? Ông Triệu Đức Hương, Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ lại cho biết, Hoành Bồ có 12 xã, thị trấn thì có tới 8 xã có tài nguyên, khoáng sản (than, sét). Tuy nhiên đặc thù là các vỉa không có nhiều than. Ông Nguyễn Thanh  Ân, Trưởng phòng TN-MT huyện cũng chỉ xác nhận điểm lấy đất trên vào năm 1997 đến 2001 đã có hoạt động khai thác lộ thiên.

Riêng ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó Chủ tịch UBND huyện lúc này mới quay ra yêu cầu Phòng TN-MT làm rõ khu vực đó có thuộc vỉa than số 10 không hay chỉ thuộc ranh giới quản lý tài nguyên của Công ty Thăng Long?  

Với câu hỏi tại sao biết tại khu vực này có than nhưng vẫn có văn bản đề xuất tỉnh cho doanh nghiệp lấy đất? Không ai có câu trả lời.

Trả lời câu hỏi huyện hiện đã tính toán được diện tích thực tế Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long đào bới sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu? Ông Nhã cho rằng: “Khối lượng đó đo đạc là tính ra ngay thôi. Tỉnh đã giao cho huyện và Tổng công ty Đông Bắc rà soát, tính toán. Cái này kết luận thanh tra trước đó cũng đã nói tới rồi”. Tuy nhiên khi phóng viên đề nghị cung cấp các văn bản có liên quan thì ông Nhã lại... ngó lơ. Còn ông Hương thì cho rằng, huyện cũng có nghiên cứu rồi nhưng hiện chưa thống kê cụ thể số lượng, diện tích cụ thể.

Vấn đề doanh nghiệp đào bới cả vào diện tích rừng phòng hộ dù đã được thể hiện rất rõ trong báo cáo trước đó của chính UBND huyện nhưng ông Nguyễn Thanh Ân, Trưởng phòng TN-MT vẫn một mực cho rằng đơn vị thi công không đào bới vào rừng phòng hộ. Tuy nhiên sau đó chính ông Ân lại thừa nhận, có việc đào bới vào mép nước hồ Yên Lập thuộc rừng phòng hộ.

Khai thác than núp bóng nghĩa trang: Huyện Hoành Bồ loanh quanh - Ảnh 4.

Một vấn đề cũng khiến dư luận địa phương bức xúc, đặt dấu hỏi là tại sao Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long khi thực hiện việc hoàn nguyên thay vì lấp đất xuống những hố sâu lại “tranh thủ” đào bới dẫn đến xuất lộ than? Ông Ân cho rằng, có thể do doanh nghiệp thực hiện cắt tầng từ khu vực cao để lấy đất lấp xuống dưới nên lại thấy than.

Chưa hết, khi được hỏi tại sao diện tích nghĩa trang chỉ rộng có hơn 3 ha nhưng doanh nghiệp lại đào bới tới hơn 30 ha để lấy đất san lấp nền? Ông Nhã lý giải, đất khai thác ở 2 điểm trên không chỉ phục vụ việc san lấp nền cho dự án  nghĩa trang mà còn đổ vào nhiều công trình nông thôn mới khác trên địa bàn huyện. Phóng viên đề nghị cung cấp danh sách những công trình nông thôn mới đã được đổ đất, phương án đổ đất, khối lượng cụ thể… thì ông Nhã lại không trả lời.

Vì sao lãnh đạo huyện Hoành Bồ lại có thái độ loanh quanh, né tránh như vậy? Nếu tỉnh Quảng Ninh không đồng ý, liệu doanh nghiệp có dám đào bới thoải mái trên diện tích lên tới hơn 30 ha như vậy không? Thực tế bao nhiêu tấn than tại đây đã bị “đánh cắp”? Hàng loạt câu hỏi dư luận đang chờ huyện Hoành Bồ và tỉnh Quảng Ninh trả lời.

An Nhiên