Khắc phục khó khăn, tái khởi động bệnh viện nghìn tỷ "trùm mền" ở Cần Thơ
(Dân trí) - Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình yêu cầu cần sớm khắc phục khó khăn để tái khởi động dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sau thời gian dài bị đình trệ.
Ngày 1/4, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Chủ tịch UBND TP Trương Cảnh Tuyên cùng các sở, ngành đến kiểm tra dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ.
Tại buổi kiểm tra, ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ đang điều chỉnh chủ trương đầu tư. Nếu được chấp thuận mới điều chỉnh dự án, lúc đó sẽ phê duyệt từng trang thiết bị, họp hội đồng thẩm định phê duyệt lại cấu hình thiết bị.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình (áo trắng, đứng giữa) khảo sát dự án Bệnh viện Ung bướu (Ảnh: CTV).
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình cho rằng trang thiết bị y tế sau 2 năm là lỗi thời nên chủ đầu tư phải có tính toán để báo cáo lãnh đạo UBND thành phố và trao đổi với chuyên gia để họ tư vấn.
Ông Bình chỉ đạo, Sở Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát tiến độ thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án để sớm tái khởi động lại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (gọi tắt là dự án Bệnh viện Ung bướu), tọa lạc tại phường An Bình, quận Ninh Kiều, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng quá tải cho Bệnh viện Ung bướu hiện hữu. Song qua nhiều năm triển khai, tiến độ dự án rất chậm, đến năm 2022 ngừng lại vì hiệp định vay hết hạn.
Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có diện tích 15.400m2, quy mô 500 giường, kinh phí 1.700 tỷ đồng, chỉ đạt tiến độ hơn 21% sau 6 năm xây dựng, khiến hàng nghìn bệnh nhân bị ảnh hưởng do cơ sở cũ xuống cấp và quá tải.
Công trình do Sở Y tế Cần Thơ làm chủ đầu tư, khởi công tháng 10/2017, dự kiến hoàn thành sau 3 năm. Từ tháng 7/2022 đến nay, dự án này đã "đắp chiếu".

Bên trong các căn phòng của bệnh viện (Ảnh: Bảo Kỳ).
Trong tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, hơn 80% từ nguồn vay ODA của Chính phủ Hungary, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Đây là dự án bệnh viện chuyên về điều trị ung bướu lớn và hiện đại nhất miền Tây.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế Cần Thơ, công trình mới chỉ đạt hơn 21% giá trị khối lượng hợp đồng Tổng thầu EPC (tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công). Trong đó, hạng mục xây dựng đạt 82%, hạng mục cung cấp và lắp đặt thiết bị xây dựng hoàn thành hơn 16%. Do vướng mắc về việc điều chỉnh các trang thiết bị y tế, hạng mục cung cấp và lắp đặt chưa thực hiện được.
Hợp đồng giữa Sở Y tế Cần Thơ và liên danh nhà thầu hết hiệu lực từ ngày 10/7/2022. Hiệp định vay của dự án ký kết lần hai giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary cũng hết hiệu lực ngày 11/7/2022. Vì thế dự án gần như "đóng băng" hơn 2 năm qua.

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ xây giữa chừng rồi bị bỏ hoang nhiều năm (Ảnh: Bảo Kỳ).
Tháng 8/2024, UBND TP Cần Thơ đã có công văn gửi các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Tư pháp, Ngoại giao xin ý kiến đối với các nội dung điều chỉnh chủ trương dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ.
Theo đó, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn chuyển từ nguồn vốn vay ODA Hungary sang nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thành phố báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng chỉ định thầu đối với phần khối lượng phát sinh 481m2 khối nhà D. Đồng tiền để thanh toán cho hợp đồng EPC (hợp đồng thầu chính) điều chỉnh từ đồng Euro sang VND.
Trong Công điện 112 ngày 6/11/2024 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ là một trong những dự án được "điểm danh". Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương "tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát".
Cùng ngày, lãnh đạo TP Cần Thơ cũng đi kiểm tra các công trình trọng điểm trên địa bàn như: dự án đường cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ, cụm nhiệt điện Ô Môn, dự án Trung tâm thương mại AeonMall Cần Thơ.