Khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão trên Biển Đông trong tháng 8
(Dân trí) - Dự báo trong tháng 8/2022 sẽ có khoảng từ 1-2 cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện ở Biển Đông.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia - cho biết: Theo số liệu thống kê từ 20 năm qua (2002-2021), trung bình tháng 8 hàng năm có 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông.
"Vào tháng 8 của các năm 2005 và 2020 là 2 năm có số lượng áp thấp nhiệt đới/bão nhiều nhất với 3 cơn trên Biển Đông; trong khi năm 2011 và 2015 không có cơn nào. Như vậy, xác suất đến 90% có áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện trong tháng 8 trên Biển Đông", ông Khiêm nói.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết thêm, trong tháng 8, vùng có tần suất bão/áp thấp nhiệt đới tác động nhiều nhất là phía bắc Biển Đông, ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Ông Khiêm đưa ra dẫn chứng một số cơn bão từng xuất hiện trong tháng 8 những năm gần đây như: Bão số 3 (Mindulle) xuất hiện vào tháng 8/2010, khi đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Nghệ An đã gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở Bạch Long Vĩ; gió mạnh cấp 10 ở Quỳnh Lưu và Hòn Ngư của Nghệ An và gió giật cấp 12 ở Quỳnh Lưu, cấp 13 ở Hòn Ngư.
Vào tháng 8/2012, bão số 5 (Kai Tak) đã xuất hiện với cường độ trên Biển Đông mạnh cấp 12. Thời điểm bão vào Biển Đông tại Vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, khu vực ven biển Quảng Ninh gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
"Dự báo trong tháng 8/2022 sẽ có khoảng từ 1-2 cơn áp thấp nhiệt đới/bão xuất hiện ở Biển Đông. Với số lượng bão như vậy là ở mức thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Cơ quan khí tượng thủy văn đang theo dõi và đưa ra dự báo, khả năng xuất hiện các nhiễu động có thể hình thành áp thấp nhiệt đới/bão trên biển Đông trong 5-7 ngày tới", ông Khiêm nói.
Tháng 8 tiếp tục là tháng chính của mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ. Đây là khu vực sẽ chịu sự tác động chủ yếu của dải hội tụ nhiệt đới hoặc các nhiễu động từ phía đông di chuyển vào và gây ra các đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và có thể mở rộng xuống khu vực Bắc Trung Bộ.
Ngoài ra có khả năng xảy ra từ 1-2 đợt nắng nóng xảy ra ở các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Khu vực vùng núi phía Bắc đề phòng mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét và trượt lở đất đá, vùng trũng đề phòng ngập úng.
Gió mùa tây nam trong tháng 8 có khả năng hoạt động ở mức trung bình, do vậy khu vực Nam Bộ lượng mưa trong tháng có xu hướng xấp xỉ trung bình nhiều năm, ngoại trừ khu vực Tây Nguyên có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong tháng 8 trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông mạnh, lốc xoáy và gió mạnh trên biển.
Diễn biến thời tiết trong tháng 8 cụ thể như sau: Tuần 1-2 (1-14/8) nhiệt độ trung bình ở các tỉnh khu vực phía Bắc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm; lượng mưa ở Bắc Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; Trung Bộ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; riêng Tây Nguyên và Nam Bộ ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nắng nóng trong tuần đầu của tháng 8 có khả năng xuất hiện ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ.
Tuần 3-4 (15-31/8) nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm; lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Nắng nóng có khả năng xuất hiện cục bộ ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm hơn so với nửa đầu tháng 8.
Bắc Bộ và Trung Bộ nhiệt độ phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 0,5 đến 1 độ. Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ trung bình tháng phổ biến cao hơn so với giá trị trung bình nhiều năm từ 0,3 đến 0,8 độ C. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn khoảng 10% đến 25% so với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trung và Nam Trung Bộ lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn từ 20% đến 40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa tháng 8 ở Tây Nguyên phổ biến ở mức thấp hơn từ 15% đến 30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; riêng khu vực Nam Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.