1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kêu gọi người dân góp ý về Bộ luật Dân sự

(Dân trí) - Ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, người dân gửi thư qua đường bưu điện đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ không phải dán tem.

Chiều 5/1, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức công bố kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

 Họp báo công bố lấy ý kiến về bộ luật dân sự sửa đổi.

 Họp báo công bố lấy ý kiến về bộ luật dân sự sửa đổi.

Ông Trần Đình Long, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lấy ý kiến liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của mình và những vấn đề mà bộ, ngành quan tâm. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ được đăng toàn văn trên báo Nhân dân, Trang thông tin điện tử của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Việc lấy ý kiến được thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm… “Các bộ ngành, địa phương phải tạo điều kiện để người dân trong nước, ngoài nước đóng góp ý kiến một cách khách quan, trung thực nhất”- ông Long nói.

Theo ông Long, thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ diễn ra từ ngày 5/1 tới ngày 5/4/2015. Sau thời gian này, tổ chức, cá nhân tiếp tục góp ý kiến gửi về Bộ Tư pháp (số 60 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội) trước ngày 20/9/2015. “Các ý kiến góp ý của nhân dân sẽ được nghiêm túc tiếp thu khi xây dựng luật và trình ra Quốc hội xem xét, quyết định”- ông Long cho biết.

Trong khi đó, ông Kiều Đình Thụ, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định cá nhân gửi ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) qua đường bưu điện thì không phải dán tem.

Thế Kha