1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Kêu gọi hủy bỏ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công

(Dân trí) - Nhân Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai của Ủy hội sông Mê Công đang diễn ra tại Việt Nam, Liên minh Cứu sông Mê Công (Save the Mekong Coaltion) đã gửi thư kêu gọi hủy bỏ các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.

Bức thư này đã được Liên minh Cứu sông Mê Công gửi đến Thủ tướng 4 nước thành viên Ủy hội sông Mê Công là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Liên minh Cứu sông Mê Công là một tổ chức liên kết 56 tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nước trên khắp thế giới.

Poster kêu gọi cứu
sông Mê Công của liên minh
Poster kêu gọi cứu sông Mê Công của liên minh

Trong thư, liên minh này bày tỏ mối quan ngại đối với tình trạng hiện tại của dòng Mê Công dưới tác động của các dự án thủy điện đang và đã được lên kế hoạch xây dựng. Thư viết: “Chúng tôi tin rằng, tình trạng xây dựng đập thủy điện ở lưu vực sông Mê Công hiện nay sẽ làm suy yếu các cam kết và tinh thần của Hiệp định Mê Công 1995, đặc biệt là các nguyên tắc hợp tác mà các bên đã thống nhất”.

Theo Liên minh Cứu sông Mê Công, 11 con đập dự kiến xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công có nguy cơ phá hủy môi trường đa dạng sinh học và hiệu suất kinh tế của dòng sông. Các đập thủy điện này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng sự phong phú, tính đa dạng và mức hiệu suất của nguồn tài nguyên cá trên sông; chặn đứng các tuyến đường di cư quan trọng của cá, gây thiệt hại đáng kể nguồn thủy sản.

Nếu tất cả 11 con đập được xây dựng, tổn thất tài nguyên cá ước tính lên tới 550.000 - 880.000 tấn, tương đương 26 - 42% sản lượng hiện tại. Các chuyên gia thủy sản đã khẳng định là hiện chưa có công nghệ nào giúp giảm thiểu tác động của những con đập này đối với nghề cá. Tổn thất này sẽ đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của người dân trên lưu vực.

Ngoài ra, Liên minh Cứu sông Mê Công còn cho rằng: “Những xáo trộn về thủy văn và sinh thái do xây dựng các đập trên dòng chính sông Mê Công sẽ tạo ra những biến đổi không thể phục hồi đối với hệ sinh thái phức tạp của dòng sông, gây ra những tổn thất vĩnh viễn đối với đa dạng sinh học, đồng thời chặn dòng phù sa mầu mỡ tới vùng đồng bằng”.

Bên cạnh đó, các đập trên dòng chính sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng sống ven sông, tác động đến lối sống, văn hóa, tinh thần cộng đồng và an ninh lương thực của khoảng 40 triệu người dân vùng hạ lưu vực Mê Công. Hơn 106.000 người chịu tác động trực tiếp sẽ buộc phải di cư và có thể rơi vào tình cảnh đói nghèo.

Poster kêu gọi cứu
sông Mê Công của liên minh
Bản đồ 11 con đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công trong poster của Liên minh Cứu sông Mê Công

Theo Liên minh Cứu sông Mê Công, sông Mê Công đã không còn như cách đây bốn năm khi Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mê Công lần đầu tiên diễn ra tại Hủa Hỉn (Thái Lan). Dự án đập đầu tiên trên dòng chính sông Mê Công (thủy điện Xayaburi) đã được xây dựng bất chấp những tranh cãi. Hiện tại, quyết định tương tự về con đập Don Sahong có thể cũng sắp xảy ra.

Do đó, Liên minh Cứu sông Mê Công kêu gọi các nhà lãnh đạo có những hành động cần thiết để bảo vệ và gìn giữ tương lai của dòng sông Mê Công. Liên minh này nhấn mạnh: “Do những tác động nghiêm trọng của thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công, chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo hủy bỏ tất cả các dự án đập trên dòng chính sông Mê Công, bao gồm việc dừng xây dựng ngay lập tức đập Xayaburi và Don Sahong cũng như các dự án mang lại tác động nghiêm trọng trên dòng nhánh như thủy điện Hạ Sesan 2”.

Đồng thời, Liên minh Cứu sông Mê Công cũng kêu gọi lãnh đạo các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công thông qua Hội nghị cấp cao lần thứ hai này thảo luận về cơ chế pháp lý nhằm tăng cường hợp tác khu vực, bao gồm việc đánh giá môi trường xuyên biên giới và đối thoại công khai, đặc biệt là lắng nghe tiếng nói của người dân sống dọc lưu vực Mê Kông.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm