1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hợp tác để quản lý tài nguyên nước trên dòng Mê Công

(Dân trí) - Mê Công là dòng sông chảy qua nhiều quốc gia. Nếu không làm việc trên tinh thần hợp tác thì hành động của quốc gia này sẽ gây tác động bất lợi cho quốc gia khác. Do đó, các nhà khoa học khẳng định cần hợp tác để quản lý tài nguyên nước Mê Công.

Vấn đề sống còn

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị quốc tế khởi động cho Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường bày tỏ quan ngại về các dự án phát triển thủy điện trên dòng chính và dòng nhánh, các dự án thủy lợi và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản… trên sông Mê Công. Ông cho hoạt động trên tuy tạo ra lợi ích cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và chất lượng nước.

Đặc biệt là thủy điện đang được phát triển hàng loạt trên dòng Mê Công đang khiến các nhà khoa học tham dự hội nghị lo ngại. Hiện các thủy điện trên sông Mê Công được phát triển chủ yếu ở lãnh thổ Lào, Campuchia và biên giới Lào – Thái Lan.

Hợp tác để quản lý tài nguyên nước trên dòng Mê Công
Lưu vực hạ lưu sông Mê Công sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề nếu phát triển mạnh thủy điện trên dòng sông này (ảnh: Quốc Long)

Theo TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường Việt Nam, việc phát triển thủy điện trên dòng Mê Công có thể gây ra 2 hệ lụy chính có ảnh hưởng đến Việt Nam. Thứ nhất là làm biến đổi dòng chảy của sông, gây hại cho hệ sinh thái. Thứ 2 là nước về hạ lưu sẽ không còn chở nặng phù sa và hạ lưu sẽ không có phù sa bồi đắp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu thì tốc độ ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long sẽ nhanh hơn.

Phát biểu trong phiên khai mạc, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, đại diện đối tác phát triển của Ủy hội sông Mê Công quốc tế nêu ra nhiều thách thức đối với sự phát triển khu vực liên quan đến vấn đề năng lượng, nguồn nước và lương thực. Ông Benedito Braga, Chủ tịch Hội đồng Nước thế giới cũng cho biến đổi khí hậu có nhiều tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước trên sông Mê Kông, gây ảnh hưởng xấu đến các vấn đề kinh tế, xã hội trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Thái Lai, với nền kinh tế và dân số phát triển nhanh như Việt Nam, việc đảm bảo an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực là vấn đề sống còn đối với nước ta. Thách thức ở đây không chỉ là sản xuất lương thực ở đồng bằng Mê Công khó khăn do biến đổi khí hậu, thách thức còn đến từ việc khai thác thủy điện trên dòng sông này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các nước trong khu vực.

Hợp tác để quản lý tài nguyên nước trên dòng Mê Công
Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhìn nhận việc hợp tác trong lưu vực sông Mê Công là rất quan trọng

Hợp tác để cùng phát triển

Theo Ủy hội sông Mê Công quốc tế, hiệp định hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công do 4 nước thuộc hạ lưu sông Mê Công (Campuchia, Lào, Thái lan và Việt Nam) ký năm 1995 là cơ sở pháp lý cơ bản thành lập Uỷ hội sông Mê Công. Theo hiệp định, 4 nước cam kết: “…hợp tác trong mọi lĩnh vực phát triển, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và liên quan tới nước lưu vực sông Mê Công”. Sự hợp tác này “nhằm mục đích sử dụng tổng hợp tối ưu và cùng có lợi cho cả 4 nước thành viên và giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi do tác động tự nhiên và hoạt động của con người”.

Do vậy, ông Nguyễn Thái Lai kỳ vọng hội nghị cấp cao lần thứ 2 sẽ tập trung ứng phó, giải quyết các thách thức đối với lưu vực sông Mê Công. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là cần tiếp tục thực hiện các cam kết hợp tác mà 4 nước thành viên của Ủy hội đã đạt được tại các hội nghị, hiệp định trước đây.

Trong bài tham luận của mình, ông Anoulak Kittikhoun, thành viên Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công cũng nhấn mạnh các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công cần phải ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, xây dựng những lợi ích chung, những dự án hợp tác chung trong phạm vi 2 nước hoặc nhiều nước. Từ đó, các bên mới có thể tạo nên sự hợp tác và chia sẻ lợi ích chung từ nguồn nước dòng Mê Công.

Hợp tác để quản lý tài nguyên nước trên dòng Mê Công
Ông Anoulak Kittikhoun đề nghị các nước cần ngồi lại với nhau trên tinh thần xây dựng vì lợi ích chung

Ông Fritz Holzwarth, Bộ Môi trường - Bảo tồn thiên nhiên - Xây dựng & An toàn hạt nhân Đức đánh giá khu vực sông Mê Công là một điển hình của quan hệ xuyên biên giới. do đó, các nước cần nhìn nhận các vấn đề liên quan đến nó dưới góc nhìn của quan hệ xuyên quốc gia. Nếu không làm việc trên tinh thần hợp tác thì hành động của quốc gia này sẽ gây tác động bất lợi cho quốc gia khác. Nếu ai cũng tự làm theo ý mình thì đến các nước giàu có cũng sẽ gặp khó khăn.

Tại hội nghị An ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các nhà khoa học quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm nhiều mô hình quản lý, hợp tác khai thác những dòng sông xuyên biên giới như lưu vực sông Danube, Orange Senqu, Senegal, Sava, Nin… Các nhà khoa học đều nhấn mạnh đến mối liên kết giữa nước và năng lượng, lương thực cũng như tầm quan trọng của việc hợp tác để cùng phát triển.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm