1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

“Đập Xayaburi sẽ là “phát đại bác khai hỏa” phá hủy dòng Mekong”

(Dân trí) - 263 tổ chức thuộc 51 quốc gia cùng phản đối xây đập Xayaburi. Có ý kiến cho rằng đó sẽ là “phát đại bác khai hỏa” cho một loạt các đập thủy điện sau này, gây tổn thất không thể bù đắp đối với môi trường và hàng chục triệu dân sống dọc sông Mekong.

Theo kế hoạch, ngày 19/4, Ủy ban liên hợp của MRC (Ủy ban liên hiệp của Ủy hội sông Mekong) sẽ tiến hành cuộc họp về quyết định có cho phép đập Xayaburi được xây dựng hay không tại Viên Chăn, Lào. Trong khi đó, đã có 263 tổ chức phi chính phủ thuộc 51 quốc gia cùng ký vào biên bản kiến nghị gửi Thủ tướng Lào và Thái Lan phản đối việc xây dựng đập Xayaburi. Các tổ chức lớn như WWF, IUCN, WCD đều ủng hộ việc hoãn xây dựng 12 đập trong 10 năm để có thể nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Tại buổi tọa đàm do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức chiều 18/4 về việc Lào dự kiến sớm khởi công xây đập Xayaburi, qua trực tuyến, bà P’Eang - đồng Giám đốc Quỹ phục hồi sinh thái và liên minh khu vực (TERRA - Thái Lan) - cho biết các tờ báo lớn ở Thái Lan như Bangkok Post hay Nation đều đồng loạt phản đối dự án xây đập Xayaburi. Cũng trong ngày 18/4, nhóm khoảng 100 người Thái đã tụ tập trước đại sứ quán Lào ở Bangkok để gửi thư kiến nghị lên Chính phủ Lào. Tuy nhiên, do chưa nhận được sự đón tiếp từ đại diện phía bạn nên ngày hôm nay thư sẽ được chuyển đến Bộ Ngoại giao Thái Lan.

Bà P’ Eang cho rằng, quá trình tham vấn của Lào chưa đầy đủ và việc MRC Lào bỏ qua quá trình tham vấn các nước thành viên Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là một sự thất bại của MRC. Hơn thế nữa, MRC còn bỏ qua công đoạn Lào tham vấn chính người dân của họ trước khi tiến hành xây dựng đập thủy điện này.

Cùng tham gia tọa đàm qua trực tuyến, đại diện của Tổ chức Sông ngòi quốc tế, bà Ame, cán bộ vận động chính sách vùng Mekong, khẳng định: Báo cáo của Lào mới chỉ xem xét tác động của Xayaburi trong bán kính 10km tính từ thân đập là quá nhỏ. Như vậy, đánh giá này đã bỏ qua tác động xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước khác trong khu vực.

“Đập Xayaburi được khởi công sẽ là “phát đại bác khai hỏa” cho một loạt các đập thủy điện sau này đồng loạt bung ra. Đây mới là vấn đề nghiêm trọng hơn cả” - ông Đào Trọng Tứ, nguyên Phó Tổng thư ký MRC, nhận định.

“Đập Xayaburi sẽ là “phát đại bác khai hỏa” phá hủy dòng Mekong” - 1

Cuộc sống của khoảng 20 triệu người dân ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu Lào tiến hành xây dựng đập Xayaburi. (Ảnh: Internet)
 
Các nhà khoa học thuộc mạng lưới Sông ngòi Việt Nam VNR cho rằng, 12 con đập được xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mekong không những không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà còn đe dọa trực tiếp đến đời sống của 20 triệu người dân ĐBSCL hiện nay và các thế hệ tương lai, đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia và khu vực. Cùng đó, sự thay đổi dòng chảy do các đập thủy điện gây ra sẽ biến hạ lưu sông Mekong thành vùng hồ, lưu trữ lại phù sa. Phù sa không thể xuống hạ lưu là châu thổ sông Mekong ở đồng bằng sông Cửu Long và biển Hồ của Campuchia. Mất phù sa cũng là tác nhân khiến bờ biển phía Đông của đồng bằng sông Cửu Long và mũi Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng. Sự thay đổi của dòng chảy khiến chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long cũng tổn thất hàng tỷ USD từ nguồn lợi khai thác thủy sản.
 
Nhìn nhận về vấn đề này, WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) cảnh báo phát triển đập trên dòng chính sông Mekong một cách thiếu kiểm soát trong khi chưa đánh giá được hết tác động của đập sẽ khiến cho các quá trình tự nhiên trọng yếu - độ liên kết hệ sinh thái - như vận chuyển chất dinh dưỡng và trầm tích; sự di cư của các loài cá... bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Điều đáng báo động là những tác động tiêu cực của các con đập xây dựng tại nhánh chính hạ lưu sông Mekong, như dự án đập Xayaburi, sẽ lớn hơn nhiều lần so với tác động của đập xây trên nhánh phụ khi xét về độ liên kết hệ sinh thái. Sông Mekong đặc biệt nhạy cảm với những tác động của các con đập xây dựng trên nhánh chính do kết cấu của nó - một dòng chảy dài được nuôi dưỡng bằng nhiều nhánh phụ” - ông Nikolai Sindorf, cán bộ Chương trình Khoa học Bảo tồn của WWF lo lắng.

Xayaburi là đập đầu tiên trong số 11 đập được đề xuất xây dựng trên sông Mekong, dự kiến sẽ sản xuất 1260 MW điện và làm giảm 5% độ liên kết trong toàn lưu vực. Cùng đó con đập này sẽ chia cắt 9 hệ sinh thái thượng nguồn (trong tổng số 13 hệ sinh thái) ra khỏi lưu vực, theo phân loại của WWF.

WWF tiếp tục kêu gọi trì hoãn 10 năm việc phê duyệt dự án xây dựng các con đập trên nhánh chính nhằm đảm bảo tất cả những chi phí và lợi ích xây dựng và vận hành của đập được nghiên cứu đầy đủ.

P. Thanh