Kết quả thí điểm xử lý mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nhật Bản
(Dân trí) - Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tiến hành đánh giá mùi sau 7 ngày thí điểm xử lý mùi bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) bằng công nghệ Nhật Bản.
Sau 1 tuần thí điểm, ngày 4/1/20211, cơ quan chuyên môn đã có những đánh giá kết quả bước đầu của dự án thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.
Theo đó, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia - Bộ Tài nguyên và Môi trường (đơn vị đánh giá độc lập) đã tiến hành đánh giá theo 2 phương pháp: Phương pháp đo mùi định tính (cảm quan); Phương pháp đo mùi định lượng.
Nồng độ mùi tổng hợp đã giảm mạnh sau 7 ngày xử lý
Đánh giá theo phương pháp cảm quan, cán bộ đã trực tiếp ngửi mùi sát chậu nước rỉ rác để đánh giá. Trong ngày 28/12/2020 vừa qua, khi đánh giá cảm quan mùi nước rỉ rác trước xử lý, chỉ cần đứng xung quanh chậu nước rỉ rác cũng đã cảm nhận được mùi hôi thối và không thể úp mặt vào sát chậu nước rỉ rác. Tuy nhiên, sau 7 ngày xử lý bằng công nghệ sục khí nano của Nhật Bản thì ngay cả khi úp mặt sát vào chậu nước rỉ rác cũng không còn cảm nhận được mùi hôi thối bốc lên.
Để đánh giá chính xác, khách quan, đơn vị đánh giá độc lập đã tiến hành đánh giá đo mùi định lượng tại 4 vị trí trong hồ chứa nước rỉ rác. Kết quả cho thấy nồng độ mùi tổng hợp (của các khí như H2S (mùi trứng thối), NH3(mùi khai), CH4 vv... giảm mạnh như biểu đồ dưới đây:
Đạt quy chuẩn đánh giá mùi ở Nhật Bản
Ngoài ra, đơn vị đánh giá độc lập đã đi thuyền trên mặt hồ nước rác và tiến hành đo mùi trực tiếp trên mặt hồ, và kết quả nồng độ mùi tổng hợp sau 7 ngày đều giảm mạnh và dao động từ 16 ~ 24 và đều nhỏ hơn ngưỡng 100, đạt Quy chuẩn đánh giá mùi tổng hợp ở Nhật Bản (Quy chuẩn ban hành năm 1995 bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường Nhật Bản - được quy định trong Luật Kiểm soát các loại mùi hôi của Nhật Bản).
Đơn vị đánh giá độc lập sử dụng thiết bị đo mùi tổng hợp cầm tay được áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản để đo nồng độ mùi tổng hợp của toàn bộ các khí độc phát sinh ra từ hồ chứa nước rỉ rác. Giá trị trung bình của nồng độ mùi tổng hợp sau xử lý trên mặt hồ nước rỉ rác giảm mạnh từ 999 xuống 21, tức giảm tới 97,9% lượng mùi hôi thối.
Theo đơn vị đánh giá độc lập, ngoài đánh giá trực tiếp nồng độ mùi tổng hợp bốc lên trên mặt hồ nước rỉ rác, đơn vị đã tiến hành đo nồng độ mùi tổng hợp của mẫu nước rỉ rác lấy lên tại 4 vị trí trên bờ. Cụ thể, nồng độ mùi tổng hợp sau 7 ngày đều giảm mạnh và dao động từ 15 ~ 22 đều nhỏ hơn ngưỡng 100, đạt Quy chuẩn đánh giá mùi ở Nhật Bản (Quy chuẩn ban hành năm 1995 bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường Nhật Bản - được quy định trong Luật Kiểm soát các loại mùi hôi của Nhật Bản).
Đơn vị đánh giá độc lập thiết bị đo mùi tổng hợp cầm tay được áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản, đo nồng độ mùi tổng hợp của toàn bộ các khí độc phát sinh ra từ hồ chứa nước rỉ rác. Giá trị trung bình của nồng độ mùi tổng hợp sau xử lý trên bờ hồ nước rỉ rác giảm mạnh từ 999 xuống 18, tức giảm tới 98,2% lượng mùi hôi thối.
Như vậy, phương pháp đo định lượng nồng độ mùi tổng hợp nước rỉ rác bằng cách đo trực tiếp trên mặt hồ nước rỉ rác và cách lấy mẫu nước lên trên bờ đều cho giá trị gần tương đồng nhau.
Ngoài việc đánh giá trực tiếp mùi nước rỉ rác bốc lên trước và sau xử lý, đơn vị đánh giá mùi độc lập đã tiến hành đánh giá mùi nền không khí tổng hợp trên bờ xung quanh khu vực thí điểm. Đây là chỉ số để đánh giá việc mùi tổng hợp do các khí H2S, NH3, CH4...bốc lên khi bị gió lùa vào khu dân cư ra sao. Kết quả cho thấy, mùi nền không khí tổng hợp xung quanh khu thí điểm đã giảm từ 344 về 20 tức giảm mạnh 94,2% lượng mùi hôi thối.
Được biết, ngoài đánh giá của đơn vị độc lập của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói trên, thời gian tới sẽ có thêm đánh giá về kết quả của dự án thí điểm bởi đoàn đánh giá bao gồm các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và đại điện UBND, người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn (Hà Nội).