Kết luận thanh tra sẽ không còn đóng dấu “mật”?
(Dân trí) - Nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc, người vừa được điều ra Hà Nội để chuẩn bị nhận nhiệm vụ trong cơ quan thanh tra Chính phủ đã khẳng định “kết luận thanh tra phải được công khai để nhân dân và các cơ quan báo chí giám sát”.
Có ý kiến cho rằng, phát hiện tiêu cực chủ yếu do báo chí và người dân chứ các cơ quan kiểm tra, giám sát thì hầu như không hiệu quả?
Đúng là nhiều vụ việc chúng ta chưa phát hiện từ các cơ quan chức năng, sắp tới chúng ta sẽ hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, nâng cao, bổ sung chức năng của các cơ quan này. Một số cơ quan quan trọng như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an… sẽ có cục chống tham nhũng. Án tham nhũng cũng sẽ được đặc biệt quan tâm theo dõi chỉ đạo điều tra, xử lý.
Hầu như bộ, ngành nào cũng có cơ quan thanh tra nhưng tình trạng tham nhũng vẫn xảy ra. Rõ ràng vai trò của thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu. Theo ông, có nên thay đổi cơ chế thanh tra hiện nay khi mà lực lượng thanh tra đều đặt tại các bộ, ngành và ăn lương của bộ ngành đó?
Tôi nghĩ họ cần phải làm tròn trách nhiệm theo pháp luật thanh tra. Thực tế là do tình trạng nể nang, tình cảm nên chưa làm đúng luật, chứ cứ làm đúng luật là tốt lắm rồi. Tôi nghĩ, nâng cao năng lực của đội ngũ thanh tra cũng rất quan trọng. Thanh tra cần cố gắng hơn ở nhiều mặt.
Theo qui định, kết luận thanh tra đều phải công khai nhưng hiện nay hầu hết các kết luận thanh tra đều đóng dấu “mật”, báo chí rất khó tiếp cận...
Theo tôi, các kết luận thanh tra đều phải công khai. Kết luận thanh tra là để người dân, báo chí giám sát xem thực hiện có đúng không, thực hiện kết luận thanh tra là một yêu cầu của pháp luật.
Tôi chưa tìm hiểu vấn đề này nhưng quan điểm riêng tôi là ủng hộ việc công khai các kết luận thanh tra để nhân dân và các cơ quan báo chí giám sát. Ở tỉnh Quảng nam, nơi tôi từng làm chủ tịch thì tất cả các kết luận của chủ tịch tỉnh đều được công khai, và ngành thanh tra cũng không nằm ngoài qui định này
Xin cảm ơn ông.
Đức Hòa