1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Keangnam phải chịu trách nhiệm với người dân”

(Dân trí) - “Không có cơ sở pháp lý nào để Keangnam-Vina trả lại chung cư cho thành phố quản lý. Họ được giao kinh doanh dự án thì phải chịu trách nhiệm với người dân”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho nói.

Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND thành phố ngày 3/4, về vấn đề Keangnam-Vina trả lại chung cư cho thành phố quản lý và hướng khắc phục những lùm xùm giữa cư dân đang sống ở chung cư và ban quản lý, ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, đến nay Keangnam đã nhận thức được vấn đề và Sở Xây dựng đang xây dựng quy định quản lý chung cư.

Sau hàng loạt vụ việc lùm xùm với cư dân, vừa qua Keangnam-Vina đã quyết định trả lại nhà cho thành phố quản lý. Ông nhìn nhận sự việc này thế nào?

Việc đó có thể là lý do riêng của họ; tuy nhiên với trách nhiệm quản lý nhà nước chúng tôi phải quản lý theo đúng quy định của pháp luật.
 
“Keangnam phải chịu trách nhiệm với người dân”
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng

Việc trả Keangnam-Vina trả lại chung cư cho thành phố quản lý đã không được chấp thuận vì không có cơ sở pháp lý nào để họ làm việc đó. Keangnam được phép giao kinh doanh dự án thì phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối dự án. Keangnam đã bán nhà cho người dân phải chịu trách nhiệm với người dân. Pháp luật đã quy định rất rõ điều đó. Đến nay, Keangnam đã nhận thức được vấn đề, họ đã quay lại tiếp quản, vận hành tòa nhà.

Mâu thuẫn giữa Keangnam với cư dân vẫn chưa được giải quyết, đến nay họ lại đưa ra một mức phí mới cao hơn nhiều lần quy định của thành phố?

Đến nay, họ có đề xuất hơn 15.000 đồng/m2. Tuy nhiên, đó mới là đề xuất của Keangnam, còn người dân vẫn chưa chấp thuận vì dự toán đó được cho là chưa thuyết phục. Nếu chưa hợp lý, giữa người dân và Keangnam tiếp tục giải quyết việc này. Nhiệm vụ của Keangnam vẫn tiếp tục phải duy trì hoạt động của tòa nhà.

Để người dân thấy số tiền trên là hợp lý, Keangnam phải công khai phần lập dự toán. Từ đó hai bên mới ngồi với nhau cam kết đúng hợp đồng kinh tế.

Dự toán Keangnam đưa ra đã phá vỡ quy định giá trần dịch vụ của thành phố gần 4 lần, liệu có hợp lý không thưa ông?

Keangnam không phá vỡ quy định của thành phố. Mức trần thành phố quy định là 4.000 đồng/m2 áp dụng với một loại nhà cụ thể. Trong quy định với các công trình có các mức dịch vụ cao hơn thì được phép lập dự toán và thỏa thận với người dân trên cơ sở phù hợp với công việc.
“Keangnam phải chịu trách nhiệm với người dân”
Nhiều lùm xùm giữa cư dân và quản lý tòa nhà Keangnam thời gian qua

Để hạn chế những sự việc như ở Keangnam, thời gian tới Sở Xây dựng có đưa ra quy định mới về quản lý chung cư không thưa ông?

Chúng tôi đang lấy ý kiến các sở ngành để xây dựng quy định quản lý chung cư. Tuy nhiên, việc này đang vướng một số pháp lý phải thông qua Bộ Xây dựng như vấn đề nghiên cứu để sửa quyết định 98 và một số vấn đề để phù hợp với tình hình hiện nay. Việc này cũng không đơn giản chút nào, phải có quá trình thời gian.

Tháng 9/2011, UBND thành phố Hà Nội ban hành giá dịch vụ nhà chung cư và ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư. Về giá dịch vụ chung cư được chia làm ba mức khác nhau. Theo đó, nhà chung cư không có thang máy được quy định với mức giá 2.400 đồng/m2/tháng; nhà chung cư có thang máy - mức thiết yếu là 3.100 đồng/m2/tháng; nhà chung cư có thang máy - mức mở rộng là 4.000 đồng/m2/tháng.

Quang Phong