1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kế hoạch mới của TPHCM nhằm kiểm soát Covid-19 trong 12 ngày

Quang Huy

(Dân trí) - UBND TPHCM yêu cầu đẩy nhanh thời gian xác định khu vực khoanh vùng, phong tỏa, chủ động tấn công dịch Covid-19 bằng xét nghiệm, lên kế hoạch cách ly F1 tại nhà và có nguồn vắc xin mới trong quý III.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa ký công văn khẩn về việc tổ chức cao điểm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên toàn địa bàn TPHCM. Đợt cao điểm sẽ diễn ra từ ngày 29/6 đến hết ngày 10/7.

Kế hoạch tổ chức cao điểm của TPHCM hướng tới mục đích huy động sức mạnh toàn dân, toàn hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, toàn thành phố sẽ căn cứ tình hình, diễn biến dịch để đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm sớm ổn định tình hình dịch bệnh trên địa bàn. 

Trọng tâm của đợt cao điểm lần này dựa trên phương châm 5K + vắc xin. Bên cạnh đó, các đơn vị tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19.

Khoanh vùng trong một giờ hoặc sớm hơn

Trong việc áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội, thành phố sẽ xác định phạm vi phù hợp trên cơ sở căn cứ dịch tễ, không máy móc theo đơn vị hành chính. 

"Tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong vòng một giờ hoặc sớm
hơn sau khi có xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19. Khoanh vùng nhanh lấy mẫu trên diện rộng và phong tỏa hẹp để truy vết khẩn trương, thần tốc ngăn chặn dịch", UBND TPHCM nêu rõ.

Kế hoạch mới của TPHCM nhằm kiểm soát Covid-19 trong 12 ngày - 1

UBND TPHCM yêu cầu xác định khu vực khoanh vùng trong 1 giờ hoặc sớm hơn (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngoài ra, việc xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm cao cần trả kết quả trong vòng 12 giờ. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thực hiện phần việc này.

Đối với việc phân loại các nhóm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, TPHCM đã chia thành 3 nhóm gồm nguy cơ rất cao (quận 8, Bình Tân và huyện Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh, một phần của thành phố Thủ Đức), nguy cơ cao (quận 1, 4, 5, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, huyện Củ Chi và một phần thành phố Thủ Đức), nhóm nguy cơ gồm các quận, huyện còn lại.

UBND TP Thủ Đức cùng các quận, huyện cần căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để điều chỉnh mức độ nguy cơ và chỉ đạo Tổ Công tác đặc biệt hỗ trợ phòng chống dịch quyết định các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Chủ động tấn công bằng xét nghiệm

Lực lượng y tế và cơ quan chức năng trên địa bàn cần chủ động tấn công bằng cách nâng cao năng lực xét nghiệm. Đối với các khu cách ly, phong tỏa, việc lấy mẫu cần thực hiện hàng ngày và phân tích tình hình, xác định nguyên nhân để đưa ra giải pháp chống dịch. 

Thành phố giao ngành y tế phấn đấu thực hiện một triệu mẫu xét nghiệm gộp/ngày. Sở Y tế cần phối hợp các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương đảm bảo năng lực xét nghiệm theo chỉ tiêu, tiến độ đã quy định.

Kế hoạch mới của TPHCM nhằm kiểm soát Covid-19 trong 12 ngày - 2

UBND TPHCM yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm Covid-19 (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Trong công tác lấy mẫu, việc xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cần áp dụng trên diện rộng cho bộ người dân, người lao động. Trong đó, các quận, huyện có nguy cơ lây nhiễm cao phải được tập trung lấy mẫu toàn bộ.

Tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các đơn vị cần phối hợp tổ chức test nhanh cho công nhân. Trong đó, TPHCM khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí và xét nghiệm hàng tuần.

Đối với khu vực sản xuất, kinh doanh nêu trên, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố cần xây dựng phương án siết chặt công tác phòng, chống dịch. Trong đó, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp phải tổ chức phân luồng, phân ca phù hợp.

UBND TPHCM cũng thành lập 100 đoàn kiểm tra các cấp để giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm Quang Trung và các doanh nghiệp tập trung đông người lao động trên địa bàn.

Ngoài ra, 22 doanh nghiệp với 25.000 lao động cần được hướng dẫn khẩn trương về việc tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất.

Tổ chức thí điểm cách ly y tế tại nhà

UBND TPHCM giao Sở Y tế chỉ đạo HCDC tham mưu triển khai thí điểm cách ly các trường hợp cách ly F1 tại nhà tại một số khu vực theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Kế hoạch này cần trình UBND TPHCM trước ngày 3/7.

Đối với các khu cách ly tập trung, Bộ Tư lệnh thành phố phối hợp với Sở Y tế rà soát năng lực, mở rộng để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh F1 tăng nhanh. Các khu cách ly tập trung bố trí không quá 2 người mỗi phòng và đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Kế hoạch mới của TPHCM nhằm kiểm soát Covid-19 trong 12 ngày - 3

Chậm nhất cuối quý III, lô vắc xin đầu tiên do TPHCM chủ động mua phải được đưa về (Ảnh: Phạm Nguyễn).

TPHCM cũng yêu cầu không tiếp tục sử dụng trường học làm nơi cách ly. Các quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức vận động khách sạn đủ điều kiện để tổ chức cách ly trả phí và báo cáo lại UBND TPHCM quyết định.

Đối với công tác điều trị, thành phố đề nghị ngành y sẵn sàng kịch bản cho tình huống có 10.000 ca nhiễm. Các bệnh viện đủ điều kiện cần nhanh chóng chuyển đổi công năng để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Sở Y tế nghiên cứu, khảo sát, xây dựng dự toán và huy động mọi nguồn lực về trang thiết bị, nhân lực để thành lập bệnh viện dã chiến tại 3 địa điểm đã được lựa chọn.

Đối với công tác mua vắc xin phòng Covid-19, các đơn vị được giao trách nhiệm cần khẩn trương làm việc với các đối tác, đàm phán với nhà sản xuất để đẩy nhanh tiến độ mua và nhập khẩu vắc xin theo nhu cầu của địa bàn.

"Tổ Công tác đàm phán và mua vắc xin cần thực hiện, chậm nhất cuối quý III phải tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên", UBND TPHCM nêu rõ.