1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Kẻ buôn người giấu mặt trên Facebook rình rập các cô gái sống sau cổng trời

(Dân trí) - Chỉ vì muốn thoát cảnh nghèo khổ, đói ăn quanh năm, nhiều thiếu nữ H’Mông (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) đã nghe theo lời dụ dỗ đường mật của những kẻ buôn người trên mạng xã hội, sa chân vào bẫy rồi bị bán sang Trung Quốc. Nhiều nạn nhân phải làm vợ kẻ đáng tuổi bố mình hoặc bị bán vào động mại dâm...

Mường Lát là huyện miền núi xa nhất của tỉnh Thanh Hóa- nơi chủ yếu là người dân tộc H’Mông sinh sống. Do đời sống còn lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp nên nơi đây vẫn tồn tại rất nhiều hủ tục như hôn nhân cận huyết, tảo hôn, buồn chuyện gì cũng tìm đến... lá ngón… Đặc biệt, nhiều phụ nữ H’Mông dễ dàng rơi vào cạm bẫy của kẻ buôn người sang Trung Quốc. Năm nào cũng thế, cứ vào dịp cuối năm là nạn buôn phụ nữ sang biên giới lại nở rộ trên mảnh đất này.

Sập bẫy qua mạng xã hội

Có dịp lên công tác tại huyện Mường Lát, chúng tôi gặp hai chị em Vàng Thị M. (SN 2000) và Vàng Thị P. (SN 1991, dân tộc H’Mông, xã Trung Lý, huyện Mường Lát). M. và P. là hai nạn nhân may mắn trở về từ nạn buôn bán người qua Trung Quốc. 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố đi tù, mẹ thì mất, 2 chị em sớm bỏ học để đi kiếm việc làm. Tháng 10/2015, trong lúc 2 em đi làm thuê đã quen với 2 người đàn ông trên Facebook. Hai người đàn ông ngỏ lời yêu và muốn lấy 2 cô bé về làm vợ. Nhẹ dạ cả tin, 2 chị em M. đã theo những người này đến tỉnh Lào Cai. Sau đó, bị chúng mang bán cho hai người đàn ông Trung Quốc về làm vợ. 

Vẫn chưa hết bàng hoàng sau những ngày lưu lạc bên xứ người, M. kể: “Sau 1 tháng bị bắt sang, em đã bỏ trốn khỏi nhà chồng, trong lúc đang lang thang không biết tìm cách nào để về Việt Nam thì em được Công an Trung Quốc bắt và trao trả về Việt Nam. Còn chị của em thì mãi đến năm 2016 mới tìm cách trốn về được”.

Tháng 11/2018, Công an huyện Mường Lát cũng đã ngăn chặn thành công một vụ lừa bán phụ nữ qua Trung Quốc, giải cứu 2 chị em Hoàng Thị L. (SN 2003) và Hoàng Thị T. (SN 2000), trú xã Trung Lý.

Kẻ buôn người giấu mặt trên Facebook rình rập các cô gái sống sau cổng trời - Ảnh 1.

Hai chị em T. và L. suýt bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc.

 T. và L. sinh ra ở một bản nghèo hẻo lánh của Mường Lát. Hai chị em chỉ học hết lớp 7 thì nghỉ học, hằng ngày lên nương, lên rẫy làm việc giúp bố mẹ. Ngoài những lúc tất bật với công việc cùng gia đình, T. tranh thủ lên Facebook nói chuyện với bạn bè.

Kẻ buôn người giấu mặt trên Facebook rình rập các cô gái sống sau cổng trời - Ảnh 2.

Hầu hết các nạn nhân đều bị các đối tượng xấu lừa qua Facebook.

Trong một lần T. lên Facebook thì có một người phụ nữ kết bạn rồi dụ dỗ em sang Trung Quốc làm giúp việc cho một quán karaoke. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng vì muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo sau những dãy núi đồi., T. đã rủ luôn em gái đi cùng.

Biết rằng xin phép bố mẹ sẽ không được đi, hai cô gái đã tự khăn gói lên đường, bắt xe để đi ra Quảng Ninh gặp người phụ nữ trên Facebook. Không thấy hai cô con gái, bố mẹ T. đã báo cho chính quyền địa phương, lực lượng Công an xã Trung Lý và Công an huyện Bá Thước. Chiếc xe đưa hai cô gái đến địa phận huyện Bá Thước thì bị cơ quan chức năng giữ lại, T. và L. được cứu thoát trở về.

T. cho biết, người phụ nữ kết bạn trên Facebook với mình tên là Duyên. Người này bảo em nếu muốn được mặc đẹp, không phải lên nương lên rẫy mà vẫn có nhiều tiền thì ra với chị làm việc trong một quán karaoke.

Nhức nhối nạn buôn người

Chị Dự Thị Váng, mẹ của hai thiếu nữ T. và L. chưa hết lo lắng khi hai con gái suýt sập bẫy kẻ xấu.  Chị cho biết, dù con gái đã trở về nhưng không ngày nào chị không nơm nớp lo sợ. Bao nhiêu con gái trong làng bị kẻ xấu dụ dỗ đi khỏi bản rồi mất tích không trở về, con gái chị cũng không tránh khỏi là miếng mồi cho kẻ xấu dụ dỗ.

"Từ ngày đó đến giờ, không lúc nào vợ chồng tôi dám vắng nhà vì sợ chúng lại bỏ đi theo người xấu. Mỗi lần chúng nghe điện thoại cũng phải theo dõi xem chúng nói chuyện với ai, nói chuyện gì"- chị Váng tâm sự.

Kẻ buôn người giấu mặt trên Facebook rình rập các cô gái sống sau cổng trời - Ảnh 3.

Chị Dự Thị Váng, mẹ của T.và L. lo lắng về hai cô con gái.

 Kể về những nạn nhân trên địa bàn bị bán sang Trung Quốc, ông Giàng A Lâu, Trưởng Công an xã Trung Lý không khỏi xót xa. Ông Lâu cho biết, từ năm 2012 đến nay, địa phương đã có hơn 20 trường hợp phụ nữ H’Mông bị bán sang Trung Quốc, riêng năm 2018 có 3 trường hợp, rất nhiều trường hợp không thể trở về.

“Nạn nhân bị lừa bán thường ở độ tuổi 13-14, bỏ học sớm, chưa có nhận thức hoặc những người phụ nữ có gia đình trên dưới 30 tuổi, cuộc sống khó khăn. Dù chúng tôi tuyên truyền rất nhiều nhưng năm nào vấn nạn này cũng diễn ra” - ông Lâu cho biết thêm.

Theo số liệu thống kê của công an huyện Mường Lát thì hiện trên địa bàn có 78 phụ nữ đang mất tích, nghi bị lừa bán sang Trung Quốc.

Thượng tá Gia Nọ Pó, Phó Trưởng Công an huyện Mường lát cho biết: “Đa số các trường hợp bị lừa bán đều không phải xảy ra ngay trên địa bàn huyện nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Nhiều phụ nữ đi làm ăn xa, làm quen với người lạ qua Facebook, khi có đàn ông tán tỉnh, làm quen, nhất là người biết tiếng H’Mông thì phụ nữ H’Mông lại càng dễ tin tưởng, đi theo”.

(Còn nữa)

Bình Minh