1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ít nhất 14 người chết, 9 người bị thương sau bão số 3

(Dân trí) - Hoàn lưu bão số 3 đã làm ít nhất 14 người chết và 9 người khác bị thương. Lũ lụt khiến nhiều địa phương miền Bắc thiệt hại nặng nề.

(Thực hiện: Tuấn Hợp)

Theo báo cáo mới nhất từ UB Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến hết ngày 18/9, bão số 3 đã làm ít nhất 14 người chết (trong đó Lạng Sơn có 8 người, Thái Nguyên 2 người, Hà Nội 2 người bị điện giật, Hà Giang 1 người và Nghệ An 1 người). Hoàn lưu bão còn khiến 9 người khác bị thương, trong đó 6 người ở Lạng Sơn và 3 ở Hải Phòng. 

Bên cạnh thiệt hại về người, hàng nghìn ngôi nhà ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn... bị sập, tốc mái và ngập. Hàng chục nghìn ha lúa, cây hoa màu, cây ăn quả bị hư hại.

Lũ lụt đã gây cô lập một số khu vực tại Thái Nguyên. (Ảnh: Tuấn Hợp)
Lũ lụt đã gây cô lập một số khu vực tại Thái Nguyên. (Ảnh: Tuấn Hợp)
 
Sáng 18/9, một trận lũ lớn đổ về Thái Nguyên đã khiến khoảng 4km đường tuyến QL3, đoạn thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, hướng Thái Nguyên - Bắc Kạn bị ngập sâu gần 2m. Giao thông tê liệt hoàn toàn. Mưa lớn cũng làm nhiều đoạn đường ở quốc lộ 3 ngập nặng. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đã phải điều 3 xe thiết giáp giúp người dân đi qua những đoạn đường sâu.

Tại các xã An Khánh (Đại Từ), Sơn Cẩm (Phú Lương), mưa lũ đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà của các hộ dân đang sinh sống. Toàn bộ người dân trong khu này đã được lực lượng quân đội, công an và các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên khẩn trương di dời đến nơi an toàn.

 

Ít nhất 13 người chết, 9 người mất tích và bị thương sau bão số 3


3 xe thiết giáp lội nước đã được lực lượng Cứu hộ - Cứu nạn (Quân Khu I) điều đến các điểm ngập lụt để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn (Ảnh: Tuấn Hợp)

Tại Lạng Sơn, đến chiều 18/9, tại chợ Giếng Vuông và nhiều khu vực ở thành phố Lạng Sơn nước đã rút. Tuy nhiên ở một số cánh đồng, con đường dẫn vào thôn bản ở huyện Cao Lộc và Lục Bình vẫn đang bị nước lũ bao vây khiến người dân bị cô lập.
 

Nhà Văn Hóa xã Cổ Lũng (Phú Lương, Thái Nguyên) ngập chìm trong nước. (Ảnh: Tuấn Hợp)

Nhà Văn Hóa xã Cổ Lũng (Phú Lương, Thái Nguyên) ngập chìm trong nước. (Ảnh: Tuấn Hợp)

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại TP Lạng Sơn, do tiết trời tạnh ráo nên nước lũ trên sông Kỳ Cùng đã rút nhanh. Một số khu vực bị ngập nặng như đường Nguyễn Du, Phường Đông Kinh và chợ Giếng Vuông, Phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn hầu hết không còn trong tình trạng ngập lụt.

Điểm xói lở tại Km 30 + 500, QL 1A mà PV
Điểm xói lở tại Km 30 + 500, QL 1A mà PV Dân trí ghi nhận vào sáng 17/9. (Ảnh: Thái Cường)

Chính quyền địa phương đang huy động các lực lượng, ban ngành trong tình hỗ trợ bà con nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Tại những điểm trũng, thấp bị ngập, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã sử dụng vòi rồng cứu hỏa để rửa trôi bùn. Công an tỉnh Lạng Sơn cũng đã khẩn trương tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh. Đặc biệt là giúp đỡ nhân dân nhân dân và các hộ kinh doanh tại các chợ bị ngập sớm ổn định cuộc sống.

Tại tỉnh Hà Giang, trong buổi sáng 18/9 nhiều khu vực ở trung tâm TP Hà Giang bị ngập nặng khiến giao thông bị chia cắt, nhiều khu dân cư ngập sâu trong nước làm vật dụng trong nhà bị hư hỏng.

Nhiều khu vực tại TP Hà Giang như khu vực tổ 10 phường Nguyễn Trãi và tổ 17 phường Trần Phú, nước lũ dâng cao lên khoảng gần 2m và tràn vào nhà kèm theo rác thải khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Do nước sông Lô dâng cao xấp xỉ mức báo động 3, tại một số điểm trên địa bàn TP Hà Giang đến trưa ngày 18/9, nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao, nhiều cán bộ, công chức không thể về nhà, phải ở lại công sở. Một số trường học nước dâng cao đúng giờ tan tầm khiến việc đưa đón con của các phụ huynh gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Các cơ quan chức năng của Hà Giang đã huy động lực lượng giúp người dân chống ngập.
 
Ruộng lúa của bà con bị nhấn chìm do bão lũ (Ảnh: Thái Cường)
Ruộng lúa của bà con bị nhấn chìm do bão lũ (Ảnh: Thái Cường)

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại Hà Giang cũng đã làm 3 nhà bị sập hoàn toàn, hơn 27 nhà tốc mái hoàn toàn, 700 nhà bị tốc mái từ 10 đến 70% tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Bắc Quang. 8 điểm trường của các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần bị tốc mái, hư hỏng nặng. Hàng trăm m3 đất đá sạt lở, điển hình như tuyến giao thông liên xã từ đường Vĩnh Quang đi xã Đản Ván tuyến đường từ Tân Tiến đi xã Túng Sán thuộc huyện Hoàng Su Phì. Đồng thời gây ách tắc cục bộ giao thông 2 xã Niêm Sơn, Xín Cái (Mèo Vạc)...

Mưa to kèm theo lốc lớn cũng đã làm thiệt hại hàng trăm ha diện tích cây nông nghiệp như ngô, lúa, đậu tương của các huyện Mèo Vạc, Bắc Mê, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Xín Mần. Nhiều công trình trụ sở thôn của các xã thuộc huyện Mèo Vạc, Đồng Văn bị tốc mái, hư hỏng. Ước tổng thiệt hại ban đầu lên tới gần 4 tỷ đồng.

Một chiến sĩ CA Hà Giang kiệu em nhỏ thoát khỏi vùng lũ (Ảnh: Tuấn Hợp)

Một chiến sĩ CA Hà Giang kiệu em nhỏ thoát khỏi vùng lũ (Ảnh: CTV)

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, đặc biệt ở các huyện như: Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); Hoàng Su Phì, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang); Bảo Yên, Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai); Phú Lương, Đồng Hỷ, thành phố Thái Nguyên, Định Hóa, Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên).

Phạm Thanh - Tuấn Hợp - Thái Cường