Ì ạch thi công hầm chui, đường gom cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây
(Dân trí) - Dù kế hoạch các nhà thầu phải hoàn thiện các hạng mục còn lại trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây trong tháng 6 nhưng đến giữa tháng 7 mọi thứ vẫn ngổn ngang, bộn bề.
Những ngày giữa tháng 7, phóng viên đi dọc tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Theo ghi nhận, nhiều đoạn trên dọc tuyến vẫn xuất hiện các bảng hiệu cảnh báo công trường, nhiều nhóm công nhân vẫn thi công trên cao tốc.
Người dân mỏi mòn chờ đường gom dân sinh
Theo ghi nhận các hạng mục còn lại thuộc dự án Phan Thiết - Dầu Giây tập trung ở đoạn làm mái taluy đồi km30, km32, các nút giao với quốc lộ 55, quốc lộ 1, ĐT 720 và ĐT 715.
Tại các nút giao, hệ thống chiếu sáng, bảng chỉ dẫn, sơn kẻ đường vẫn chưa hoàn thiện. Nhiều tài xế lên xuống cao tốc tại các nút giao này gặp khó khăn để tìm lối đi.
Đối với hệ thống đường gom dân sinh, người dân sống xung quanh cao tốc vẫn mỏi mòn chờ đợi các đơn vị thi công hoàn thiện. Hiện đời sống, công việc của người dân gặp nhiều khó khăn khi phải di chuyển xa, cũng như mặt đường rất xấu, đặc biệt vào mùa mưa.
Mới đây, UBND huyện Hàm Thuận Nam và Bắc Bình (Bình Thuận) có văn bản gửi Sở GTVT Bình Thuận kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh các tuyến đường gom dân sinh.
Huyện Bắc Bình hiện đang có tới 19 đoạn đường bị hư hỏng do phục vụ vận chuyển vật liệu để thi công đường cao tốc nhưng đến nay chưa được các nhà thầu sửa chữa, hoàn trả, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân.
Trong khi đó gần 8km đường gom dân sinh trên địa bàn các xã Hải Ninh, Sông Bình, Bình Tân (huyện Bắc Bình) cũng chưa được thi công khiến người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn.
Ông Trần Ngọc Diệp, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, cho biết, việc sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường công vụ, đường dân sinh bị xuống cấp do phục vụ xây dựng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện, dù cao tốc đã đi vào sử dụng hơn 2 tháng.
Cũng theo ông Diệp, hiện nhiều khu vực sản xuất thanh long tại đường gom dân sinh đoạn km21+889 và cầu Suối Khoét của huyện này bị chia cắt vì hệ thống thoát nước, đường gom dân sinh chậm trễ thi công.
Thi công chậm do mưa lớn, nhiều hạng mục được bổ sung
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, cho biết, do trục đường chính cao tốc đưa vào khai thác nên việc tập kết phương tiện, nhân lực thi công các hạng mục còn lại ảnh hưởng rất lớn. Các tuyến giao thông kết nối công trường thi công gặp khó khăn.
"Miền Nam đang vào mùa mưa, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Mặt khác các đơn vị thi công không lường được mật độ xe di chuyển trên cao tốc khá lớn, nên vừa thi công vừa đảm bảo an toàn vận hành là rất khó. Sau giai đoạn hoàn thiện tuyến chính, nhiều nhà thầu gặp khó khăn về tài chính bởi trượt giá của dự án quá lớn", ông Thái chia sẻ thêm về nguyên nhân chậm tiến độ.
Theo ông Thái, trong tháng 7 hoặc chậm nhất tháng 8 sẽ hoàn thiện các nút giao, đường gom dân sinh. Sau khi hoàn thiện dự án, đơn vị thi công sẽ tiếp tục hoàn trả mặt bằng các tuyến đường dân sinh xuống cấp cho người dân địa phương hai bên dự án Phan Thiết - Dầu Giây.
Còn về cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Nguyễn Thái Hà, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) phụ trách quản lý cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho biết, đơn vị đã thực hiện được 96,25% khối lượng công việc.
Theo ông Hà, hiện cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết còn khoảng 5,5km hàng rào bảo vệ, 65km đường gom dân sinh, nút giao đã cơ bản hoàn thành, đang trải thảm nhựa. Ngoài ra tuyến đường dẫn cầu vượt Km212+605 đang thi công đường dẫn mố A1 (địa phương bàn giao mặt bằng cuối tháng 5). Các nhà thầu đang trồng cỏ mái taluy và hệ thống an toàn giao thông đường gom.
Ngoài các hạng mục trong hợp đồng, tỉnh Bình Thuận vừa đề nghị bổ sung khoảng 10km đường gom dân sinh, bổ sung rãnh dọc, cải mương, gia cố các vị trí cống ngang … để phục vụ người dân.
Ông Hà cho biết, Ban quản lý 7 sẽ chỉ đạo nhà thầu thi công hoàn thành chậm nhất trong tháng 7 và đầu tháng 8. Một số hạng mục địa phương mới đề nghị bổ sung và các hạng mục bổ sung khác của dự án, Ban quản lý dự án đang hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để bàn giao cho địa phương giải phóng mặt bằng và hồ sơ để sớm triển khai thi công. Thời gian dự kiến hoàn thành sau 2 tháng kể từ khi được địa phương bàn giao mặt bằng.
Chia sẻ về việc chậm tiến độ, ông Hà giải thích thời gian này Bình Thuận mưa liên tục ảnh hưởng lớn đến tổ chức thi công, đặc biệt là hạng mục đường gom và hệ thống thoát nước. Việc vận chuyển vật liệu, thiết bị khó khăn do phải đi trên đường gom.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị bổ sung đường gom, hệ thống thoát nước để phục vụ dân sinh, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chung của dự án.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8 km đi qua địa phận các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình Thuận với vận tốc thiết kế là 100-120 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 10.850 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 9/2020 và đưa vào vận hành ngày 19/5.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng vừa khai thác từ 29/4. Tuyến cao tốc có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Vận tốc thiết kế của cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.