1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Huỳnh Ngọc Sĩ: “Tôi không nhận hối lộ”

(Dân trí) - “Việc PCI rút tiền từ ngân hàng Tokyo chi nhánh TPHCM, đem tiền từ Nhật qua và trả lương… không đồng nghĩa là tiền hối lộ. Tôi hoàn toàn không nhận tiền hối hộ”, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ liên tục “phản pháo” HĐXX.

Chiều 15/10, phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng tại dự án Đại lộ Đông Tây tiếp tục phần xét hỏi bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ.

Về vấn đề đấu thầu quốc tế và chỉ định thầu, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ cho rằng, trong 2 gói thầu Tư vấn thiết kếTư vấn giám sát, thì gói thầu Tư vấn thiết kế được đấu thầu theo phương thức đấu thầu quốc tế. PCI trúng gói thầu này. Sau khi đàm phán thương thảo, ông Sĩ đại diện chủ đầu tư kí hợp đồng với PCI.

Còn gói thầu Tư vấn giám sát thì ông Sĩ khẳng định Ban Quản lý dự án chỉ định thầu, đơn vị trúng thầu cũng là PCI. Mục đích chỉ định thầu: “Để không phải kéo dài thời gian. Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án…”, bị cáo Sĩ biện minh.

Huỳnh Ngọc Sĩ: “Tôi không nhận hối lộ” - 1
 Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ kiên quyết: “Tôi không nhận hối lộ”.

Trong khi đó, người làm chứng, “phó tướng” Lê Quả cũng khai rằng, Huỳnh Ngọc Sĩ có chỉ đạo ông Quả cùng đồng ý để tiếp tục cho PCI trúng thầu Tư vấn giám sát theo phương thức chỉ định.

Huỳnh Ngọc Sĩ: “Tôi không nhận hối lộ” - 2
Đang bị thụ án 5 năm tù nhưng “phó tướng” Lê Quả vẫn phải hầu tòa vơi vai trò là nhân chứng.

Về quá trình thương thảo để nhận số tiền 262.000 USD, tòa công bố lời khai của 3 cựu quan chức PCI là Kondo Masami, Saka Tsuneo và Sakashita. Theo đó, 3 cựu quan chức Nhật khai rằng, trong lúc thương thảo hợp đồng tư vấn giám sát, Huỳnh Ngọc Sĩ đã gợi ý tiền “bôi trơn” là 15% giá trị hợp đồng.

PCI cho rằng như vậy thì quá cao, đề nghị Sĩ giảm xuống. Sau nhiều lần “kỳ kèo”, Sĩ giảm xuống còn 12%. Vào khoảng tháng 1/2003, trước khi hợp đồng tư vấn giám sát được chính thức đặt bút kí kết, 2 quan chức PCI lại gặp Huỳnh Ngọc Sĩ  tại phòng làm việc của Sĩ để “thương lượng” lần cuối vào ngày 28/05/2003.

Một trong 3 quan chức nói với Sĩ: “Ông nói 12%, chúng tôi đề nghị 10%. Như vậy, để thống nhất, chúng tôi lấy trung bình là 11%”. Huỳnh Ngọc Sĩ đồng ý mức giá này.

Tuy nhiên, với lời khai này của cựu quan chức PCI, Huỳnh Ngọc Sĩ nói: “Lời khai như thế là không đúng. Tôi không tiếp ai tại phòng làm việc riêng hay thương lượng với ai tại khách sạn cả”. Suốt phiên tòa, bị cáo Sĩ đều không thừa nhận mình đã nhận “bôi trơn” số tiền 262.000 USD. Sĩ khai mình không hề biết đến ông Takasu Kunio, nguyên giám đốc điều hành PCI (người được xác định đã đưa tiền hối lộ cho ông Sĩ).

Tòa công bố bút lục lời khai của Takasu Kunio: “Tôi chính là người trực tiếp chuyển số tiền nói trên (262.000USD) cho ông Sĩ. Vào cuối tháng 5/2003, tôi cùng với 2 người nữa, cùng nhau đến văn phòng và đưa số tiền hối lộ 262.000 USD cho Sĩ”. Tại bút lục lời khai của kế toán trưởng của PCI tại Việt Nam cũng khai: “Khi đó tôi đang phụ trách công việc kế toán PCI. Tôi đã 3 lần chuẩn bị số tiền hối lộ cho ông Sĩ”.

Bị cáo Sĩ vẫn giữ nguyên quan điểm: “Không chính xác. Không đúng sự thật. Không nhận…”. Để làm rõ sự việc, cơ quan điều tra cho các quan chức PCI nhận dạng thì họ nhận đúng hình và vẽ đúng sơ đồ phòng làm việc của ông Sĩ.

“Bị cáo nghĩ sao, nếu như các quan chức PCI không đến gặp tại phòng làm việc thì làm sao họ nhận dạng và vẽ đúng sơ đồ phòng làm việc của bị cáo?”, vị chủ tọa hỏi. Bị cáo Sĩ đáp: “Tôi ra tòa lần thứ nhất, hình tôi đầy trên mặt báo. Không chỉ báo Việt Nam mà còn có cả báo nước ngoài, báo Nhật Bản. Phòng làm việc của tôi, các quan chức PCI, phiên dịch của họ có nhiều lần vào làm việc nên họ biết”.

 Chủ tọa tiếp tục: “Lời khai giữa 3 quan chức PCI là phù hợp với nhau. Phù hợp với kết quả của cơ quan điều tra. Kết quả đều tra xác minh (ngày/giờ) xuất cảnh, khoản tiền rút ra từ ngân hàng Tokyo TPHCM (42.000USD) và 80.000 USD mang từ Nhật sang để giao cho Sĩ... đều phù hợp”. Bị cáo Sĩ quả quyết: “Việc PCI rút tiền từ ngân hàng Tokyo chi nhánh TPHCM, đem tiền từ Nhật qua và trả lương… không đồng nghĩa là tiền hối lộ. Tôi hoàn toàn không nhận tiền hối hộ”.

Tòa vặn: “Các quan chức PCI đưa hối lộ đã bị Nhật Bản xử lý vì vi phạm cạnh tranh không lành mạnh. Còn bị cáo nhận tiền hối lộ, chẳng lẽ bị cáo vô can?”. Bị cáo Sĩ không trả lời.

Lời khai của PCI cho thấy, Huỳnh Ngọc Sĩ là người có quyền quyết định dự án. Mục đích của ông Sĩ là tạo thuận lợi trong đàm phán và chấp nhận nhiều điều khoản có lợi cho PCI. Đổi lại, PCI đề xuất chi cao (kể cả tiền hối lộ với mức 11% giá trị hợp đồng) để được ký hợp đồng có lợi và được chỉ định thầu”. Căn cứ vào đây, tòa nhận định rằng, những việc làm của bị cáo làm có lợi cho PCI đúng với mục đích của PCI chi hối lộ cho bị cáo, bị cáo nâng lương cho chuyên gia nước ngoài…

Bị cáo Sĩ: “Tôi không phải là người có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến dự án. UBND TPHCM là chủ đầu tư của Dự án. Các vấn đề liên quan phải báo cáo UBNDTP…”

Công tố viên giữ quyền công tố tại tòa tham gia xét hỏi cho rằng, bị cáo có hàng loạt quyền hạn: thương thảo, ký các hợp đồng… Với những người có quyền hạn như thế thì đại diện nhà thầu PCI tìm mọi cách quan hệ tốt với bị cáo để đạt được 4 mục đích của họ. Trong thực tế, họ cho rằng, bị cáo đã đáp ứng 4 yêu cầu của họ. Ngược lại, họ đáp ứng yêu cầu của bị cáo: Đưa tiền cho bị cáo. Huỳnh Ngọc Sĩ: “Không”.  

Liên quan đến vấn đề chấp nhận đơn giá lương chuyên gia tư vấn nước ngoài mức cao hơn so với dự toán biên bản thảo luận, đại diện Viện kiểm sát chất vấn, “Tại sao khi đàm phán, không lấy biên bản ngày 28/10/1999 thỏa thuận giữa chính phủ Nhật với ngân hàng về mức lương?”

Bị cáo Sĩ không chối bỏ vấn đề lương cao bất thường này. Tuy nhiên, vị “cựu” giám đốc cho rằng: “Mặc dù lương của họ cao hơn dự toán nhưng vẫn nằm trong khung của cho phép. Ngoài ra, khi ký hợp đồng giảm được một số chi phí khác nên tổng giá trị hợp đồng thấp hơn so với gói thầu được phê duyệt. Biên bản thỏa thuận, dự toán của chính phủ Nhật không phải là cơ sở pháp lý để ký hợp đồng. Dự toán là dự trù để chính phủ Nhật cho VN vay vốn mà thôi”.

Ngày mai (16/10), phiên tòa tiếp tục phần tranh luận giữa luật sư và đại diện Viện kiểm sát.
 
 
Vợ Huỳnh Ngọc Sĩ đòi lại 2 căn nhà bị kê biên
 
Liên quan đến 2 căn nhà ở đường Võ Văn Tần và đường Bàn Cờ (quận 3, TPHCM) mà cơ quan điều tra vừa kê biên tài sản ngày 26/8/2010, bà Phan Thị Lịch Sa, vợ của bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ yêu cầu HĐXX xem xét lại.
 
Theo yêu cầu của các luật sư, HĐXX triệu tập bổ sung bà Phan Thị Lịch Sa (vợ của bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ) đến phiên tòa.
Chiều ngày 15/10, khi được hỏi về 2 căn nhà vừa bị kê biên. Bà Sa cho biết, 2 căn nhà này là tài sản của chung của 2 vợ chồng bà. Tài sản này có trước thời điểm chồng bà công tác tại Dự án Đại lộ Đông Tây TPHCM. Bà Sa kể, bà là con gái đầu nên năm 1980, khi 2 vợ chồng mới cưới, thương con gái, mẹ của bà đã cho căn nhà tại đường Bàn Cờ để làm tổ ấm.
Huỳnh Ngọc Sĩ: “Tôi không nhận hối lộ” - 3
Huỳnh Ngọc Sĩ được đưa ra xe về trại giam
 
Năm 1990, vợ chồng bà mua đất ở đường Võ Văn Tần. Đến năm 1996 mới có tiền xây nhà này khang trang như hiện nay. “Năm 2000 chồng tôi mới làm Đự án đại lộ đông Tây. Vì vậy, việc kê biên 2 căn nhà này mong tòa xem xét, cân nhắc lại. Tôi đứng tên 2 căn nhà. Tôi xin tòa để tôi xin lại tài sản 2 căn nhà đó. Căn nhà ở đường Bàn Cờ, do mẹ ruột thương, nên cho chứ không phải là tài sản của ông Sĩ”, bà Sa nói.
 
 
Công Quang