1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Hủy gói thầu sai quy định tại tuyến metro số 2

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa quyết định hủy một gói thầu được phê duyệt sai quy định thuộc dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương). Những cá nhân, tập thể liên quan đến lập, thẩm định và phê duyệt gói thầu này sẽ bị kiểm điểm trách nhiệm, xử lý vi phạm.

UBND TPHCM vừa quyết định hủy gói “Tổng thầu thiết kế thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (CP0) thuộc tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương)” do Ban Quản lý đường sắt đô thị TP làm chủ đầu tư.

Gói thầu bị hủy do quá trình phê duyệt hồ sơ mời thầu không tuân thủ quy định. Ban Quản lý đường sắt đô thị TP chịu trách nhiệm toàn bộ về việc này, đồng thời tiến hành chỉnh sửa nội dung hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lại.

Hủy gói thầu sai quy định tại tuyến metro số 2 - 1
UBND TPHCM quyết định hủy gói thầu thuộc dự án tuyến metro số 2 vì phê duyệt sai quy định

UBND TP cũng yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, xử lý vi phạm các cá nhân và tập thể liên quan việc lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu; lập tổ chuyên gia đấu thầu không đúng quy định; tham gia hoạt động đấu thầu nhưng không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu.

Sở Nội vụ được giao nhiệm vụ rà soát danh sách nhân sự Ban Quản lý đường sắt đô thị và đề xuất, đôn đốc khắc phục ngay tình trạng nhân sự tham gia lựa chọn nhà thầu nhưng không có chứng chỉ đấu thầu.

Tuyến metro số 2 dài 11,2km đi qua 6 quận, trong đó đoạn đi ngầm dài 9,2km, đoạn tuyến trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2km. Tuyến có 10 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot.

Nguồn vốn thực hiện dự án là vốn vay ODA từ các nhà tài trợ và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TPHCM.

Tuyến metro số 2 được phê duyệt năm 2010 và sau đó bị đội vốn lên tới gần 800 triệu USD (tổng mức đầu tư từ 1,374 tỷ USD tăng lên 2,173 tỷ USD, tăng 58%). UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng duyệt chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2024 thay vì năm 2020 như kế hoạch trước đây.

Theo UBND TPHCM, lý do tăng tổng mức đầu tư là nằm ở khâu thiết kế cơ sở. Cụ thể, thiết kế cơ sở được phê duyệt của dự án do đơn vị tư vấn trong nước thực hiện vào năm 2010.

Trong quá trình triển khai dự án, năm 2012, chủ đầu tư đã tuyển chọn tư vấn quốc tế là liên danh tư vấn IC (đứng đầu là tư vấn Đức) thực hiện các bước tiếp theo với mục đích rà soát và triển khai thiết kế chi tiết hơn so với thiết kế cơ sở. Thiết kế (FEED) này sẽ là cơ sở để tổ chức lựa chọn các nhà thầu thi công và cung cấp thiết bị dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế, tư vấn quốc tế phát hiện nhiều nội dung sai sót và chưa phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế cơ sở (tương tự quá trình thiết kế của tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành – Suối Tiên, trước đây).

Dự án tuyến metro số 2 ảnh hưởng đến 679 hộ dân, tổ chức. Trong đó, riêng quận Tân Bình có 356 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng đang bị đình trệ do vấn đề tổ chức phương án tái định cư, giá cả bồi thường chưa hoàn tất dù nguồn vốn có sẵn.

Đơn cử, năm 2018, UBND TPHCM giao quận Tân Bình 800 tỷ đồng chi bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do chưa phê duyệt phương án bồi thường nên đến giữa năm 2018 quận xin hoàn trả 800 tỷ đồng cho thành phố.

Quốc Anh