1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Các đơn vị từ Quảng Bình đến Bà Rịa Vũng Tàu đang duy trì hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ và trên 270 phương tiện các loại, để sẵn sàng xử lý các tình huống xấu do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây ra.

Sáng nay (25/10), Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão và khắc phục mưa lũ những ngày qua ở các tỉnh miền Trung.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia - cho biết: Đêm qua đến sáng nay, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và ở phía Đông Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến (tính từ 19h ngày 24/10 đến 7h ngày 25/10) từ 15-40 mm, có nơi trên 60 mm, như Bạch Mã (Thừa Thiên Huế): 92,2 mm, Trà Giáp (Quảng Nam) 62,4 mm, Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 43.6 mm, Ea Trang (Đắk Lắk) 94,6 mm, Chư Ngọc (Gia Lai) 42,6 mm,….

Ở khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến (tính từ 19h ngày 24/10 đến 7h ngày 25/10) từ 40-90 mm, có nơi trên 100 mm: Phước Thanh (Bình Định) 75 mm, Sơn Hòa (Phú Yên) 85,4 mm, Vạn Thạnh (Khánh Hòa) 161 mm, Hồ Đá Bàn (Khánh Hòa) 111,4 mm…

Về diễn biến cơn áp thấp nhiệt đới, ông Lâm cho biết, hồi 7h sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây thuộc Quần đảo Trường Sa khoảng 110 km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ ứng phó với áp thấp nhiệt đới - 1

Ông Hoàng Phúc Lâm phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, với cường độ cấp 8. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới với gió mạnh cấp 6 trở lên là từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 115,5 độ Kinh Đông. Gió mạnh cùng gió giật, sóng lớn và giông, lốc gần áp thấp nhiệt đới gây mất an toàn cho tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm", ông Lâm cảnh báo.

Cũng theo ông Lâm, trong ngày hôm nay, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và phía Đông Tây Nguyên mưa giảm, có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông, với lượng mưa phổ biến từ 20-50 mm, có nơi trên 70 mm. Đến đêm nay, khu vực này mưa tiếp tục giảm thêm.

Tuy nhiên, từ ngày 26 đến ngày 27/10, ở khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận và Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (có khả năng mạnh lên thành bão) nên có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến 100-300 mm, có nơi trên 300 mm. Khu vực ven biển do kết hợp với gió mùa Đông Bắc nên có thể có gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 8.

Theo ông Lâm, một số khu vực đã và đang còn ngập ở Quảng Nam (Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành) và Quảng Ngãi (Bình Sơn), từ ngày 26/10 sẽ mưa to trở lại, nên nguy cơ ngập úng, lũ quét và sạt lở là rất cao; mưa lớn cùng gió giật mạnh cũng sẽ gây nguy cơ mất an toàn cao đối với các hồ chứa, các khu công nghiệp khai thác khoáng sản lớn ở Tây Nguyên và các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên, Khánh Hòa.

"Từ ngày 27-30/10, ở khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế do ảnh hưởng của nhiễu động gió Đông kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 200-350 mm, có nơi trên 400 mm", ông Lâm thông tin thêm.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Hưng - Trưởng Phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Biên phòng - cho biết, thống kê hiện nay có khoảng 500 phương tiện gần 6.000 lao động vẫn trong vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới, nhưng đã nắm được thông tin và đang trên đường di chuyển thoát ra khỏi đường đi của áp thấp nhiệt đới. Các đơn vị từ Quảng Bình đến Bà Rịa Vũng Tàu đã và đang duy trì hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ và trên 270 phương tiện các loại thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống xấu do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - đề nghị các đơn vị tiếp tục bắn pháo hiệu để kêu gọi các tàu thuyền trong vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tăng cường các bản tin dự báo để phục vụ công tác điều hành chỉ đạo đối với các địa phương trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Các địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ và tình trạng sạt lở trên các tuyến giao thông.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị phối hợp với lực lượng công an tổ chức phân luồng giao thông đảm bảo an toàn tại các khu vực đang bị sạt lở.

Huy động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ ứng phó với áp thấp nhiệt đới - 2

Ông Trần Quang Hoài phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Hiện nay, các hồ chứa thủy lợi và thủy điện cơ bản đã đầy nước, trừ những hồ lớn. Với dự báo hiện nay sẽ tiếp tục xuất hiện mưa lũ ở phạm vi rộng hơn, các đơn vị, địa phương cần phải tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác ứng phó. Nhiều khu vực đất đã bão hòa nước do mưa dài ngày, do đó, việc xả lũ của các hồ cần hết sức chú ý, đảm bảo đúng qui trình và thông báo sớm cho bà con dưới hạ du,  nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm tra toàn bộ những khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn để sơ tán kịp thời người dân" - ông Hoài lưu ý.