Huy động 7.000 lượt người tái hiện sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 sẽ được Cà Mau tổ chức trong tháng 11 với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Sáng 18/9, UBND tỉnh Cà Mau cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau tổ chức họp báo quý III và thông tin Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, cho biết lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc được diễn ra cao điểm từ ngày 10/11 đến 25/11.

Huy động 7.000 lượt người tái hiện sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc - 1

Tượng đài tái hiện hình ảnh chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 đang được xây dựng tại Cà Mau (Ảnh: CTV).

Sự kiện có khoảng 10 hoạt động nổi bật như: Lễ kỷ niệm với chủ đề "Hẹn ngày thống nhất"; hội thảo khoa học với chủ đề "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"; các hoạt động tái hiện 200 ngày sự kiện tập kết ra Bắc; lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954 đầu năm 1955;…

Trong đó, hoạt động tái hiện 200 ngày sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 dự kiến diễn ra 11-17/11, trên địa bàn 2 xã Trí Lực và Trí Phải của huyện Thới Bình.

"Hoạt động này huy động khoảng 7.000 lượt người tham gia gồm cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, nhân chứng lịch sử, đoàn viên, thanh niên, các hộ gia đình và nhân dân các địa phương", lãnh đạo tỉnh Đoàn Cà Mau (cơ quan chủ trì hoạt động) thông tin.

Theo ông Tiêu Minh Tiên, lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc được tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khắc sâu đạo lý "uống nước nhớ nguồn", khơi dậy tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

"Thông qua các hoạt động của sự kiện để giới thiệu, quảng bá về quê hương và con người Cà Mau dũng cảm, kiên cường, thân thiện và mến khách, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân", ông Tiên cho hay.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc) được chọn làm bến tập kết để đưa bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Sự kiện này được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.