1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hưởng 60 triệu USD ưu đãi thuê, mua máy bay khi tham gia Cape Town

(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, năm 2020, Việt Nam sẽ có 140-150 máy bay, phần sở hữu đạt 50%. Việc thuê, vay vốn mua máy bay khi đó cần nguồn vốn rất lớn. Tham gia Nghị định thư Cape Town sẽ được hưởng 60 triệu USD phí ưu đãi.

Ngày 15/10, UB Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (gọi tắt là Công ước và Nghị định thư Cape Town).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết mục tiêu của Công ước và Nghị định thư Cape Town nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê tài chính và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các quốc gia thành viên của Công ước và Nghị định thư; đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển thông qua việc mang lại các khoản tín dụng thương mại đối với các trang thiết bị tàu bay mà trước đây không dễ dàng tiếp cận và có chi phí cao.
Hưởng 60 triệu USD ưu đãi thuê, mua máy bay khi tham gia Cape Town

Bộ trưởng Thăng nêu rõ, chiến lược phát triển ngành hàng không, đến năm 2020 tổng số tàu bay khoảng 140-150 chiếc và sở hữu chiếm khoảng 50%. Ngoài tàu bay thuê, thì việc vay vốn mua tàu bay và thế chấp bằng chính tàu bay đó cần một nguồn vốn rất lớn. Vì vậy, khi Việt Nam gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town theo Chính sách xuất khẩu tín dụng US-EXIM và European-ECAs thì lợi ích thu được đối các hãng hàng không Việt Nam từ nay đến năm 2016 vào khoảng 60 triệu đô la Mỹ từ mức phí ưu đãi cho các doanh nghiệp thuộc quốc gia thành viên Công ước và Nghị định thư Cape Town.

Công ước và Nghị định thư Cape Town được ký kết tại Cape Town, Nam Phi ngày 16/11/2001, nhằm tiêu chuẩn hóa các giao dịch liên quan đến các trang thiết bị di động: trang thiết bị tàu bay, thiết bị đường sắt, thiết bị vũ trụ; có hiệu lực từ năm 2006. Đến nay đã có 62 nước gia nhập Công ước.

Dù con số đưa ra rất ấn tượng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước vẫn băn khoăn với câu hỏi việc tham gia ngay nghị định thư này thì các tài sản, máy bay có thể bị bắt, cấn nợ không.

“Các nước yêu cầu Việt Nam bắt giữ máy bay nợ trên lãnh thổ của mình thì tòa xử thế nào. Trong khi Việt Nam còn kém về năng lực tranh cãi quốc tế, nếu không lường hết những khe hở và khả năng chống đỡ thiệt hại khó lường”- ông Phước đặt vấn đề.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Tòa án đã có văn bản và nhất trí Việt Nam gia nhập công ước và thời hạn áp dụng là ngay sau khi Việt Nam đầy đủ các điều kiện. Người đứng đầu ngành GTVT cũng thông tin, thế giới cũng chưa có vụ bắt giữ nào. Còn có bắt trên lãnh thổ Việt Nam thì không ảnh hưởng gì.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng ý với nhận định, việc tham gia sẽ tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn, được ưu đãi. Song theo ông Hiển, điều đáng ngại nếu có là khi thua lỗ, không trả nợ đúng hạn thì người ta có biện pháp rất nhanh buộc phải giao máy bay cho chủ nợ và phần vốn đối ứng sẽ bị mất. “Việc phân xử này sẽ ở tòa án nước ngoài và thực tế phần lớn chúng ta bị thua”- ông Hiển cảnh báo.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trấn an, việc phá sản thì 60 ngày sẽ chuyển giao quyền quản lý máy bay, và nếu được giãn nợ sẽ có quy trình nhận lại máy bay để khai thác. Ông Thăng cho rằng lợi thế với Việt Nam chính là nợ công sẽ giảm khi Vietnam Airlines cổ phần vào cuối năm nay. Khi đó, tham gia Cape Town sẽ đem lại lợi thế vì được hưởng nhiều ưu đãi, giảm chi phí, thúc đẩy khả năng cạnh tranh.  

P.Thảo