Hưng Yên tập trung nguồn lực phát triển nhanh và bền vững

Hoàng Yến

(Dân trí) - Qua 25 năm vượt khó, nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật...

Hưng Yên tập trung nguồn lực phát triển nhanh và bền vững - 1

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên - chủ trì hội nghị của tỉnh.

Năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), danh xưng Hưng Yên - gửi gắm ước vọng về vùng đất mãi bình yên, hưng thịnh chính thức được khai sinh. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, một niên đại quan trọng, bước ngoặt trong tiến trình lịch sử của tỉnh, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển tới mức trở thành một đơn vị hành chính độc lập. Đồng thời, cũng khẳng định vị thế, tầm vóc của một tỉnh với những thành tựu rực rỡ trên nhiều lĩnh vực mà cư dân nơi đây đã tạo dựng. Trải qua 190 năm thành lập, đến nay Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 xã, phường, thị trấn, với diện tích đất tự nhiên 930 km2, dân số gần 1,3 triệu người; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Vùng đất Hưng Yên có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, được tính từ thời đại Hùng Vương lập nước. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, vùng đất trung tâm đồng bằng châu thổ, hình thành do sự bồi tụ của phù sa sông Hồng, sông Luộc đã có nhiều tên gọi khác nhau, nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính. Đến thời Lê, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, nơi đây đã nổi tiếng với địa danh Phố Hiến - chốn phồn hoa đô hội - một tiểu Tràng An, thương cảng hàng đầu của đất nước, một địa điểm thông thương với các quốc gia trên thế giới. Nếu thời đó kinh thành Thăng Long có 36 phường, thì Phố Hiến có 23 phố phường. Ngày nay dân gian vẫn còn truyền tụng câu ca "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" là bởi vị trí, tầm quan trọng và sự phát triển, lưu thông buôn bán nhộn nhịp của thương cảng này.

Vị thế đó khiến Hưng Yên còn là nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hóa châu thổ sông Hồng. Truyền thống văn hóa đó phần nào thể hiện thông qua sự hiện diện của các di tích lịch sử - văn hóa trải dài theo tiến trình lịch sử từ đời các vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh với trên 1.800 di tích, trong đó có 3 di tích, khu di tích Quốc gia đặc biệt; 172 di tích, khu di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, đứng thứ 3 toàn quốc về số di tích xếp hạng cấp Quốc gia. Đây là những tài sản quý báu, chứa đựng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng đất xứ nhãn lồng.

Nơi đây cũng là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, ý chí vượt khó thành tài, vun đắp nên nền văn hiến rực rỡ với nhiều người hiền tài, anh hùng, danh nhân văn hóa lưu danh muôn thuở. Trong huyền sử, có Chử Đồng Tử được phong thánh trong "Tứ bất tử" theo tâm thức dân gian nước ta. Gần 10 thế kỷ khoa bảng dưới thời phong kiến Việt Nam (1075 - 1919), Hưng Yên có 8 trạng nguyên trong tổng số 53 trạng nguyên của cả nước; 205 tiến sỹ được ghi danh trên bia Văn miếu Quốc Tử Giám, 228 người đỗ đại khoa được ghi danh ở Văn miếu Xích Đằng. Lĩnh vực chính trị - quân sự có thần tướng Triệu Việt Vương đánh đuổi giặc Lương; Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan 2 lần nhiếp chính giúp 2 đời vua triều Lý chấn hưng đất nước và giữ vững nền độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của giặc Tống; danh tướng Phạm Ngũ Lão giúp Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và nhà Trần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông; Nguyễn Thiện Thuật - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy quật khởi chống thực dân Pháp xâm lược; Hoàng Hoa Thám - Hùm thiêng Yên Thế, làm khiếp vía kẻ thù xâm lược. Lĩnh vực văn hóa và khoa học có Tiến sỹ Chu Mạnh Trinh, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm; Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là "Y thánh". Thời hiện đại, có soạn giả Dương Quảng Hàm; danh họa Dương Bích Liên, Tô Ngọc Vân; nhà văn Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng; nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học Phạm Huy Thông... Thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến (Khoái Châu) là quê hương cụ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dân Hưng Yên vốn giàu lòng yêu nước, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm nên cũng giàu truyền thống cách mạng, sớm tiếp thu ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc và truyền bá, xây dựng phong trào cách mạng trên mảnh đất quê hương. Năm 1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị (Khoái Châu) được thành lập - Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên. Từ đây phong trào đấu tranh cách mạng ở Hưng Yên đã có tổ chức chính đảng lãnh đạo, là nền tảng, cơ sở để xây dựng tổ chức, phát triển phong trào đấu tranh ở khắp các địa phương trong tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ, tháng 7/1941, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập, ghi dấu sự ra đời Đảng bộ tỉnh Hưng Yên và sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Hưng Yên, đồng thời khẳng định, tổ chức Đảng ở Hưng Yên đã đứng dưới lá cờ vinh quang của Đảng ta, quyện hòa, cùng chảy trong dòng thác cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần làm nên kỳ tích với những mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc. Thời kỳ này, Hưng Yên xuất hiện những chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà cách mạng kiệt xuất như: Đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Trung tướng Nguyễn Bình, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Thị Cúc, Trần Thị Khang (Vũ Thị Kính)… Đặc biệt, Hưng Yên tự hào có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Người chiến sỹ cộng sản kiên cường, người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và lực lượng vũ trang tỉnh, phong trào cách mạng ở Hưng Yên phát triển với một khí thế mới, không ngừng lớn mạnh. Các tầng lớp nhân dân được tôi luyện trong gian khó, hy sinh, vững chí, một lòng sắt son với Đảng để sớm tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hưng Yên chung sức, chung lòng, nhất tề nổi dậy "diệt bốt phá tề, luồn sâu đánh hiểm", làm nên những chiến công "Đường 5 bất khuất", "Đường sắt kiên cường" để giành tự do. Hưng Yên là tỉnh có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao ở vùng đồng bằng Bắc bộ, được Bác Hồ khen và tặng Cờ "Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp". Thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, giành được nhiều kết quả to lớn, được Bác Hồ 4 lần tặng Cờ luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc; là tỉnh đi đầu trong phong trào bổ túc văn hóa, được Trung ương Đảng tặng Cờ dẫn đầu về bổ túc văn hóa, Huân chương Lao động hạng Ba và sau đó là Huân chương Lao động hạng Nhì về bổ túc văn hóa. Giai đoạn 1968 - 1996, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất, Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng đã đoàn kết, đồng lòng xây dựng chủ nghĩa xã hội, phối hợp đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Cờ luân lưu quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong các cuộc kháng chiến và giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, Hưng Yên có trên 23 nghìn liệt sỹ; 78 tập thể, 31 cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trên 7 nghìn bệnh binh; gần 10 nghìn thương binh; hơn 2 nghìn người bị địch bắt và tù đầy; hơn 2 nghìn Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ghi nhận, biểu dương kết quả đã đạt được, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 10 lần về thăm và làm việc tại tỉnh. Đó là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao để Hưng Yên nỗ lực phấn đấu không ngừng trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Sau gần 30 năm hợp nhất với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng (1968 - 1996), ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen. Khi tái lập tỉnh, Hưng Yên gặp rất nhiều khó khăn, điểm xuất phát thấp, kinh tế kém phát triển; thu ngân sách nhà nước thấp (thuộc 3 tỉnh có thu ngân sách thấp nhất cả nước), không có khả năng cân đối chi thường xuyên; phụ thuộc vào nông nghiệp; sản xuất công nghiệp, thương nghiệp nhỏ lẻ; hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển.

Qua 25 năm vượt khó, nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật:

Kinh tế Hưng Yên liên tục tăng trưởng cao (bình quân 10,21%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế); quy mô GRDP tăng 43,5 lần và đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố; kim ngạch xuất khẩu tăng 233 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp (tỷ trọng công nghiệp và xây dựng hiện chiếm 63,67%); thu ngân sách nhà nước tăng nhanh, gấp hơn 210 lần và đã trở thành 1/16 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách nhà nước, có điều tiết về ngân sách trung ương từ năm 2017; thu hút được vốn đầu tư lớn từ khi vực kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài (hiện có 2.058 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 244.096 tỷ đồng và 5,93 tỷ USD; có hơn 13.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 144.022 tỷ đồng); hạ tầng kinh tế xã hội, nhất hạ tầng giao thông, nông thôn, đô thị phát triển tương đối đồng bộ làm thay đổi diện mạo của tỉnh với các tuyến đường bộ được kết nối thuận lợi, hình thành các khu đô thị mới sinh thái, hiện đại, chẳng hạn như Ecopark và nhiều đô thị lớn đang trong quá trình triển khai (tỷ lệ đô thị hóa đạt 41,5%); hạ tầng công nghiệp phát triển nhanh với 7/15 khu công nghiệp trong quy hoạch đã đi vào hoạt động thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, sử dụng công nghệ hiện đại; hạ tầng thương mại, dịch vụ và y tế, giáo dục, đào tạo, các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả ấn tượng (100% số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới) và được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh đạt nông thôn mới năm 2020, đứng thứ 3 cả nước và hiện đang hướng tới thực hiện các tiêu chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng suất, hiệu quả, chất lượng và an toàn (đạt giá trị sản xuất 210 triệu đồng/ha); hiện có 139 sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao. Kinh tế tập thể, hợp tác phát triển đa dạng (hiện có 339 hợp tác xã, 276 tổ hợp tác và 745 trang trại) góp phần phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập của người dân ở nông thôn. 

An sinh xã hội, mức độ hưởng thụ, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt (GRDP bình quân người đạt 87,7 triệu đồng, gấp 35 lần). Tỷ lệ hộ nghèo giảm và ở mức thấp (hiện chỉ còn 1,32%).   

Tài nguyên, đất đai được quản lý, khai thác hiệu quả gắn với tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái. 100% số hộ dân được sử dụng nước sạch; 92% chất thải nguy hại được xử lý an toàn theo quy định. Số lượng các cơ sở phát thải, gây ô nhiễm môi trường giảm dần.  

  Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, hệ thống trường, lớp phát triển cân đối về quy mô, loại hình theo hướng chuẩn hóa. Toàn tỉnh hiện có 423 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 79% tổng số trường, nhiều học sinh đạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế.

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng được quan tâm. Tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, nhất là trong phòng chống dịch Covid-19 hiện nay. Tập trung đầu tư hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đến nay, 100% xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 9 bác sỹ và 29 giường bệnh/1 vạn dân; 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Văn hóa, thể dục - thể thao có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa, phát huy; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng đa dạng; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 92%; tỷ lệ làng, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 89,5%.

Quân sự, quốc phòng địa phương và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, góp phần tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh gắn với việc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập được đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giảm biên chế, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng các cấp ủy, đảng viên được nâng cao; bảo đảm vai trò lãnh đạo hạt nhân của Đảng ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đồng thời phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân, sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Đoàn kết thống nhất trong đảng và hệ thống chính trị luôn được thường xuyên coi trọng, tăng cường theo lời dạy của Bác "Phải giữ gìn đoàn kết như con ngươi của mắt mình".

 Xây dựng chính quyền liêm chính, hiệu lực, hiệu quả được đẩy mạnh gắn với cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được triển khai đồng bộ. Các chủ trương, chính sách của tỉnh luôn lấy người dân là mục đích, là trung tâm và đối tượng phục vụ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng trưởng thành, nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, quy hoạch, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm được thực hiện bài bản, khách quan, minh bạch, đúng quy định. Phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng được triển khai chặt chẽ, chú trọng nâng cao chất lượng. Đến nay, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên có 13 đảng bộ trực thuộc với 69.618 đảng viên sinh hoạt tại 552 tổ chức cơ sở đảng. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng gắn với kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; kỷ cương, kỷ luật và các nguyên tắc tổ chức đảng được giữ vững. Nhiều tập thể cấp ủy, đảng viên có vi phạm được xử lý nghiêm minh có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh.

Thực hiện tốt tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hành dân chủ trong Đảng, ở cơ sở và trong xã hội được mở rộng; tạo điều kiện thuận lợi để người dân và các tổ chức đoàn thể tham gia phản biện xã hội, giám sát, xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Từ thực tiễn phong trào cách mạng 80 năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh như sau:

Một là, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hai là, đường lối đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn của đất nước, của tỉnh dưới sự lãnh đạo của Trung ương và vai trò lãnh đạo sáng suốt, hiệu quả của Đảng bộ tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp mang tính đột phá về tư duy và luôn có tính kế thừa, phát triển sáng tạo qua các nhiệm kỳ, phù hợp với hoàn cảnh trong từng giai đoạn lịch sử của tỉnh. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ tích cực của nhân dân, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đã trở thành điểm tựa vững chắc thúc đẩy tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững.

Ba là, không ngừng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Sự đoàn kết thống nhất toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân và phải biết dựa vào nhân dân như Hồ Chủ tịch đã nói "Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng nhân dân".

Bốn là, truyền thống văn hiến, lịch sử, cách mạng vẻ vang, anh hùng; tình yêu quê hương, đất nước; giá trị văn hóa, con người Hưng Yên; khát vọng không ngừng vươn lên và tinh thần vượt khó, đổi mới, sáng tạo của nhân dân và cán bộ, đảng viên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trở thành nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ và nguồn lực to lớn trong toàn bộ tiến trình đổi mới và phát triển của tỉnh. 

Hưng Yên tập trung nguồn lực phát triển nhanh và bền vững - 2

Thành phố Hưng Yên văn minh, hiện đại.

Thời gian tới, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên quyết tâm thực hiện mục tiêu Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển nhanh, bền vững; đưa Hưng Yên thành tỉnh có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao.

Mục tiêu phát triển trung hạn nêu trên hướng tới tầm nhìn:

Đến năm 2030: là tỉnh giàu đẹp, văn minh, có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.

Đến năm 2045: là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa của Trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Mục tiêu trên thể hiện khát vọng phát triển cháy bỏng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh nhà đưa Hưng Yên trở nên Hưng thịnh, Yên bình, cùng với khát vọng dân tộc phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. 

Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh quyết tâm thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.

Một là, Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng Chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, hiệu quả và phục vụ nhân dân, lấy người dân là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ cương, kỷ luật Đảng. Giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hai là, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội, phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân và cải thiện an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Văn hóa phải thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực, động lực phát triển. Kinh tế thị trường càng phát triển càng phải quan tâm đến văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, giá trị con người. Bảo đảm mọi người dân đều được tham gia đóng góp, hưởng thụ xứng đáng với thành quả của quá trình đổi mới, phát triển của tỉnh; không ai bị bỏ lại phía sau.

Ba là, bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự, kỷ cương xã hội góp phần tạo môi trường ổn định cho phát triển; mở rộng quan hệ đối ngoại thúc đẩy thương mại, đầu tư và mở rộng thị trường.   

Về ba khâu đột phá chiến lược, Hưng Yên xác định:

(1) Xây dựng, triển khai, quản trị quy hoạch phát triển một cách bài bản, khoa học gắn với chiến lược phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dựa trên 3 trụ cột chính: phát triển công nghiệp công nghệ cao- thương mại, dịch vụ hiện đại - đô thị sinh thái, thông minh. 

(2) Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông.

(3) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.  

Để đạt mục tiêu phát triển, hiện thực hóa khát vọng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, năm 2045 và tiến nhanh, tiến xa cùng đất nước, Hưng Yên cần phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, sức mạnh đoàn kết toàn dân, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, ý chí tự lực, tự cường, giá trị văn hóa, con người, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, biến nguy thành cơ, tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng. Chúng ta cũng thống nhất rằng, khát vọng phát triển này là sứ mệnh vô cùng lớn lao, vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề đối với Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Hưng Yên. 

Nhìn lại chặng đường 25 năm tái lập tỉnh, nhờ thừa hưởng của thành tựu của lịch sử 190 năm thành lập tỉnh và gần 30 năm hợp nhất với tỉnh Hải Dương, đến nay tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào tạo nên được cơ đồ, tiềm lực to lớn, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước ta và định hình về triển vọng tương lai tươi sáng cùng thế nước và vận mệnh dân tộc đang lên. Cơ đồ gấm vóc, thành tựu phát triển to lớn và truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng vẻ vang, anh hùng của Hưng Yên là kết tinh của sự phấn đấu, hi sinh kiên cường, bền bỉ của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Yên. Tất cả nhờ vào sức mạnh đoàn kết của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.

Trong lịch sử 80 năm của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, với bản lĩnh cách mạng kiên cường, trí tuệ mẫn tiệp và sự nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Yên đã xây nền, đắp móng bền vững cho truyền thống vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên; tạo nên những giá trị tốt đẹp dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích quê hương, quốc gia, dân tộc; giữ vững các nguyên tắc tổ chức và kỷ luật Đảng, luôn tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Có thể nói, chặng đường 1941-2021 là một giai đoạn lịch sử vẻ vang, hào hùng của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên với nhiều chiến công và thành tựu mà thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay tự hào về Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, nhưng càng thấm thía hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các bậc tiền bối, thế hệ đi trước, với tổ quốc, quê hương Hưng Yên và nhân dân, với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong, sạch vững mạnh.

Với lòng tự hào và niềm tin sâu sắc vào Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ vĩ đại, với bề dày lịch sử, văn hiến, cách mạng, phát huy những tiềm năng, lợi thế, kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được trong chặng đường 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên hôm nay nguyện nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, chung sức, chung lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy bản lĩnh, trí tuệ; khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực quyết tâm hiện thực hóa khát vọng phát triển Hưng Yên thực sự Hưng thịnh và Yên bình, trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, hiện đại, giàu đẹp, văn minh để tiến cùng, tiến xa với đất nước, thực hiện khát vọng dân tộc vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc - "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".