Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999

(Dân trí) - Chưa bao giờ Huế có một trận lụt lạ kỳ đến vậy với tốc độ nước lên chóng mặt. Với lượng mưa ở thượng nguồn lớn, triều cường dâng cộng với hồ chứa nước, thủy điện vượt ngưỡng tràn và xả nước, hàng chục ngàn hộ dân đã ngập trong biển nước.

Cơn lũ kỳ lạ…

 

Sáng ngày 17/11, chúng tôi  đi xe máy về lại vùng ngập nặng ở huyện Hương Trà. Lũ vẫn chưa rút, hai bên đường là nhiều ngôi nhà còn chìm trong nước. Đoạn từ đập Thảo Long đến xã Hương Phong, con đường vẫn còn đầy dấu rác thải và xác cây đọng lại từ con nước đã tràn qua đây tối 15/11. Phía dưới đường hơn 2m là nhiều làng xóm ở thôn Thuận Hòa vẫn còn chia cắt với bên ngoài do nước ngập sâu, ghe thuyền cũng không có. Người dân muốn vào thôn chỉ còn cách là liều lội qua nước vẫn đang còn chảy xiết, vào không được thì đành ra trú ẩn ở nhà người thân.
 
Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 1
Chiều 17/11, nhà chị Đỗ Thị Tuyển vẫn còn ngập rất sâu, phải kê bếp trên xe kéo để nấu ăn

 

Anh Nguyễn Văn Hiệp, thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, cho biết: “Trận lũ này rất kỳ lạ. Vào 6 giờ tối ngày 15/11, nước bắt đầu tấn công thôn. Nước lên với tốc độ chóng mặt, không khác chi trận lụt lịch sử 1999 ở Huế hết. Khoảng 1 giờ đồng hồ nước lên hơn 20cm. Nhà tui sợ quá cứ chồn đồ lên cao. Đến 12 giờ đêm, nước đã dâng quá 1m và tự nhiên đứng lại. Nhưng đến chiều tối ngày 16, nước lại tiếp tục dâng khoảng gần nửa mét, khuya thì dừng lại. Hôm nay, nước có hạ tuy nhiên chỉ rất ít - khoảng 20cm dù trời không có mưa”.

 

Bên này con đường đập Thảo Long là phần cuối huyện Hương Trà - phía hạ lưu sông Bồ, bên kia là địa phận huyện Phú Vang. Những đường thoát nước lớn dưới lòng đường vẫn đổ nước ồ ạt từ Hương Trà qua Phú Vang, tuy nhiên nước ở Hương Trà vẫn rút rất chậm. 

 

Quay ngược lên đi vào xã Phú Mậu, huyện Phú Vang ở đường dẫn vào xóm 5, thôn Mậu Tài. Đi chưa được 200m, chúng tôi phải tấp vào một nhà dân vì nước sâu lút cả bánh xe. Nhiều xe tắt máy dắt bộ, một đám hỏi trong ngày sau lũ vẫn phải đi bằng ghe vào xóm. 
 
Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 2
Cụ Nguyễn Văn Tứ chỉ vào mực nước đạt đỉnh trưa 16/11 ở nền nhà cao gần 1m

 

Anh Nguyễn Văn Thành ở đây nói: “Tối 15/11, nước lên chậm khoảng 1 giờ/10 cm. Trưa hôm sau, nước lên nhanh, trong nhà tôi đã lên quá đầu gối, phía đường thì tắc nghẽn không qua lại được. Đến đêm qua nước bắt đầu rút rất chậm. Không thấy mưa gió gì nhiều thế mà ngập lênh láng hết, thật lạ. Mấy anh khoan đi vô sâu hay băng qua xã Phú Thanh, nước vẫn còn nhiều lắm”.

 

Không mưa nhiều mà nước lên chóng mặt

 

Để kiểm tra xem nước còn nhiều hay không, chúng tôi đã thuê ghe máy đi về vùng biển nước xã Hương Vinh, huyện Hương Trà trong đầu giờ chiều. Ở thôn Thủy Phú, nước ngoài đường cao hơn 1,5m, nhiều cửa cổng chỉ còn nhô lên 2 cột trụ bé xíu. Những con đường xóm đã không còn thấy đâu, nước chia cắt thôn ra nhiều cụm nhỏ. Chỉ còn định vị đường đi nhờ vào những cột điện ven đường và ngoài đồng cùng những mái nhà nhỏ có người đứng lố nhố kêu chúng tôi tới xem và cứu trợ.

 

Ở nhà chị Đỗ Thị Tuyển, cả 4 mẹ con và anh chồng lúi húi đứng trên giường và nấu ăn bên chiếc xe xích lô đã ngập gần hết. “Nước đã ngâm 3 ngày 2 đêm rồi chú ơi. Ngày đầu nước lên cao lút cửa lớn, nhà em phải kê 2 cái giường. Đồ đạc, thóc lúa ướt hết, đồ ăn không còn gì nhiều”.
 
Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 3
Nhà anh Nguyễn Văn Cư, thôn Thủy Phú bị ướt hết sạch đồ đạc do nước lên quá nhanh

 

Anh Nguyễn Văn Cư  nhà gần đó bơi trong nước, tay cầm xoong tới nhà hàng xóm mượn một ít gạo để ăn tạm nhưng không ai cho được gì. Mắt hoe đỏ, anh nói mếu: “Bà con đói quá chẳng còn gì. Sau đợt lạnh, tưởng không còn lụt nữa nên đem lúa giống, hoa màu ra gieo. Ai ngờ, cơn lũ tới bất ngờ không kịp trở tay. Tức lắm, không có mưa chi hết mà bỗng nhiên nước lên ào ào. Giờ ở xóm đây đồ ăn thiếu thốn lắm, riêng tui và vợ ngoài cái đói ra thì không còn bộ áo quần nào khô vì nước vào nhanh làm ướt hết, tối chỉ biết ôm nhau ngủ mà khóc”.

 

Ở phía trên, phố cổ Bao Vinh vẫn còn ngập ngụa trong nước và bùn non đóng lớp trước cửa nhà. Người dân ở đây cho biết nước cũng lên từ ngày 15 và rút từ tối 16, tuy nhiên tốc độ rút không khác chi “rùa bò”. Theo cụ Nguyễn Văn Tứ ở Bao Vinh, kinh nghiệm dân gian cho thấy chỉ có mưa to đến rất to cộng với nước đầu nguồn lớn thì lũ mới lên nhanh trong một khoảng thời gian ngắn được. Còn nếu không mưa thì chắc chắn lượng nước đầu nguồn phải đổ về cực lớn mới gây ra được tình trạng trên.

 
Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 4
Nước rút chậm, nhiều nơi ở huyện Hương Trà vẫn còn đang bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài
 

Đặc biệt nhất là từ trưa cho đến tối 16/11, 25.000 hộ dân trong TP Huế đã bị ngập hoàn toàn do nước sông Hương tràn bờ trong khi ở TP Huế trong 2 ngày 15, 16 rất ít mưa. Nhiều người dân hoang mang không biết chuyện gì đang xảy ra, có người dự đoán sẽ bị lụt như trận “đại hồng thủy” năm 1999. Tuy nhiên, may mắn đến khuya 16, nước đã bắt đầu rút xuống.

 

Như vậy, khoảng thời gian từ tối 15 đến khuya là nước bắt đầu dâng cao và nhanh. Trưa 16/11 là lúc nước đạt đỉnh. Đối chiếu với 4 bảng báo cáo nhanh trong 3 ngày 15-16-17/11 của BCH PCLB TKCN tỉnh TT-Huế, lượng mưa đổ xuống Huế là rất lớn, chủ yếu là thượng nguồn sông Bồ và sông Hương với những điểm “nóng” như trạm Tà Lương (huyện A Lưới - thượng nguồn sông Bồ) từ 300-697mm, trạm Phong Mỹ (huyện Phong Điền - sông Ô Lâu) từ 200-350mm, trạm Kim Long (TP Huế - sông Hương) từ 120-241mm.

 

Và đi kèm với mưa ngoài yếu tố triều cường như một số lãnh đạo giải thích là có tác động lớn đến việc lũ lên nhanh cũng như rút chậm thì một yếu tố không kém phần quan trọng là hồ  chứa nước và thủy điện qua tràn kèm xả van nước từ ngày 15/11 đã đẩy lượng nước rất đáng kể về hạ lưu. 

 

Thời điểm ngập nặng nhất là vào 13 giờ ngày 16/11 với gần 27.300 nhà trong tỉnh bị ngập. Các xã dọc theo triền sông Ô Lâu ngập từ 0,2-0,3m; theo triền sông Bồ  ngập từ 0,3-0,5m. Và dọc theo sông Hương ngập từ 0,3-1m. Hiện nước vẫn rút rất chậm và thủy điện Bình Điền vẫn đang xả 5 cửa thoát nước về hạ lưu.

 

Đã có 7 người chết ở TT-Huế do lũ. Mới nhất là 1 gia đình gồm 3 cha, mẹ và con gái chết do bị lật ghe ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Số lượng người mất tích là 2 người, trong đó có 1 công nhân đang thi công ở thủy điện miền Trung bị nước cuốn trôi.

 

Chùm ảnh về cơn lũ kỳ lạ ở Huế:

 

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 5

Nước xoáy và làm ngập hết lăng mộ và nhà ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 6
Đường về huyện Quảng Điền nước ngập nặng

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 7

Cổng chỉ còn giơ một phần trụ

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 8

Đường tỉnh lộ nước ào ạt chảy qua như thác

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 9

Trầm nửa mình đi bắt cá ở ngoài sân vườn

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 10

Lò gạch đã bị phá đổ gần hết do nước lũ

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 11

Bò lội lũ tìm đường về nhà

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 12

Một ngôi nhà ở phố cổ Bao Vinh, 2 mẹ con phải lên trú ở gác mái

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 13

Gà cũng được cho lên mái

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 14

Nhiều nơi nước ngập nặng

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 15

Ghe tay, ghe máy vẫn là phương tiện chủ yếu đi lại

Huế: Trận lụt khác thường nhất kể từ sau “đại hồng thủy” 1999 - 16

Đám hỏi trong lũ đi bằng ghe sáng 17/11.
 

Đại Dương