1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Huế mưa lớn dồn dập, miền Trung tích cực phòng chống áp thấp nhiệt đới

(Dân trí) - Sáng 9/10, do nằm trong vùng ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang tiến vào bờ, tại TP Huế đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn dữ dội.

Huế liên tục mưa lớn

Theo đó, có khoảng gần chục trận mưa lớn với cường độ mạnh đã đổ xuống TP Huế trong sáng 9/10. Mưa trắng xóa trời đất, nặng hạt và dày đã gây khó khăn cho giao thông đi lại của người dân.

Qua thông báo mới nhất vào trưa cùng ngày, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh các cấp ở vùng ven biển gồm Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc và TP Huế được nghỉ học chiều nay đảm bảo an toàn.

Huế dồn dập đón mưa lớn sáng nay 9/10

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát công điện khẩn vào 11h trưa 9/10, yêu cầu các đơn vị tổ chức giằng chống nhà cửa, kho tàng; khẩn trương tổ chức sơ tán tại chỗ các hộ dân khu vực xung yếu, nhà yếu, vùng ven biển, vùng có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở ở vùng núi… công tác sơ tán hoàn thành trước 17h chiều cùng ngày.

Do nằm trong vùng ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên Huế có mưa to
Do nằm trong vùng ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới nên Huế có mưa to

Thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa biển; các địa phương chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn diện tích lúa hoa màu; đảm bảo an toàn cho khách du lịch đang lưu trú tại địa phương, các điểm tham quan di tích, các khu nghỉ dưỡng ven biển.

Các công trình thủy lợi, giao thông cấp thoát nước hiện đang thi công dở dang có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, đồng thời cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra. Các chủ công trình hồ chứa thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.

Sáng 9/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng đã có công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống ATNĐ, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; rà soát, sơ tán nhân dân, các khu dân cư ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn, đặc biệt chú ý nhân dân tại khu vực ven sông Yên, Túy Loan và Cu Đê; thông báo tình hình, diễn biến ATNĐ cho nhân dân biết để chủ động ứng phó.

Yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn, chú ý những tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động tại vùng nguy hiểm; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.

Các phương tiện tàu thuyền của Đà Nẵng đều đã nhận được thông tin, biết được hướng di chuyển của ATNĐ
Các phương tiện tàu thuyền của Đà Nẵng đều đã nhận được thông tin, biết được hướng di chuyển của ATNĐ

Yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động, phối hợp với các lực lượng liên quan trong công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả ATNĐ, lũ.

Công điện cũng yêu cầu các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả ATNĐ và mưa lớn. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, các công điện, chỉ đạo của UBND thành phố và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó ATNĐ có hiệu quả…

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, đến sáng 9/10, Đà Nẵng còn 91 phương tiện/776 lao động đang còn hoạt động trên biển (không có trường hợp nằm trong vùng nguy hiểm). Các phương tiện đều đã nhận được thông tin, biết được hướng di chuyển của ATNĐ…

Quảng Ngãi: Chưa liên lạc được với 3 tàu thuyền nằm trong khu vực nguy hiểm

Đến 11h sáng 9/10, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa liên lạc được với 3 tàu cá hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Tin từ BCH PCTT & TKCN tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, BCH PCTT & TKCN tỉnh đã có Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố ven biển, đảo và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển; duy trì thông tin liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đến 11h ngày 9/10, 3 tàu cá với 14 lao động tỉnh Quảng Ngãi hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa vẫn mất liên lạc với đất liền
Đến 11h ngày 9/10, 3 tàu cá với 14 lao động tỉnh Quảng Ngãi hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa vẫn mất liên lạc với đất liền

Các địa phương ven biển và lực lượng Biên phòng tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ra biển hoạt động của tàu thuyền; kiên quyết không để tàu thuyền không đảm bảo điều kiện an toàn ra biển.

Trên cơ sở đó, từ chiều ngày 8/10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thống kê, thông báo cho 67 tàu thuyền với 616 lao động hoạt động đánh bắt tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng biển các tỉnh phía Bắc rời khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.

Tính đến 11h sáng 9/10, 64 tàu cá với 602 lao động của tỉnh Quảng Ngãi đã di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng 3 tàu cá của ngư dân huyện Bình Sơn, Lý Sơn với 14 lao động đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa vẫn chưa liên lạc được.

Đại Dương - Khánh Hồng - Hà Xuyên