1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Huế: Lời cảnh báo từ cây Mắt mèo

(Dân trí) - Nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đang dở khóc dở mếu với một loại cây mà thoạt nghe tên tưởng chừng như rất vô hại: cây Mắt mèo. Có sức sinh trưởng rất khủng khiếp, loại cây này đang ẩn chứa nguy cơ của một đại dịch “ốc bươu vàng” thứ hai, làm thay đổi cả thảm thực vật, hệ động vật nơi nó xâm lấn…

Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4 (NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội, năm 2005) cho biết: Cây Mắt mèo (người dân địa phương vẫn gọi là cây gai) có tên khoa học là Mimôsa Pigra, hay còn gọi là cây mai dương, là một loài cây có gai cùng họ với cây Trinh nữ bò lan (tức là cây xấu hổ) có xuất xứ từ vùng nhiệt đới châu Mỹ (phát hiện đầu tiên vào năm 1980), thuộc họ đậu, thích hợp với môi trường đầm lầy nên cây còn được gọi chung là Trinh nữ đầm lầy.

 

Cây có sức sinh trưởng rất khủng khiếp và chủ yếu là nhờ sự phát tán hạt. Thân cây tuy không lớn nhưng có đến hàng chục chùm quả đầy lông tơ, có nhiều hạt. Khi quả khô, hạt tách ra, bay theo gió, cuốn theo dòng nước. Ở trong đất, hạt có thể ẩn mình đến hàng chục năm mới nảy mầm.

 

Tại huyện Hương Thuỷ (Thừa Thiên - Huế), từ những năm 1990, không biết người ta đã lấy giống từ đâu để về trồng làm hàng rào, vì làm hàng rào bằng loại cây này thì rất lý tưởng. Loại cây này ngay lập tức nhanh chóng thích nghi và phát triển đến mức khó tưởng tượng nổi. Cùng với thời gian, chúng lan tràn khắp nơi và trở thành một hiểm hoạ cho việc canh tác, trồng trọt  của người dân. Có rất nhiều hồ cá ở xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ đã bị bao vây bởi loài cây này.

 

Huế: Lời cảnh báo từ cây Mắt mèo - 1
Cây Mắt mèo đang lấn dần những hồ cá ở huyện Hương Thủy. 

 

Ông Lê Bá Thanh, một nông dân ngoài 70 tuổi, cho biết: “Khổ quá chú ơi, loại cây này mọc ở lòng hồ làm cho việc thu hoạch cá của tụi tui quá vất vả. Gai của cây mà mắc vào lưới thì không thể kéo được. Còn nếu bị gai của nó đâm vào tay chân thì nhức buốt đến cả tuần”.

 

Nỗi khổ của ông Thanh cũng là tâm trạng của nhiều người khác ở đây như ông Phùng Độ, bác Thành hay anh Thuỳ. Bởi vì, cùng với sự phát tán hạt, loại cây Mắt mèo đã lan cả vào trong vườn nhà, quấn chết một số loại cây nhỏ trong vườn và nếu lỡ như có một con gia súc gia cầm nào vướng vào trong đám cây ấy thì chắc chắn sẽ chôn chân tại chỗ mà thôi.

 

Không chỉ ảnh hưởng về trồng trọt, cây Mắt mèo còn cản trở việc đi lại và vận chuyển nông sản trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy trên các con mương, gây nhiều xây xát cho người và gia súc và phải tốn rất nhiều công để phát dọn. Nguy hiểm ở chỗ, thân cây có đặc điểm là nước dâng đến đâu thì rễ sẽ mọc theo đến đó, cho nên, có những vùng đất thuộc diện quy hoạch đã đổ đất chờ xây dựng như ở khu quy hoạch Đông Nam Thuỷ An, thì cây đã nhanh chóng lấn chiếm, mọc như một vạt rừng.

 

Sự phát triển nhanh chóng của loại cây này khiến một Hợp tác xã nông nghiệp phải chi từ 5-7 triệu đồng để phát dọn hàng năm. Có người đã thử làm một phép tính: trong điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích cây Mắt mèo sẽ tăng lên gấp đôi mỗi năm, sau 10 năm, 1 ha cây sẽ phát triển thành 1.024 ha. Hơn nữa, trong cây còn chứa một số độc tố có hại khác...

 

Rõ ràng cây Mắt mèo đang ẩn chứa những nguy cơ khó lường, làm thay đổi cả thảm thực vật, hệ động vật nơi nó xâm lấn, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của cộng đồng. Ngoài Hương Thủy, ở một số địa phương khác của tỉnh Thừa Thiên - Huế như Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền… cũng đang dở khóc dở mếu với loại cây này. Thậm chí, trên một chương trình truyền hình, chúng tôi từng thấy một số người dân ở phía Bắc cũng trồng loại cây này làm hàng rào.

 

Bài học về loài ốc bươu vàng vẫn đang còn sờ sờ ra đó. Đã đến lúc người dân và chính quyền địa phương cần chung tay diệt trừ loài cây Mắt mèo này, khi thời gian chưa quá muộn. 

Lê Tấn Quỳnh