1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Hủ tíu gõ nấu… chuột cống”: cảnh báo hay hoang báo?

TS Lâm Quốc Hùng, trưởng phòng giám sát ngộ độc thực phẩm, cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) cho biết cơ quan này sẽ xác minh thông tin nước lèo hủ tíu gõ được hầm bằng thịt... chuột cống, trong bài viết "Sự thật kinh hoàng về những xe hủ tíu gõ" vừa xuất hiện trên internet, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

“Hủ tíu gõ nấu… chuột cống”: cảnh báo hay hoang báo?

Ông nghĩ gì về thông tin hủ tíu gõ và bánh giò làm từ thịt chuột cống đang được loan truyền trên internet?

Ở các nước phát triển, chỉ nguyên liệu được cơ quan chức năng kiểm soát mới được sử dụng làm thực phẩm. Còn tại Việt Nam, việc dùng sản phẩm từ tự nhiên làm thực phẩm đang được thương mại hoá. Ăn uống là quyền riêng tư của cá nhân nên mọi người ăn theo ý thích, ăn theo cảm nhận. Nhiều món ăn được coi là lạ, độc như chuột, rắn, sâu, bao tử các con vật… Những thứ này không được coi là thực phẩm, không được kiểm soát nên dễ có sự cố xảy ra.

Quy định về an toàn thực phẩm có đề cập đến thịt chuột cống không, thưa ông?

Chuột cống là động vật chưa được cơ quan chức năng kiểm soát vì không coi đây là thực phẩm, không đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm. Nếu người dân cố tình sử dụng động vật này là vô trách nhiệm với sức khoẻ bản thân. Người cung cấp những sản phẩm này cũng vô trách nhiệm với sức khoẻ cộng đồng. Nếu người kinh doanh vì lợi nhuận cố tình kinh doanh thực phẩm không an toàn, không đảm bảo vệ sinh là đã vi phạm luật an toàn thực phẩm, vì sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn để chế biến.

Cục đã từng kiểm tra hủ tíu gõ, bánh giò chưa? Trước sự hoang mang của dư luận đối với thông tin trên, cục sẽ có động thái gì để trấn an?

Không phải mặt hàng nào cũng kiểm tra được. Khi có thông tin chúng tôi mới tiến hành xác minh và cảnh báo cộng đồng. Cụ thể, cục An toàn thực phẩm sẽ có văn bản thông báo về tình trạng báo chí phản ánh. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, không phải lúc nào cũng phát hiện sự gian lận của người kinh doanh. Cục sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị trực thuộc có ý kiến với các địa phương.

“Hủ tíu gõ nấu… chuột cống”: cảnh báo hay hoang báo?
Nước lèo hủ tíu gõ của chị Thư bán trên đường Nguyễn Chí Thanh (Q.5, TP.HCM) ngọt nhờ xương sống heo. Ảnh: Sa Đồng

Cũng đã có nhiều ý kiến trên Facebook nghi ngờ thông tin trên là bịa đặt, vô căn cứ khi bài viết không có một hình ảnh, nguồn tin rõ ràng... Theo ông, người tiêu dùng khi tiếp nhận các thông tin về thực phẩm chưa rõ thực hư thì nên có thái độ thế nào cho đúng mực?

Phải có đủ thông tin và cảnh báo trên nền tảng có đủ thông tin chính xác, chứ không sẽ dẫn đến hoang báo (báo điều không có thực – PV).

Người tiêu dùng phải có trách nhiệm trong việc ăn uống của mình. Ăn uống phải ở nơi có đủ điều kiện vệ sinh. Những nơi quá mất vệ sinh hãy tránh xa. Người tiêu dùng có thể là một giám sát viên: trong quá trình ăn uống, nếu phát hiện nghi vấn có thể báo với cơ quan chức năng. Nhưng đừng hoang báo khi thông tin chưa chính xác, dễ gây hoang mang. Về phía người kinh doanh thực phẩm, hãy bằng lương tâm trách nhiệm mà phục vụ cuộc sống cộng đồng.

Cảnh báo như thế cũng độc như ...chuột cống

Ảnh: Trần Việt Đức
Ảnh: Trần Việt Đức

Tại TP.HCM, viện Pasteur từng phát hiện 3/25 con chuột cống được bắt ngẫu nhiên mang virút Hanta gây suy gan, suy thận... Virút Hanta không lây từ người sang người mà lây từ chuột sang người qua đường hô hấp, từ những giọt khí dung nước tiểu chuột, chứ hiếm khi lây do chuột cắn người.

Chuột mang nhiều mầm bệnh khác nhau chứ không chỉ có virút Hanta, phổ biến nhất là dịch hạch. Ngoài ra, chuột còn mang một số loại ký sinh trùng, trong đó nguy hiểm nhất là ký sinh trùng Angiostrongylus Cantonensis gây viêm màng não, được chuột thải ra ngoài theo phân... Tuy nhiên, các bệnh viện ở TP.HCM chưa từng điều trị cho trường hợp nào bị lây nhiễm bệnh từ chuột qua đường ăn uống. Trong các đợt thanh tra, kiểm tra thực phẩm đường phố, chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cũng chưa phát hiện có cơ sở nào sử dụng nguyên liệu thịt chuột cống làm thực phẩm.

TS.BS Đinh Thị Kim Liên, giám đốc trung tâm dinh dưỡng bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết chỉ chuột được nuôi trong môi trường tốt mới có thể dùng làm thức ăn (như chuột đồng). “Tốt nhất người tiêu dùng nên sử dụng những thực phẩm thông dụng như thịt lợn, thịt bò, thịt gà… được kiểm soát, đảm bảo vệ sinh”, BS Kim Liên nói.

TS.DS Lê Thị Hồng Anh, thầy thuốc ưu tú, Trung ương hội Đông y Việt Nam thì bày tỏ nghi ngờ cảnh báo hủ tíu gõ nấu bằng thịt chuột cống là bất thường. “Tiệm bán hủ tíu gõ trước nhà tôi họ toàn nấu nước lèo bằng xương heo, tôi đã tận mắt chứng kiến.

Tôi không tin có chuyện nấu nước lèo bằng chuột cống vì người bán còn phải nêm nếm, liệu họ có vì đồng tiền mà hại chính mình? Nguyên liệu để nấu nước lèo đàng hoàng đâu quá đắt đỏ để họ phải làm chuyện bậy bạ đó. Nếu trực tiếp thấy, sao tác giả bài viết không chụp lại hình ảnh mấy con chuột cống, khi đang tác nghiệp báo chí? Bài viết kể chuyện một xe hủ tíu gõ nhưng không nói ở đâu, chuyện xảy ra thời điểm nào, vậy mà vội vàng vơ đũa cả nắm, thật hồ đồ.

Hầu hết người bán hủ tíu gõ là người miền Trung vào Sài Gòn mưu sinh, có người phải cắt củm từng đồng gửi về quê nuôi con ăn học, nuôi cha mẹ già bệnh tật... Loan truyền một lời cảnh báo với quá nhiều bất thường như vậy vào thời điểm người dân ngoài Trung đang gánh chịu những thiệt hại bão lũ nặng nề liệu có quá nhẫn tâm không?”, DS Hồng Anh nói.

Theo Lệ Hà - Vi Thoại / Sài Gòn Tiếp thị