1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cà Mau:

Họp báo thông tin vụ dân quyết liệt chống đối cưỡng chế đất khiến nhiều người bị thương

(Dân trí) - Liên quan đến vụ một hộ dân quyết liệt phản đối cưỡng chế đất khiến nhiều người trong lực lượng cưỡng chế bị thương, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau khẳng định, trình tự thủ tục, quy trình tổ chức cưỡng chế thi hành án được đảm bảo đúng theo quy định pháp luật.

"Thi hành án đúng quy định"

Tại cuộc họp báo chiều ngày 8/8 do Ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau phối hợp sở, ngành tổ chức, thông tin về vụ nhiều người bị thương khi tham gia cưỡng chế đất xảy ra tại huyện Cái Nước vào sáng ngày 7/8, ông Huỳnh Văn Hiệu - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Cà Mau cho biết, vụ cưỡng chế xuất phát từ bản án (ngày 12/7/2018) của TAND huyện Cái Nước tuyên ông Phạm Hoàng Kiếm và bà Lê Thị Hiến tháo dỡ nhà và các công trình kiến trúc trên 67,5m2 đất (tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) trả lại cho ông Nguyễn Văn Việt (ngụ TP Cà Mau).

Họp báo thông tin vụ dân quyết liệt chống đối cưỡng chế đất khiến nhiều người bị thương - 1

Ông Huỳnh Văn Hiệu - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau - khẳng định quy trình tổ chức thi hành án đảm bảo đúng quy định.

Theo ông Hiệu, trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã làm việc với vợ chồng ông Kiếm để động viên thi hành án cũng như yêu cầu gia đình tự nguyện di dời, tháo dỡ toàn bộ căn nhà và công trình kiến trúc trên đất. Tuy nhiên, vợ chồng ông Kiếm không tự nguyện thi hành với lý do “không thống nhất với bản án xét xử của TAND huyện Cái Nước”.

"Căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật và qua nhiều lần động viên ông Kiếm, bà Hiến không thành, ngày 16/5/2019, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước ban hành quyết định cưỡng chế", ông Hiệu thông tin.

Họp báo thông tin vụ dân quyết liệt chống đối cưỡng chế đất khiến nhiều người bị thương - 2

Căn nhà gia đình ông Kiếm, bà Hiến trước...

Họp báo thông tin vụ dân quyết liệt chống đối cưỡng chế đất khiến nhiều người bị thương - 3

... và sau khi cưỡng chế thi hành án.

Ông Huỳnh Văn Hiệu cho biết, ngày 7/8, trước khi lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, đoàn cưỡng chế tiếp tục động viên gia đình ông Kiếm, bà Hiến tự nguyện giao đất nhưng không thành.

Sau đó, khi lực lượng cưỡng chế được triển khai, gia đình ông Kiếm, bà Hiến đã chống đối quyết liệt, đỉnh điểm là dùng xăng châm lửa rồi tạt vào lực lượng cưỡng chế, dùng hung khí chống đối khiến nhiều người bị thương phải nhập viện cấp cứu.

Ông Hiệu thông tin, ngay sau đó lực lượng công an đã trấn áp và tạm giữ 5 đối tượng. Sau khi hoàn tất thủ tục khám nghiệm hiện trường, cơ quan thi hành án phối hợp cùng địa phương tiến hành tháo dỡ nhà ông Kiếm và bàn giao cho người được thi hành án ngay trong chiều ngày 7/8.

Trong vụ việc này, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Cà Mau khẳng định, trình tự thủ tục, quy trình tổ chức cưỡng chế thi hành án được đảm bảo đúng theo quy định pháp luật.

Nhiều câu hỏi đặt ra cho lực lượng thi hành án

Tại buổi họp báo, hàng loạt vấn đề đã được báo chí đặt ra như khi ban hành kế hoạch cưỡng chế, cơ quan chức năng có tính đến việc gia đình chống đối hay không? Vụ án dân sự này có khuất tất gì hay không mà gia đình lại chống đối quyết liệt? Địa phương có tính đến việc sau cưỡng chế thì gia đình người bị thi hành án sẽ ở đâu?...

Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước nói về vụ nhiều người bị thương khi cưỡng chế đất.

Là cơ quan chịu trách nhiệm thi hành án, ông Nguyễn Minh Cần - Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Cái Nước cho biết, phần cưỡng chế là căn nhà 67,5m2 đất mà gia đình ông Kiếm, bà Hiến đang ở, chứ không liên quan đến phần đất hương quả, mồ mả của gia đình này.

Theo ông Cần, việc biết gia đình này chuẩn bị xăng, hung khí, đã nằm trong dự liệu kế hoạch cưỡng chế. "Chúng tôi đã họp nhanh và thấy đúng như phương án đã lên kế hoạch trước để đối phó, việc này không phát sinh tình tiết mới nên không cần thiết báo cáo với Ban chỉ đạo thi hành án", ông Cần quả quyết. 

Ông Cần nói kế hoạch cưỡng chế đã đưa ra các tình huống dự kiến có thể xảy ra như chuẩn bị lá chắn chống đỡ hung khí, máy bơm nước phòng chống cháy nổ,…

“Tuy nhiên, đối tượng bị cưỡng chế rất manh động, có đối tượng chống đối đã bị không chế, nhưng đối tượng còn lại dùng xăng đổ vào thau chuẩn bị sẵn rồi bật lửa đốt tạt vào lực lượng cưỡng chế. Lực lượng đã dùng máy bơm xịt nước dập tắt ngay. Nhưng do đối tượng dùng xăng pha mỡ tạo chất kết dính nên sức nóng rất lớn dẫn đến bị thương do bỏng”, ông Cần lý giải.

Còn kế hoạch sau cưỡng chế, Cục THADS tỉnh Cà Mau cho biết cơ quan thi hành án và địa phương đã sắp xếp cho gia đình ông Kiếm, bà Hiến mượn một phần đất (khoảng trên 3.000m2) có sẵn một căn nhà để ổn định và động viên người được thi hành án hỗ trợ 40 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Cần, cơ quan chức năng có vận động nhưng gia đình bà Hiến không nhận.

Họp báo thông tin vụ dân quyết liệt chống đối cưỡng chế đất khiến nhiều người bị thương - 4

Ông Nguyễn Minh Cần- Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước cho rằng, đối tượng bị thi hành án quá manh động.

Khẳng định với báo chí, ông Phạm Phúc Giang - Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho biết sau khi rà soát lại, nhận thấy bản án tòa tuyên là đúng, không có khiếu nại, kháng cáo và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Ông Giang cũng nêu lý do gia đình bà Hiến không đồng ý tháo dỡ nhà: Đây là mảnh đất đã được ông Lê Vũ Khi (em trai bà Hiến) bán cho ông Nguyễn Văn Việt. Ông Khi hứa sau khi bán đất sẽ cho bà Hiến 200 triệu đồng nhưng sau đó lại không giao tiền do giữa 2 chị em còn những bất đồng mang tính cá nhân gia đình. 

Chủ tịch huyện Cái Nước cho rằng, đây là vụ án tương đối khó khi cưỡng chế thực hiện bản án. Do đó, ông Giang cho biết đã có tổ chức họp liên ngành, nghe lại quá trình vận động, thực hiện bản án, lắng nghe ý kiến gia đình bà Hiến...

Họp báo thông tin vụ dân quyết liệt chống đối cưỡng chế đất khiến nhiều người bị thương - 5

Chủ tịch UBND huyện Cái Nước - ông Phạm Phúc Giang khẳng định, bản án tòa tuyên là đúng.

Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 9h sáng ngày 7/8, lực lượng chức năng huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) tiến hành cưỡng chế nhà của gia đình ông Phạm Hoàng Kiếm (60 tuổi, ngụ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) theo bản án có hiệu lực của pháp luật.

Trong lúc thực hiện cưỡng chế, phía gia đình ông Kiếm chống đối quyết liệt, dùng xăng, dao,... tấn công lực lượng làm nhiệm vụ khiến nhiều người bị thương.

Huỳnh Hải