DNews

Hơn trăm hộ dân Bình Phước bịt mũi sống cam chịu gần cơ sở tái chế nhựa

An Huy

(Dân trí) - "Tôi đi làm cả ngày rất mệt, về nhà muốn ngủ một giấc cũng không yên. Mỗi tối, mùi nhựa nồng nặc xộc vào mũi. Cái mùi khó chịu lắm, chúng tôi đã kiến nghị, nhưng chưa được giải quyết", ông Nhiều nói.

Hơn trăm hộ dân Bình Phước bịt mũi sống cam chịu gần cơ sở tái chế nhựa

18h ngày 1/10, gia đình ông Võ Anh Vũ (50 tuổi, ngụ thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng, Bình Phước) đang ăn cơm trước hiên nhà, làn khói trắng với mùi hôi nồng nặc theo gió xộc thẳng vào giữa mâm cơm.

6 thành viên nhà ông Vũ liền bỏ chén đũa xuống, vội dọn mâm cơm vào trong nhà, cẩn thận đóng kín các cánh cửa để tránh mùi hôi và cố dùng tiếp bữa cơm dang dở. "Tôi không nhớ hết đã bao nhiêu lần, gia đình phải gián đoạn bữa cơm đột ngột vì mùi hôi như vậy. Chúng tôi không biết đến bao giờ mới có thể sống với không khí trong lành như trước đây", ông Vũ nói.

Nhà ông Vũ là một trong số hơn trăm hộ dân tại xã Bình Tân (huyện Phú Riềng) như đang bị "tra tấn" bằng mùi khí thải từ một cơ sở chế biến rác thải nhựa hơn một năm nay. Hàng trăm hộ dân đã 3 lần đồng ký đơn khiếu nại gửi lên chính quyền địa phương, tỉnh Bình Phước, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Khói trắng mang theo mùi hôi

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Võ Anh Vũ cho biết, hàng chục năm nay, người dân ở xã Bình Tân, huyện Phú Riềng (Bình Phước), sống dưới những tán cây cao su, không khí thoáng mát.

Thế nhưng, một ngày vào đầu tháng 8/2023, hàng trăm hộ dân nơi đây bất ngờ phát hiện làn khói trắng kèm mùi hôi nồng nặc từ đâu bay đến, tràn vào mọi ngóc ngách khu dân cư.

"Cái mùi vừa khét vừa nồng rất khó chịu, xưa nay chưa ai từng trải qua. Tôi và người thân ngửi một lúc là bị nhức đầu, khó thở, tức ngực muốn nôn ói", ông Vũ kể.

Hơn trăm hộ dân Bình Phước bịt mũi sống cam chịu gần cơ sở tái chế nhựa - 1

Gia đình ông Vũ phải đóng các cánh cửa, ngăn mùi hôi để tiếp tục ăn tối (Ảnh: Vũ Thịnh).

Khi kiểm tra, ông và mọi người mới phát hiện làn khói này phát ra từ ống xả khí thải của một cơ sở tái chế nhựa nằm sâu dưới thung lũng, được những hàng cây cao su cao ngút che khuất.

Cơ sở này cách khu dân cư khoảng 400m. Tuy nhiên, khí thải từ cơ sở không bốc lên cao, cứ bay là là dưới tán cây, rồi tràn vào hàng trăm nhà dân theo luồng gió.

Người dân ở đây ngửi mùi này cả ngày lẫn đêm, khoảng một tháng, đến khi không chịu thấu nữa mới đồng loạt làm đơn khiếu nại gửi lên UBND xã Bình Tân. Chính quyền địa phương sau đó xuống làm việc và chủ cơ sở hứa khắc phục trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, sau một tháng, mùi hôi vẫn không giảm mà càng nghiêm trọng hơn. Người dân tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi lên UBND huyện Phú Riềng và tỉnh Bình Phước. Từ khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, cơ sở này hạn chế hoạt động vào ban ngày, nhưng tăng cường sản xuất vào ban đêm.

Theo ông Vũ, lượng khói trắng từ cơ sở này tỏa ra nhiều như sương mù. Ông phải đóng cửa liên tục để hạn chế mùi hôi. Tuy nhiên, khói vẫn lọt qua các khe cửa, tràn vào trong nhà khiến sinh hoạt gia đình ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hơn trăm hộ dân Bình Phước bịt mũi sống cam chịu gần cơ sở tái chế nhựa - 2

Khói tỏa ra từ cơ sở tái chế rác thải nhựa chiều 1/10 như sương mù (Ảnh: An Huy).

"Khi bị cơ quan chức năng nhắc nhở, họ hạn chế sản xuất vào giờ hành chính. Bắt đầu hoạt động từ 17h đến sáng hôm sau, lượng khói trắng từ cơ sở này tỏa ra mù mịt. Người dân ở các khu dân cư cách 1-2km còn ngửi mùi hôi", ông Vũ nói thêm.

"Muốn thoát mùi hôi chỉ có bỏ nhà đi"

Cách cơ sở tái chế rác thải nhựa 300m là nhà của ông Lê Văn Nhiều (SN 1947). Căn nhà cấp 4 của ông Nhiều không có cửa kính chắn gió, nằm dưới thung lũng, được tán cây cao su bao quanh.

Luồng khí thải từ cơ sở tái chế bay tràn vào nhà ông mỗi ngày, không chừa một ngóc ngách. Gia đình ông đành cam chịu bấy lâu vì không biết đối phó bằng cách nào, vì nhà không có phòng kín.

"Tôi đi làm cả ngày ngoài nông trường rất mệt, về nhà muốn nghỉ ngơi, ngủ một giấc cũng không yên. Mỗi tối, mùi nhựa nồng nặc xộc thẳng vào mũi làm tôi khó ngủ. Cái mùi khó chịu lắm, tôi biết làm sao bây giờ, phản ánh thì chưa có ai giải quyết. Muốn thoát mùi hôi này chỉ có bỏ nhà đi, mà gia đình tôi đi đâu bây giờ, nên phải bịt mũi cam chịu", ông Nhiều rầu rĩ.

Ông Nhiều cho biết thời gian qua ông hay ho, nhức đầu, tức ngực. Ông không rõ sức khỏe có phải bị ảnh hưởng từ khí thải này hay không. Không chỉ có mùi hôi, nước suối kế bên cơ sở cũng đen ngòm, không ai dùng tưới cây được.

Hơn trăm hộ dân Bình Phước bịt mũi sống cam chịu gần cơ sở tái chế nhựa - 3
Hơn trăm hộ dân Bình Phước bịt mũi sống cam chịu gần cơ sở tái chế nhựa - 4

Ông Nhiều bất lực kể về chuyện gia đình phải cam chịu ngửi mùi hôi suốt một năm nay. (Ảnh: An Huy, Vũ Thịnh).

"Kinh doanh thì phải bảo vệ môi trường, chứ làm mà chỉ biết lợi cho bản thân, gây ảnh hưởng đời sống, sức khỏe của hàng trăm người khác là không được. Tôi mong cơ quan chức năng xem xét cơ sở này chứ người dân đã quá mệt mỏi suốt một năm nay", ông Nhiều nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy (62 tuổi), chủ một quán giải khát ở địa phương cũng cho biết mùi khí thải này hôi hơn cả phân mèo, phân chuột, hít một hồi ai nấy đều bị đau đầu, khó thở, muốn nôn ói.

Mỗi buổi tối, gia đình bà phải đóng hết cửa mới ăn cơm được vì mùi hôi rất khó chịu. Khách mua nước mang đi chứ không ở lại quán uống như mọi khi. Bà phải đóng cửa quán giải khát sớm để mùi hôi không tràn vào nhà.

"Lúc người dân chưa khiếu nại lên chính quyền địa phương, cơ sở này hoạt động một lò tái chế. Khi khiếu nại rồi, cơ sở hoạt động thêm lò nữa. Mỗi tối, ống khí thải từ cơ sở này phun khói trắng cuồn cuộn bay khắp khu dân cư, mùi nồng nặc không ai chịu nổi", bà Thủy bức xúc.

 Chủ cơ sở nói gì?

Chiều 1/10, phóng viên Dân trí đến cơ sở tái chế rác thải nhựa bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở này thuộc Công ty TNHH Khang Thịnh, do ông Tạ Thanh Thông làm đại diện pháp luật.

Con đường đất đỏ dẫn vào cơ sở rộng hơn 2m, nằm lọt dưới tán cao su bạt ngàn. Cách cơ sở chừng 30m, chúng tôi bị mùi hôi thối nồng nặc của rác thải pha với mùi khét của nhựa xộc vào mũi.

Cơ sở sản xuất này có diện tích khoảng 300m2 và chia làm 3 khu vực. Khu vực đầu tiên là bãi đất nằm sát đường đi, chứa hàng chục tấn rác thải là bao nylon đã qua sử dụng, chất thành đống cao. Kế bên là bồn rửa bao nylon và khu vực nấu chất thải.

Hơn trăm hộ dân Bình Phước bịt mũi sống cam chịu gần cơ sở tái chế nhựa - 5

Rác thải nhựa tập kết trước cơ sở tái chế (Ảnh: An Huy).

Cả khu vực sản xuất ngập trong làn khói trắng. Các công nhân làm việc tại đây không có đồ bảo hộ. "Người dân cứ làm quá chứ có hôi gì đâu. Họ cố tình "ngăn sống cấm chợ", chúng tôi sống sao nổi. Cái này làm lợi cho đất nước, bao bì này không tái chế thì biết đem đi đâu", người phụ nữ xưng tên Thủy, công nhân tại đây, chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Tạ Tỷ (SN 1954), đại diện Công ty TNHH Khang Thịnh cho biết, luồng khói trắng tỏa ra từ cơ sở là hơi nước trong quá trình nấu rác thải nhựa chứ không phải khói. Họ phân trần nếu là khói thì những người làm việc tại đây đã phát bệnh từ lâu rồi.

Cơ sở của ông Tỷ đã hoạt động 15 năm nay. Ông thu mua rác thải là bao nylon từ các nơi về với giá hơn 1.700 đồng/kg. Rác thải nhựa được công nhân rửa rồi cho vào nồi nấu thành keo. Sau đó, ông tiếp tục dùng máy tạo ra hạt nhựa và làm thành ống nước, ghế, pallet…

Hơn trăm hộ dân Bình Phước bịt mũi sống cam chịu gần cơ sở tái chế nhựa - 6
Hơn trăm hộ dân Bình Phước bịt mũi sống cam chịu gần cơ sở tái chế nhựa - 7

Ông Tạ Tỷ bên trong cơ sở tái chế rác thải nhựa của gia đình và khu vực nấu rác thải nhựa thành keo (Ảnh: An Huy).

"Tôi nấu chất thải nhựa cũng giống như nấu nồi cơm, bốc hơi nước. Chúng tôi đâu có đốt rác thải gây khói. Ở Bình Chánh (TPHCM) và Long An, có biết bao cơ sở tái chế như thế này", ông Tỷ phân trần.

Theo người đại diện công ty, nước rửa bao nylon cũng được ông gom lại trong 3 hồ làm sạch để tưới cây. Công ty có giấy phép hoạt động và báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan chức năng cấp. Công ty này do con trai ông là Tạ Thanh Thông đứng tên. Do nợ nần, con trai ông đang xuất ngoại đi làm kiếm tiền.

"Mỗi lần người dân khiếu nại ô nhiễm, chính quyền địa phương có mời tôi lên làm việc và xuống cơ sở kiểm tra. Công ty tôi không vi phạm nên hoạt động đến nay. Nếu sai phạm, họ đã yêu cầu đóng cửa lâu rồi. Tôi đang thiếu nợ 1,5 tỷ đồng nên ráng làm kiếm tiền trả. Nếu không nợ nần, tôi cũng không làm đâu", ông Tỷ nói.

Liên quan vụ việc, phóng viên Dân trí đã đến UBND xã Bình Tân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Riềng, để tìm hiểu về cơ sở tái chế rác thải gây ô nhiễm khu dân cư. Những cơ quan này yêu cầu để lại câu hỏi, song họ vẫn chưa có câu trả lời.

Dân kêu trời vì nhà máy nhựa ngày đêm xả thải