1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hơn một lời xin lỗi trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giàng Seo Phử

(Dân trí) - Điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng – Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử tại UB Thường vụ Quốc hội chiều 13/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhiều lần ghi nhận ông Phử rất cầu thị, nhiều lần xin lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân…

“Không phải tôi từ chối chịu trách nhiệm”

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt câu hỏi đối với chương trình 135 – hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn xã biên giới, xã an toàn khu… với đánh giá khái quát, chương trình đã đi qua 2 giai đoạn, được đồng bào đón nhận, phấn khởi nhưng kết quả đạt được vẫn còn xa mục tiêu đề ra.

Nữ đại biểu đặt câu hỏi, vai trò của UB Dân tộc thế nào trong việc tham mưu với Chính phủ để chương trình đạt được mục tiêu đề ra?

Cũng nội dung này, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) muốn biết giải pháp đột phá của UB Dân tộc để giải quyết các tồn tại trong thực hiện chương trình. Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chỉ 40% chính sách đến được với đồng bào, vậy làm cách nào để giúp đồng báo thoát nghèo một cách căn cơ, vững chắc?

Chủ nhiệm UB Dân tộc hơn một lần nói lời xin lỗi, nhận trách nhiệm.
Chủ nhiệm UB Dân tộc hơn một lần nói lời xin lỗi, nhận trách nhiệm.

Nhận xét các đại biểu đặt vấn đề rất đúng, đó cũng là nỗi trăn trở của người làm công tác dân tộc, miền núi mà chưa có cơ hội nói hết được tâm tư của mình, Bộ trưởng Giàng Seo Phử than, việc thực hiện chương trình còn rất nhiều khó khăn do cơ chế mà có thể nói thẳng thắn tình hình ngặt nghèo chung của đất nước, các bộ, ngành, lĩnh vực đều phải chia sẻ, nhiều hoạt động chi đất nước phải cắt giảm, trong đó có chương trình 135 để tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng. Cụ thể, cùng với việc cắt nhiều chương trình do nguồn lực có hạn, Chính phủ đã thay đổi chương trình 135 do thiếu cơ sở đảm bảo, thiếu sự lồng ghép, phối hợp giữa các hoạt động.

Đến thời điểm này, ngay trước Tết, ông Phử “tố” chính Quốc hội đã duyệt con số rất khiêm tốn để đầu tư cho hơn 2.000 thôn bản. Theo đó, suất đầu tư theo quyết định 551 của Chính phủ dù đã điều chỉnh tăng gấp rưỡi, lên mức 1,5 tỷ đồng/xã/năm nhưng do khó khăn, eo hẹp vốn, thực tế vẫn chỉ chỉ bố trí được 1 tỷ đồng/xã/năm.

“Tôi không thể có giải pháp đột phá gì được vì điều đó thuộc thẩm quyền Quốc hội, muốn thì Quốc hội quyết định đầu tư tăng thêm thôi” – ông Phử nén giọng tự ái.

Chủ nhiệm UB Dân tộc trình bày thêm, chương trình 135 đã được Chính phủ phê duyệt kéo dài thực hiện đến 2020 nhưng các chương trình dành cho đồng bào dân tộc miền núi cơ bản kết thúc vào 2015, thời gian còn lại rất ít. Trong khi đó, chính sách được xây dựng vẫn mang tính chất nhiệm kỳ, chưa có hệ thống một cách trung hạn, dài hạn. Một chính sách muốn triển khai thì nhiệm kỳ 4-5 năm đã mất 3 năm để xây dựng nên thực tế thời gian được thụ hưởng chính sách của đồng bào chỉ 1-1,5 năm.

Ông Phử tha thiết: “Tỷ lệ nghèo cả nước chỉ còn 8% trong khi ở đồng bào dân tộc thiểu số tỷ lệ này tới hơn 30%, như vậy, đây đã là vùng lõi đói nghèo. Đề nghị ủng hộ chúng tôi để chủ động xây dựng xây dựng tiếp chương trình mục tiêu quốc gia dành cho khu vực này”.

Chưa phục phần trả lời của Bộ trưởng Giàng Seo Phử, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phản ứng: “Bộ trưởng nói không biết giải pháp đột phá nào cho chương trình 135… tôi không đồng ý. Các chính sách Quốc hội quyết là do các bộ, ngành tham mưu. Khi xây dựng chương trình, các Bộ không tính toán kỹ đến khi không đủ nguồn lực lại đổ tội do Quốc hội là không được. Vai trò của UB Dân tộc ở đâu trong việc này?”.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) góp lời, lý lẽ chính sách ban hành nhưng không có đủ nguồn lực thực hiện nên hiệu quả chưa cao là thực trạng mà câu trả lời luôn là đất nước còn nghèo và chưa đủ nguồn lực thực hiện. Nhưng nói vậy có vô lý không khi chính sách nào cũng là do Chính phủ thông qua, phê duyệt xong rồi lại nói không có nguồn lực thực hiện?

Ông Phử phân trần: “Không phải chúng tôi từ chối không chịu trách nhiệm về vấn đề này nhưng Quốc hội cũng có 1 phần trách nhiệm. Tôi xin nói rất thật như vậy. Quốc hội nghĩ gì khi quyết chính sách vậy không? Còn đánh giá về trách nhiệm cá nhân tôi thế nào là thuộc Quốc hội”.

Chủ nhiệm UB Dân tộc giải thích thêm, để người dân thoát nghèo, cơ chế chính sách cần phân công cụ thể, phối hợp chặt chẽ vì nhiều vấn đề như đất ở, đất sản xuất, tái định cư… UB Dân tộc không được giao quyền mà thuộc trách nhiệm nhiều Bộ, ngành khác như TN-MT, NN&PTNT… Vậy nên nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi không thể làm rõ được, ông Phử xin được thông cảm.

“Còn về trách nhiệm, tôi xin nhận cùng với các bộ ngành liên quan. Với trách nhiệm của Bộ trưởng, kiểm điểm lại nhiều năm qua, chúng tôi đã triển khai có hiệu quả các chính sách với đồng bào dân tộc và miền núi. Về trách nhiệm tham mưu, tôi cũng thấy do còn lúng túng, có nhiều lĩnh vực không chuyên sâu hoặc đơn giản hoá nên việc chủ động đề xuất các chính sách chưa đồng bộ” – ông Phử cầu thị.

Vị Bộ trưởng đặc biệt cũng xin nhận lỗi với đồng bào cả nước, nhất là với những vùng còn quá nghèo với lời hứa sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề xuất lại chính sách.

Ông Phử tiếp tục nhận, chính sách xây dựng vừa qua nhiều nhưng hiệu quả còn thấp. Ông đề nghị các đại biểu thông cảm cùng nghiên cứu để tổ chức phân công lại trách nhiệm rõ ràng, loại bỏ được những chồng chéo phân tán về nguồn lực. Còn những vấn có khuyết điểm, tôi xin nghiêm túc xem xét, giải quyết.

Cầu không chỉ để đi mà là ước mơ học hành, là cơ hội thoát nghèo…
 
Đại biểu Ngô Văn Minh tại phiên chất vấn.
Đại biểu Ngô Văn Minh tại phiên chất vấn.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề, nhà nước đã dành nhiều chương trình, nguồn lực đầu tư cho đồng bào miền núi nhưng vẫn có những điều bức xúc không đáng có, thậm chí những chuyện nhìn đến mức đau lòng như nhiều xã, nhiều huyện bà con phải qua lại bằng cầu treo cũ kỹ, nguy hiểm, nhiều nơi còn không có cầu, người dân phải đu dây, chui túi nilon… qua sông qua suối.

Đánh giá cao chương trình kêu gọi ủng hộ, huy động nguồn lực để xây cầu nghĩa tình của Bộ GTVT – hoạt động nhận được nhiều hưởng ứng tích cực thời gian qua nhưng ông Minh đặt vấn đề, việc thực hiện hoạt động này có lẽ không thoả đáng, không đúng mục tiêu mà nhà nước đã đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc khó khăn.

Chung quan tâm về vấn đề này, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) cũng chia sẻ xót xa trước cảnh bà con đồng bào qua sông, qua suối bằng đu dây, bằng những phương tiện không an toàn, qua đó Bộ trưởng GTVT cũng bày tỏ sự day dứt và thời gian qua đã rất rốt ráo giải quyết. Nữ đại biểu băn khoăn, đến bao giờ chấm dứt được cảnh người dân phải mạo hiểm với cuộc sống như vậy?

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm UB  Dân tộc cho biết đã cùng phối hợp với lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để chủ động huy động thêm các nguồn từ các nhà tài trợ. Lập luận xã hội hoá là một kênh rất quan trọng trong huy động nguồn lực xã hội, ông Giàng  Seo Phử khẳng định, vừa qua hoạt động kêu gọi ủng hộ để xây cầu của Bộ GTVT đã mang lại kết quả tích cực nhưng kết quả ban đầu mới đạt được đến thế, cần tiếp tục triển khai.

Nói chung về cơ sở hạ tầng giao thông cho khu vực miền núi, vùng khó khăn, ông Phử cho biết, trong chương trình 135 và 30A, vấn đề đường, cầu luôn được đặc biệt chú ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ định Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giải trình thêm với vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra.

Bộ trưởng GTVT cho biết, Bộ đã thường xuyên phối hợp với UB Dân tộc trong việc xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình 135, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới… Đề án do Bộ trình Chính phủ đặt ra mục tiêu tới 2020, trong cả nước, đường giao thông đến xã được kiên cố hoá, 100% đường ngõ xóm không lầy lội…

Căn cứ vào kế hoạch hàng năm Bộ GTVT phối hợp với các địa phương và UB Dân tộc để triển khai các hoạt động cũng như căn cứ nguồn lực được bố trí để hành động.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chia lửa với Bộ trưởng Giàng Seo Phử trong phiên chất vấn.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng "chia lửa" với Bộ trưởng Giàng Seo Phử trong phiên chất vấn.

Nói riêng về chương trình cầu dân sinh, Bộ GTVT đã cho rà soát nhu cầu dân sinh, cầu treo cần phải làm trên phạm vi cả nước, xác định có 4.150 cây cầu phải làm với chiều rộng 4m trở xuống, trong đó có hơn 3.500 cầu bê tông và 481 cầu treo. Bộ đã xây dựng kế hoạch phân làm 3 kỳ đầu tư.

Giai đoạn 1 sẽ làm 168 cầu treo ở phía Bắc và Tây Nguyên là những vị trí cấp thiết nhất, dự kiến chương trình sẽ hoàn thành trong năm nay. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào tháng 3/2016 và số cầu còn lại sẽ xong vào 2017.

“Để thực hiện mục tiêu xây hơn 4000 cây cầu này, cần đa dạng hoá nguồn vốn, huy động nguồn lực của tư nhân và DN. Đến nay, với vốn huy động được và gần 400 tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước cấp thì đã gần đủ để hoàn thành giai đoạn 1” – Bộ trưởng Thăng thông tin.

Bộ GTVT cũng có đề án trình Chính phủ xin được sử dụng một phần vốn dư làm Quốc lộ 1 và đường HCM qua Tây Nguyên để đầu tư làm cầu treo dân sinh.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với UB Dân tộc để tổng kết, đánh giá giai đoạn 1 của chương trình xây cầu và tiếp tục kêu gọi đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để triển khai tiếp các giai đoạn sau. Chúng tôi y thức rõ, cầu với bà con, không chỉ là để đi lại mà còn là đường đến trường, là ước mơ học hành, là cơ hội thoát nghèo…” – Bộ trưởng GTVT chân thành.

Ở khía cạnh khác, Bộ trưởng Thăng chia sẻ, ai cũng hiểu các địa phương có cầu treo và cầu dân sinh cần làm hầu hết là địa phương nghèo nhưng các địa phương cũng cần chủ động tìm kiếm các nguồn vốn để thực hiện chương trình, không ỷ lại vào trung ương. Một yêu cầu khác là mỗi địa phương phải xây dựng, ổn định quy hoạch các khu dân cư vì nếu cứ chạy theo một số hộ gia đình ở một số vị trí cụm tuyến phải làm một cây cầu thì không biết đến bao giờ chương trình mới có thể hoàn thành.

P.Thảo