1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hòn đảo có 2.100 giếng nước vẫn "khát"

Quốc Triều

(Dân trí) - Huyện đảo Lý Sơn chỉ có diện tích trên 10km2 nhưng có 2.100 giếng nước. Thế nhưng, lượng nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vẫn thiếu hụt.

Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước. Đảo cách đất liền 15 hải lý, diện tích tự nhiên hơn 10km2, dân số khoảng 24.000 người. 

Những năm gần đây, du lịch ở Lý Sơn phát triển nhanh chóng, cơ cấu kinh tế từng bước được dịch chuyển sang du lịch, dịch vụ. Thế nhưng, tình trạng thiếu nước ngọt trên đảo đang ngày một trầm trọng.

Toàn đảo hiện có hơn 2.100 giếng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Việc khai thác quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm và xâm nhập mặn.

Hòn đảo có 2.100 giếng nước vẫn khát - 1

Huyện đảo Lý Sơn có 2.100 giếng nước (Ảnh: Quốc Triều).

Để cung ứng nước tưới cho nông nghiệp, năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi quyết định xây dựng hồ chứa nước trên miệng núi lửa Thới Lới Hồ có dung tích 270.000m3.

Công trình hồ chứa nước Thới Lới đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên hồ chứa hiện nay bị bồi lấp nên chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nước sản xuất ở thôn Đông An Hải.

Trong khi đó, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngọt tại đảo Lý Sơn giảm sút nghiêm trọng.

Giai đoạn 2012-2017, bề dày tầng nước ngầm trên đảo đã giảm 12m, nguồn nước mặn xâm lấn sâu vào đất liền đến 800m. Trữ lượng nước có thể khai thác từ 15.600 m3/ngày đêm giảm xuống chỉ còn 3.200m3/ngày đêm.

Hòn đảo có 2.100 giếng nước vẫn khát - 2

Nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, sản suất nông nghiệp tăng cao trong khi nguồn nước ngầm trên đảo Lý Sơn giảm mạnh (Ảnh: Quốc Triều).

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất thực hiện dự án xây dựng hệ thống trữ, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt huyện Lý Sơn. 

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 2 phương án thu gom, tích trữ, cấp nước phục vụ sinh hoạt, du lịch, sản xuất cho huyện đảo Lý Sơn. Điểm chung của 2 phương án là cải tạo hồ chứa nước Thới Lới để trữ và chỉ dành cho việc cấp nước sinh hoạt trên huyện đảo, thay vì cung cấp cho sản xuất nông nghiệp như hiện tại.

Đối với nước tưới cho sản xuất nông nghiệp sẽ có hệ thống thu gom và bể chứa riêng. Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng theo phương án 1 khoảng 190 tỷ đồng và phương án 2 khoảng 450 tỷ đồng.  

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, khi dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới tiết kiệm cho 32ha đất sản xuất nông nghiệp; cung cấp 1.150m3 nước sinh hoạt mỗi ngày cho người dân. Việc thực hiện dự án còn giúp bổ sung nguồn nước ngầm, cải thiện tình trạng xâm nhập mặn, góp phần ổn định lâu dài đời sống, sinh hoạt cho người dân huyện Lý Sơn.

Hòn đảo có 2.100 giếng nước vẫn khát - 3

Hồ chứa nước trên đỉnh núi lửa Thới Lới (Ảnh: Quốc Triều).

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đây là dự án quan trọng nhằm cấp nước ngọt ổn định, bền vững để đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện đảo Lý Sơn.

Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu xây dựng phương án thu gom, cấp nước tổng thể cho huyện Lý Sơn một cách hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để phát huy tối đa hiện trạng các công trình cấp nước, chứa nước trên địa bàn. 

"Đây là dự án quan trọng nhằm cấp nước ngọt ổn định, bền vững để đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện đảo Lý Sơn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp thực hiện gắn với từng giai đoạn và nguồn vốn thực hiện cụ thể để đề xuất tỉnh đầu tư thực hiện dự án hiệu quả nhất", ông Hiền nhấn mạnh.