1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”?

(Dân trí) - Sau khi công bố Quy hoạch 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình, những nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, đặc biệt là người yêu Ðà Lạt đã đưa ra nhiều luồng ý kiến về công trình mang tính lịch sử. Vậy “hồn” Đà Lạt sẽ được giữ lại thế nào?

Dinh tỉnh trưởng về đâu?

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”? - 1

Dinh tỉnh trưởng là nơi hiếm hoi còn lại ở Đà Lạt còn giữ được mảng xanh.

Ðể rộng đường dư luận và hiểu rõ hơn về cuộc “đại quy hoạch”, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng về Đồ án quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt.

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”? - 2

Ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng Lê Quang Trung chia sẻ: “Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, TP Đà Lạt trong đó khu trung tâm đã có rất nhiều nghiên cứu về quy hoạch, tuy nhiên, tất cả đều có một điểm chung đó là không gian xanh và nhiều quảng trường lớn. Những yếu tố đặc biệt này trở thành định hướng chính cho việc quy hoạch, phát triển trong tương lai nhưng vẫn bảo tồn được những nét riêng của khu trung tâm Đà Lạt, việc Quy hoạch sẽ theo hướng không gian mở; tạo không gian trung tâm xanh và bền vững; tạo cảnh quan mang tính đặc thù của Đà Lạt”.

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”? - 3

Kiến trúc độc đáo của Dinh tỉnh trưởng.

Theo ông Trung, những công trình có dấu ấn sẽ được giữ lại. Điển hình là Dinh tỉnh trưởng, đây là một công trình mang tính lịch sử, là nơi làm việc của tỉnh trưởng cũ thời Pháp thuộc, là nơi có giá trị về kiến trúc được giữ lại trong khuôn viên đồi Dinh.

Hiện trạng khu vực này đã xuống cấp, không thu hút được khách tham quan du lịch. Việc đề xuất cải tạo hoặc di dời trong khuôn viên là định hướng chung để các nhà thiết kế có thể đưa ra các phương án tối ưu nhất, kết hợp cảnh quan giữa kiến trúc Dinh tỉnh trưởng và công trình kiến trúc mới nhằm tạo thành một quần thể kiến trúc đặc biệt có giá trị trên đồi Dinh, đỉnh cao nhìn về khu trung tâm Hòa Bình.

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”? - 4

Dinh tỉnh trưởng tạo lạc trên đỉnh đồi cao nhất khu Hoà Bình.

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”? - 5

Việc cải tạo tại chỗ hay di dời Dinh tỉnh trưởng sẽ phụ thuộc với thiết kế, công năng sau này.

“Việc cải tạo tại chỗ hay di dời Dinh tỉnh trưởng sẽ phụ thuộc với thiết kế, công năng sau này, hiện mới chỉ là phương án đưa ra, tuy nhiên trong quá trình triển khai quy hoạch nếu đủ điều kiện thì sẽ giữ nguyên Dinh tỉnh trưởng ở vị trí cũ vì nếu phải di dời sẽ tốn kém thêm nhiều chi phí”, ông Trung thông tin.

Giải toả rạp hát Hoà Bình, tạo điểm nhấn cho TP Đà Lạt

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”? - 6

Rạp hát Hoà Bình nằm ở khu trung tâm.

Lý giải về việc giải toả "trắng" Rạp chiếu bóng Hòa Bình để thay thế bằng trung tâm thương mại, ông Trung thông tin, công trình này đã được cải tạo thay đổi diện mạo cũng như chức năng qua nhiều thời kỳ khác nhau. Đầu tiên, trên thửa đất vị trí này là một khu chợ xây dựng bằng gỗ (năm 1929) hay còn gọi là chợ Cây để phục vụ cho số ít dân chúng bản địa và binh lính Pháp thời thuộc địa. Năm 1937, sau sự cố cháy chợ Cây, một khu chợ khác được xây dựng kiên cố hơn, 20 năm sau chợ được cải tạo thành hội trường và đến nay là rạp hát Hòa Bình.

Hình ảnh kiến trúc bên ngoài từ chợ Cây, qua chợ Hòa Bình đến rạp hát Hòa Bình cũng đã thay đổi theo thời gian. Có những phần xung quanh rạp Hòa Bình được cơi nới thêm để sử dụng làm các cửa hàng, chỗ để xe… làm cho công trình rạp Hòa Bình thêm phần mất mỹ quan.

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”? - 7

Rạp hát Hoà Bình nằm trong diện phải giải toả trắng.

Rạp Hòa Bình đang bị xuống cấp trầm trọng và khai thác không hiệu quả. Hệ thống giao thông tại khu vực này hiện tại rất phức tạp với lưu lượng và mật độ xe rất cao, đặc biệt vào các ngày cuối tuần và lễ hội. Rạp Hòa Bình đang là một vòng xoay với giao thông xe cộ xung quanh.

“Hiện nay, Khu Hòa Bình là khu trung tâm có các dịch vụ thương mại tấp nập nhất Đà Lạt. Trong quá trình làm quy hoạch, đơn vị tư vấn và những nhà làm quy hoạch cũng nhận thấy phải duy trì hoạt động này. Tuy nhiên, duy trì nhu cầu mua sắm của người dân và du khách cũng phải được tổ chức một cách khoa học hơn và đảm bảo được việc khai thác, sử dụng có hiệu quả hơn nên sẽ thực hiện 2 khối trung tâm thương mại, có cả trung tâm thương mại cao cấp; gắn với khu quảng trường và khu vui chơi giải trí. Có một số loại hình buôn bán nhỏ sẽ được tổ chức lại một cách khoa học...”, ông Trung phân tích.

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”? - 8

Rạp Hoà Bình nằm lọt thỏm giữa các công trình xây dựng cao tầng.

Cũng theo ông Trung, khi xây dựng Đồ án quy hoạch, Khu trung tâm Hòa Bình được xác định là khu trung tâm mua sắm của thành phố, có nghĩa là vẫn giữ công năng như trước, nhưng bổ sung thêm không gian quảng trường vui chơi giải trí. Nhưng đây mới chỉ là quy hoạch, khi xem xét dự án đầu tư thì sẽ xem xét về yếu tố kiến trúc có phù hợp, hài hòa không? Đối với Khu trung tâm Hòa Bình, phương án đầu tư sẽ được tích hợp trong dự án đầu tư; đó là, phải xác định các hạng mục đầu tư, nguồn lực đầu tư, phương thức đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có đủ tiềm lực và tâm huyết.

Cải tạo, chỉnh trang Khu trung tâm Hòa Bình cũng là công trình trọng điểm của tỉnh, tạo điểm nhấn cho thành phố du lịch, thành phố hoa, với các sự kiện triển lãm hoa, giữ được công năng là nơi mua sắm và có thêm dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ du khách.

Hồn Đà Lạt được giữ lại như thế nào trong cuộc “đại quy hoạch”? - 9

Khoa Hoà Bình với nhiều khách sạn cao tầng chen chúc.

Theo Quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050), Khu Hòa Bình là khu trung tâm dịch vụ thương mại cao cấp và tạo thành một không gian mở hoàn toàn cho trung tâm thành phố, vừa là nơi mua sắm và là nơi vui chơi giải trí của người dân cả ban ngày và ban đêm. Đó là khu Quảng trường trung tâm, bao gồm từ Khu Hòa Bình, xuống cầu thang chợ và toàn bộ đường Nguyễn Thị Minh Khai sang đường Lê Đại Hành. Tức là, đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ là quảng trường; đường đi sẽ là vị trí KS Golf 3 để lưu thông hàng hóa vào chợ.

Trung Kiên – Xuân Hinh