1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hơn 80% vụ giải cứu động vật hoang dã ở TPHCM không thành công

Tâm Linh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, TPHCM là địa phương có tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc về động vật hoang dã thấp, trong khi người dân phản ánh nhiều.

Ngày 9/8, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tổ chức sự kiện phát hành báo cáo hiệu quả công tác xử lý thông tin vụ việc về động vật hoang dã (ĐVHD) do người dân thông báo năm 2022 trên cả nước và TPHCM.

Theo đánh giá từ số liệu thống kê, TPHCM và Hà Nội ghi nhận hiệu quả chưa cao trong công tác xử lý các thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo nói chung và vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống nói riêng.

Trong khi đó, hai thành phố lớn này cũng ghi nhận số lượng vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo nhiều nhất cả nớc, do đó các cơ quan chức năng cũng phải đối diện với khối lượng công việc lớn nhất.

Hơn 80% vụ giải cứu động vật hoang dã ở TPHCM không thành công - 1

Các cán bộ kiểm lâm TPHCM thả các cá thể rùa về rừng tự nhiên (Ảnh: A.H.).

Riêng tại TPHCM, 83% các vụ việc liên quan đến ĐVHD do người dân thông báo tới cơ quan chức năng không được xử lý thành công.

Cơ quan chức năng thành phố cũng không thể tịch thu ĐVHD, chuyển giao hoặc xử phạt các đối tượng vi phạm trong 82% các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống do người dân thông báo.

Trong năm 2022, các cơ quan chức năng ở TPHCM tiếp nhận 444 vụ việc về ĐVHD, chiếm gần 40% tổng số vụ việc liên quan đến ĐVHD do người dân thông báo trên cả nước, với tỷ lệ phản hồi đạt 98,9%.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác xử lý tại TPHCM thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước. Số vụ việc do người dân thông báo được xử lý thành công chỉ chiếm 16,9%; tỷ lệ xử lý thành công các vụ liên quan đến ĐVHD còn sống cũng chỉ đạt 18,1%.

Các con số trên tính cả nước là 1.153 vụ việc (tỷ lệ phản hồi 97,7%) với tỷ lệ xử lý thành công 32,7% và 34,8% liên quan đến ĐVHD còn sống.

Một điểm đáng chú ý trong công tác xử lý các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo trong năm 2022 là tình trạng bán rong rùa. Công tác này trên địa bàn TPHCM vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.

Cụ thể, ENV hầu như không ghi nhận được thành công của các cơ quan chức năng tại TPHCM khi xử lý hơn 400 trường hợp bán rong ĐVHD trên địa bàn trong năm 2022.

Trong những trường hợp này, cơ quan chức năng thường đã đến kiểm tra địa điểm được người dân báo cáo, tuy nhiên không phát hiện người vi phạm.

Hơn 80% vụ giải cứu động vật hoang dã ở TPHCM không thành công - 2

Phạm vi phát hiện tình trạng buôn bán rùa trái phép ở TPHCM (Ảnh: ENV).

Ngoài ra, một số địa phương phía Nam đi đầu trong việc phản hồi các thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo qua ENV với tỷ lệ phản hồi 100% như Gia Lai, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ.

Điển hình ở Đồng Nai, trong số 37 trường hợp do người dân thông báo, các cơ quan chức năng tỉnh đã xử lý thành công khoảng 54% tổng số các vụ việc và xử lý thành công khoảng 60% các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống.

Từ năm 2019, ENV bắt đầu phân tích hiệu quả công tác xử lý các vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo tại tất cả địa phương trên cả nước, với mục tiêu cung cấp cho chính quyền những thông tin cần thiết để đánh giá hiệu quả công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ bảo vệ ĐVHD tại địa phương.

"Từ khi tiến hành hoạt động đánh giá này, ENV nhận thấy sự cải thiện đáng kể trong hiệu quả công tác xử lý vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo của các cơ quan chức năng", bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV, cho biết.

Hơn 80% vụ giải cứu động vật hoang dã ở TPHCM không thành công - 3

Số liệu tiếp nhận thông tin về động vật hoang dã từ người dân tại một số địa phương (Ảnh: ENV).

Trong báo cáo trên, tỷ lệ phản hồi được phân tích dựa trên số lượng vụ việc về ĐVHD được ENV chuyển giao đến cơ quan chức năng sau khi tiếp nhận từ người dân, đồng thời nhận được phản hồi kết quả xử lý từ cơ quan tiếp nhận.

Khái niệm "thành công" trong báo cáo này được hiểu là việc áp dụng hiệu quả quy định pháp luật về ĐVHD để tịch thu cá thể ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp, tiếp nhận chuyển giao ĐVHD hay xử phạt các đối tượng có liên quan.

Đối với những vi phạm mang tính chất nhỏ lẻ như hoạt động quảng cáo bán ĐVHD, "thành công" cũng có thể được hiểu là các biện pháp can thiệp của cơ quan chức năng có tác dụng khiến người vi phạm chấm dứt hoàn toàn hành vi vi phạm và nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD.

Bên cạnh đó, ENV nêu quan điểm, đối với các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống, công tác xử lý phải nhanh chóng mới có thể đạt tỷ lệ thành công cao.

"ENV cũng rất mong các cơ quan chức năng trên cả nước phấn đấu đưa tỷ lệ xử lý thành công vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo trung bình trên cả nước trong năm 2023 đạt 60%", Phó giám đốc ENV bày tỏ.