1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Hà Nội:

Hơn 6.000 tỷ đồng xây cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long

(Dân trí) - PMU Thăng Long vừa trình Bộ GTVT báo cáo giữa kỳ Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, Vành đai 3 Hà Nội với tổng mức đầu tư 6.197 tỷ VNĐ, tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100 km/h.

Xây dựng cầu cạn cao tốc cho đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long dọc theo giải phân cách giữa của đường Vành đai 3 mở rộng đoạn Mai Dịch - Nội Bài đã được Bộ GTVT phê duyệt.
 
Phối cảnh 3D cầu cạn thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội, giai đoạn 2
Phối cảnh 3D cầu cạn thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội, giai đoạn 2
 
Điểm đầu của dự án từ Km 0-558 (phía Nam cầu Mai Dịch) và điểm cuối là Km 5+493, (phía Nam cầu Thăng Long). Tổng chiều dài dự án là 6,051 km, trong đó tổng chiều dài cầu cạn là 4,198 km. Tiêu chuẩn kỹ thuật tuyết được xây dựng là cao tốc loại A, cấp 100, 4 làn xe. Tốc độ thiết kế 100 km/h (theo Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729 -1997).

Về phương án tuyến và nút giao, Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) cho biết, tim tuyến của đường cao tốc sẽ bám theo tim tuyến đường đô thị bên dưới nhưng cấp đường và tốc độ thiết kế giữa cầu cạn cao tốc và đường đô thị là khác nhau, vì vậy để đảm bảo các yếu tố kỹ thuật của đường cao tốc thì có một số đoạn tim tuyến đường cao tốc đi trên sẽ bị dịch chuyển so với tim tuyến đường đô thị. Theo kết quả tính toán giá trị dịch chuyển nhỏ, vẫn có đủ bề rộng mặt cắt ngang cho đường đô thị trong phạm vi chỉ giới đường đỏ.

Trên tuyến, tư vấn thiết kế đề xuất xây dựng 2 vị trí nút giao khác mức dạng hình thoi là nút giao Mai Dịch - Hoàng Quốc Việt và nút giao Cổ Nhuế - Nam Thăng Long. Mặt cắt ngang điển hình của cầu cạn cao tốc có bề rộng 24 m, mặt cắt ngang điển hình của các nhánh ramp có bề rộng 7 m.

PMU Thăng Long cho hay, kết cấu mặt đường sẽ sử dụng bê tông nhựa cấp cao A1 dày 7cm cho cả đường cao tốc và các nhánh ramp. Lớp phủ siêu mỏng dày 2 cm được áp dụng riêng cho đường cao tốc.

Về kết cấu, việc lựa chọn kết cấu cầu cạn dựa trên các nguyên tắc: đảm bảo thời gian thi công ngắn, hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến giao thông hiện tại trong thời gian thi công, có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật hợp lý và tính thẩm mỹ. Trên cơ sở đó, Tư vấn đã so sánh các phương án và đề xuất dạng kết cấu cầu như sau: Kết cấu phần trên dạng dầm hộp BTDUL chiều dài nhịp 40-50m, thi công bằng phương pháp lắp ghép các đoạn dầm đúc sẵn; Kết cấu phần dưới dạng trụ BTCT một cột, móng cọc khoan nhồi; Do yêu cầu vượt nhịp lớn cho các nút giao Hoàng Quốc Việt và Tây Thăng Long, cầu dầm hộp thép được áp dụng tại các nút giao này. Tường chắn được bố trí dọc theo đường dẫn lên cầu cạn và các nhánh ramp, dùng kết cấu tường chắn đất có cốt và tường chắn trọng lực.

Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội được hỗ trợ bởi vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước, với tổng mức đầu tư của dự án là 6.197.820.000.000 VNĐ.

Theo kế hoạch triển khai dự án, việc lập và phê duyệt thiết kế chi tiết sẽ được thực hiện vào tháng 6/2014, lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu là 11/2014, việc hoàn thành giai đoạn đấu thầu là 11/2015 và đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thành việc thi công.

Được biết, danh mục các tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 Hà Nội đã được Bộ GTVT phê duyệt. Nếu được Bộ GTVT thông qua thì báo cáo giữa kỳ này sẽ là cơ sở để PMU Thăng Long triển khai các bước tiếp theo.

Quỳnh Anh