Hơn 560.000 thí sinh làm thủ tục thi CĐ
(Dân trí) - Hôm nay 14/7, hơn 560.000 thí sinh đăng ký dự thi vào các trường CĐ trong cả nước làm thủ tục dự thi. Đây là đợt thi có nhiều khối thi, nhiều môn thi tự luận, do vậy, mức độ phức tạp trong tổ chức thi, nhất là khâu coi thi sẽ rất căng thẳng...
Thí sinh làm thủ tục dự thi
CĐ Giao thông Vận tải đông thí sinh nhất
Theo Bộ GD-ĐT, đợt thi tuyển sinh vào các trường CĐ sẽ diễn ra trong 2 ngày 15-16/7. Trong đó, số thí sinh khối A chiếm tỉ lệ cao nhất là 58% (325.388 TS), tiếp theo là khối D 14% (77.062 TS), khối B 12% (64.062 TS), khối C 10% (57.062 TS) và các khối khác là 6% (35.934 TS).
Trường có số hồ sơ ĐKDT cao nhất nước là trường CĐ Giao thông Vận tải với trên 34.000 hồ sơ, tiếp đến là CĐ Kinh tế Đối ngoại gần 30.000, CĐ Tài chính kế toán gần 18.000, CĐ Tài chính - Quản trị Kinh doanh hơn 14.000, CĐ Nguyễn Tất Thành hơn 13.000, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng hơn 14.000, CĐ Công thương TPHCM gần 15.000, CĐ Sư phạm Trung ương 10.695…
Nhận định tính phức tạp của kỳ thi và rút kinh nghiệm từ những sai sót trong kỳ thi ĐH vừa qua, tối ngày 13/7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã ra công điện yêu cầu các trường ĐH, CĐ tổ chức thi đợt III này cần kiểm tra và rà soát lại toàn bộ các khâu của công tác chuẩn bị, kể cả các phương án dự phòng; đảm bảo đầy đủ các điều kiện về hệ thống các văn bản chỉ đạo, nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư, văn phòng phẩm, điện, nước và các phương án phòng chống thiên tai, lũ lụt.
Nhầm lẫn, thất lạc bài thi của thí sinh phải xứ lý nghiêm túc
Cũng trong công điện này, Bộ trưởng Nhân yêu cầu các trường tổ chức tập huấn kỹ cho toàn thể cán bộ tham gia công tác tuyển sinh của trường nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quy định của Quy chế. Tuyệt đối không để xảy ra sai sót trong công tác nghiệp vụ.
Cán bộ coi thi phải phổ biến kỹ Quy chế tuyển sinh cho thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi ngày 14/7; Cán bộ coi thi thứ hai chỉ ký vào giấy thi và giấy nháp của thí sinh (đối với các môn thi tự luận) sau khi thí sinh đã ghi đầy đủ họ tên, số báo danh và các mục cần thiết khác trên tờ giấy thi và giấy nháp.
Khi thí sinh nộp bài thi (đối với các môn thi tự luận), cán bộ coi thi phải đếm kỹ số tờ giấy thi, đồng thời yêu cầu thí sinh tự ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký tên xác nhận vào. Cán bộ coi thi nhất thiết không để nhầm lẫn, thất lạc, mất mát bài thi của thí sinh.Tất cả các trường hợp để nhầm lẫn, thất lạc, mất mát bài thi của thí sinh đều phải xử lý nghiêm túc theo đúng quy định của Quy chế.
Xử lý nghiêm tất cả các trường hợp cán bộ và thí sinh vi phạm quy chế, đặc biệt là cán bộ coi thi, thí sinh mang theo điện thoại di động vào trong phòng thi. Tổ chức nơi trông giữ điện thoại di động cho cán bộ coi thi và thí sinh.
Rà soát phương án xử lý khi có thí sinh biểu hiện nghi ngờ bị cúm A/H1N1, vừa đảm bảo không lây lan, vừa có thể tiếp tục dự thi, nếu sức khoẻ cho phép.
Đề thi là tài liệu thuộc danh mục Nhà nước độ “Tối mật”, vì vậy, các trường cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Công an, bằng mọi biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu có liên quan đến đề thi: giao nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng đề thi.
Đề thi nằm trong chương trình lớp 12
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi cao đẳng ra theo hướng như đề thi đại học. Theo đó, đề thi sẽ kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Tuy nhiên, đề thi sẽ phân loại trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.
Ông Nghĩa cũng cho biết rút kinh nghiệm từ kỳ thi đại học vừa qua, nếu phát hiện sai sót trong đề thi, các cán bộ coi thi phải báo cáo ngay để Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để có phương án xử lý thích hợp.
Tuỳ theo tính chất và mức độ sai sót nặng hay nhẹ, tuỳ theo sai sót xảy ra ở một câu hay nhiều câu của đề thi, tuỳ theo thời gian phát hiện sớm hay muộn, Chủ tịch HĐTS trường, sau khi xin ý kiến Ban Chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, phải cân nhắc và quyết định xử lý theo một trong 4 phương án:
1. Chỉ đạo các HĐTS hoặc các điểm thi sửa chữa kịp thời các sai sót, thông báo cho thí sinh biết, nhưng không kéo dài thời gian làm bài;
2. Chỉ đạo việc sửa chữa các sai sót, thông báo cho thí sinh biết và kéo dài thích đáng thời gian làm bài cho thí sinh;
3. Không sửa chữa, cứ để thí sinh làm bài, nhưng phải xử lý khi chấm thi (có thể điều chỉnh đáp án và thang điểm cho thích hợp);
4. Tổ chức thi lại môn đó vào ngay sau buổi thi cuối cùng bằng đề thi dự bị.
Lịch thi CĐ năm 2009 cụ thể như sau:
Ngày | Buổi | Môn thi | |||
Khối A | Khối B | Khối C | Khối D | ||
15/7/2009 | Sáng | Vật lý | Sinh | Văn | Văn |
Chiều | Toán | Toán | Sử | Toán | |
16/7/2009 | Sáng | Hoá | Hoá | Địa | Ngoại ngữ |
Chiều | Dự trữ | Dự trữ | Dự trữ | Dự trữ |
Hồng Hạnh