Hơn 5.000 cơ sở lưu trú, phòng trọ ở TPHCM có nguy cơ đình chỉ hoạt động
(Dân trí) - Phòng PC07 cho biết, TPHCM hiện còn 5.155 cơ sở chưa đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong đó có 4.737 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê và 418 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Những ngày gần cuối tháng 3, lực lượng chức năng khắp các quận, huyện ở TPHCM như chạy đua với thời gian, hướng dẫn hàng nghìn chủ cơ sở lưu trú khắc phục những tồn tại vi phạm PCCC.
Việc kiểm tra, đôn đốc người dân sửa chữa nhà trọ, cơ sở lưu trú được lãnh đạo các xã, phường và thành phố thực hiện khẩn trương. Hầu hết chủ các cơ sở đều chấp hành theo hướng dẫn để tránh bị đình chỉ kinh doanh sau ngày 30/3.
Còn 4.737 nhà trọ vi phạm PCCC
Đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TPHCM (PC07) cho biết, TPHCM là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế... của phía nam và cả nước.
Nơi này có nhiều tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng, cơ sở dịch vụ công cộng tập trung đông người có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là các nhà cho thuê trọ, ngăn phòng cho thuê và vừa ở kết hợp kinh doanh.
Theo Phòng PC07, trong năm 2024, thành phố xảy ra 437 vụ cháy khiến 16 người chết, 21 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 12,5 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy phổ biến do sự cố thiết bị điện sản xuất, sinh hoạt.
Ngày 24/6/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị 19/CT-TTg về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Công an kiểm tra phòng trọ và hướng dẫn người dân sử dụng mặt nạ phòng độc (Ảnh: An Huy).
Sau ngày 30/3, chung cư mini, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà trọ không hoàn thành thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC phải dừng hoạt động.
Phòng PC07 cho biết, trước khi Chỉ thị 19 có hiệu lực, Công an TPHCM đã kiểm tra hơn 60.400 cơ sở, phát hiện 15.700 điểm, tồn tại vi phạm về PCCC. Trong đó, hơn 13.900 cơ sở là loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, 930 cơ sở là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Các cơ sở vi phạm phổ biến gồm: Chưa đảm bảo lối thoát nạn; trang bị thiếu các phương tiện, hệ thống PCCC; hệ thống điện câu mắc chưa đảm bảo an toàn, quá tải sử dụng điện trong thời gian cao điểm; người dân sinh sống bên trong nhà trọ chưa được tuyên truyền, trang bị đầy đủ kiến thức PCCC.
Công an TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cơ sở còn tồn tại vi phạm về PCCC khẩn trương khắc phục. Đến nay, số lượng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu PCCC giảm 61,5% so với trước khi Chỉ thị 19 ban hành. Thành phố còn 5.155 cơ sở chưa đảm bảo PCCC, trong đó có 4.737 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê và 418 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
"Công an TPHCM sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị bám sát địa bàn, hướng dẫn chủ cơ sở khắc phục các tồn tại vi phạm, không chờ đến 30/3. Sau thời gian trên, nếu cơ sở nào không đảm bảo an toàn PCCC phải dừng hoạt động", đại diện Phòng PC07 nhấn mạnh.
Chạy đua khắc phục vi phạm
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo UBND phường 7 (quận Phú Nhuận) cho biết, trước khi Chỉ thị 19 có hiệu lực, địa phương đã rà soát và hướng dẫn chủ cơ sở cho thuê trọ, lưu trú khắc phục những tồn tại vi phạm PCCC.
Tuy nhiên, việc khắc phục làm vách ngăn chống cháy giữa nơi để xe với các phòng của chủ các cơ sở còn gặp khó khăn. Phường đang hướng dẫn người dân thực hiện để đảm bảo an toàn cháy nổ theo quy định.
Theo lãnh đạo phường 7, việc hướng dẫn người dân thực hiện đúng Chỉ thị 19 ở phường cũng gặp khó khăn vì một số hộ chưa có điều kiện sửa chữa cơ sở lưu trú. "Phường đã tuyên truyền, hướng dẫn và vận động họ làm để không bị đình chỉ sau ngày 30/3. Đa phần chủ các cơ sở cũng nắm được nguy hiểm về PCCC, họ cũng đồng tình với địa phương", vị này chia sẻ.

Thợ lắp đặt đèn chiếu sáng dự phòng khi mất điện hoặc xảy ra sự cố (Ảnh: Xuân Đoàn).
Ông Nguyễn Đức Lai, Chủ tịch UBND phường 9 (quận Phú Nhuận), cho biết, đến cuối tháng 3 này, các cơ sở nào không khắc phục vi phạm PCCC sẽ ngưng hoạt động. Thông báo này, hộ kinh doanh trọ và lưu trú đã nắm.
Trên địa phường hiện có hơn 20 cơ sở chưa khắc phục vi phạm PCCC. Đến thời điểm chỉ đạo của UBND quận Phú Nhuận, phường sẽ đến các nơi này kiểm tra, chưa khắc phục sẽ yêu cầu ngừng kinh doanh.
Các cơ sở kinh doanh phải sửa chữa đảm bảo 4 tiêu chí, gồm bố trí lối thoát hiểm thứ 2; làm vách ngăn khu vực để xe với nơi ở; trang bị thiết bị PCCC; bố trí hệ thống điện trong nhà theo đúng quy định. Cơ sở nào thiếu 1 trong các tiêu chí trên cũng không được.
"Quá trình vận động, một số hộ cũng nêu khó khăn. Tuy nhiên, họ kinh doanh thì phải đảm bảo an toàn, không viện lý do được. Cơ sở nào cũng khắc phục vi phạm PCCC được vì đã có hướng dẫn cụ thể, chủ yếu họ có làm hay không thôi. Không khắc phục sẽ tạm ngừng kinh doanh", ông Lai nói.
Trong khi đó, một phường ở quận Tân Bình cũng cho biết, đơn vị này đang khẩn trương phối hợp công an cùng cấp chạy nước rút, yêu cầu cơ sở kinh doanh phòng trọ, lưu trú khắc phục vi phạm PCCC.
Đây là quy định chung của thành phố và cả nước nên các cơ sở phải tuyệt đối chấp hành. Chính quyền địa phương không chấp nhận bất kỳ lý do chống chế nào. Cơ sở nào chậm khắc phục sẽ phải đóng cửa.
Cần hướng dẫn cụ thể
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, nhận định, muốn đảm bảo được an toàn cháy nổ phải có hai điều kiện là vật chất phải đảm bảo và con người có kỹ năng.
Trước đây, việc xây dựng phòng ốc cho thuê trọ và lưu trú không được kiểm tra chặt chẽ như hiện nay, nên tồn tại vi phạm. Cơ quan chức năng yêu cầu chủ các cơ sở lưu trú sửa chữa cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cháy nổ là quy định bắt buộc. Tuy nhiên, một điều quan trọng là cơ quan chức năng phải hướng dẫn cụ thể để người dân làm cho đúng.

Một khu trọ ở quận Bình Tân được lắp bảng nội quy PCCC và bình chữa cháy mini sau khi công an hướng dẫn (Ảnh: An Huy).
Theo vị chuyên gia, công an cần xuống từng cơ sở kiểm tra, chỉ chi tiết sửa chỗ này, chỗ kia để dân thực hiện cho đúng và dùng vật liệu nào phù hợp. Cán bộ cũng phải nhấn mạnh vì sao phải sửa để người dân chấp hành.
"Người dân cũng rất muốn sửa để đảm bảo an toàn cho mình và khách thuê, nhưng phải hướng dẫn để họ thực hiện. Lực lượng chức năng không nên phát thông báo rồi để họ "tự bơi", hoang mang trong quá trình khắc phục", ông Xiêm nói.
Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết, trước đây, nhiều người xây dựng các cơ sở lưu trú lên mục đích cho thuê để lấy tiền, không quan tâm nhiều đến vấn đề cháy nổ. Thành thử, đầu tư ban đầu của họ cho cơ sở vật chất còn hạn chế.
Người đến thuê cũng không chú ý đến nguy cơ cháy nổ, khi xảy ra sự cố thì không biết thoát thế nào, dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm. Bên cạnh yêu cầu khắc phục vi phạm PCCC, cơ quan chức năng cũng cần tập huấn cho người dân biết cách ứng xử khi có hỏa hoạn.
"Thậm chí, cơ quan chức năng in một văn bản nêu các hướng xử lý cho người dân nắm khi xảy ra sự cố để họ biết cách đối phó. Việc tuyên truyền bằng lời nói, người dân sẽ nắm một thời gian ngắn rồi quên", PGS.TS Ngô Văn Xiêm chia sẻ.
4 yêu cầu chính khắc phục vi phạm phòng cháy chữa cháy
Bố trí công năng: Nhà ở cho thuê trọ không bố trí thêm công năng sản xuất, kinh doanh hàng hóa; nhà có sân chung không lắp đặt mái cố định bao che kín, có thể dùng mái che di động bằng vật liệu nhẹ.
Ngăn cháy lan: khu vực để ôtô, xe máy trong nhà (tầng hầm, nửa hầm, tầng 1) phải được ngăn cách với cửa đi vào thang máy, sảnh và cầu thang bộ bằng vách ngăn cháy loại 1.
Thoát nạn: lối ra thoát nạn tại tầng 1 (qua cầu thang bộ, các khu vực tại tầng 1) được thoát ra trực tiếp ngoài nhà, trường hợp thoát qua sảnh chung tầng 1 thì khu vực này không được bố trí đồ đạc, hàng hóa, vật dụng dễ cháy.
Lối ra khẩn cấp của nhà được bố trí qua ban công hoặc lô gia các tầng. Tại các lối ra khẩn cấp nhà chưa đảm bảo đủ số lượng lối thoát nạn, phải có thiết bị hỗ trợ thoát nạn khẩn cấp như: thang kim loại, thang dây, ống tụt hoặc dây hạ chậm…
Trang bị phương tiện PCCC: trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc thiết bị báo cháy cục bộ. Trang bị bình chữa cháy tự động loại cục bộ tại khu vực để xe, phòng đặt máy phát điện, phòng kỹ thuật. Nghiên cứu lắp đặt đầu phun chữa cháy tự động tại khu vực để xe; trang bị bình chữa cháy xách tay tại các tầng; mặt nạ lọc độc cho người thuê trong nhà trọ.