Mặt Trời có thể đạt cực đại kép, chực chờ bùng nổ vào tháng 7?
(Dân trí) - Mặt Trời đang bước vào giai đoạn hoạt động mạnh mẽ nhất của chu kỳ 11 năm, được gọi là cực đại Mặt Trời. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta vẫn còn trong giai đoạn này, hay nó đã qua đi?
Vượt ngoài tầm dự đoán của khoa học

Số lượng vết đen Mặt Trời theo ghi nhận của NOAA từ năm 2010 đến nay cho thấy sự tiến hóa của chu kỳ Mặt Trời 24 và 25 (Ảnh: NOAA).
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết cần hiểu rằng Mặt Trời không phải là một thiên thể tĩnh. Bởi lẽ đó, trên Mặt Trời luôn diễn ra nhiều hoạt động mạnh mẽ, bao gồm các hiện tượng như bùng phát, phun trào vật chất và thay đổi từ trường.
Tại đó, các vùng từ trường tập trung tạo ra hàng loạt vết đen Mặt Trời, cấu thành nên các đợt bùng phát, hay còn gọi là các vụ phun trào khối vành nhật hoa (CME).
Những hiện tượng này có tác động đáng kể đến thời tiết vũ trụ, có thể ảnh hưởng đến Trái Đất. Hoạt động của Mặt Trời thay đổi theo chu kỳ 11 năm, dao động từ cực tiểu đến cực đại. Ở giai đoạn cực tiểu, có thể có những tháng liên tiếp không xuất hiện vết đen Mặt Trời. Khi đạt cực đại, số lượng vết đen Mặt Trời, bùng phát Mặt Trời và CME tăng lên đáng kể.
Kể từ khi Chu kỳ Mặt Trời 25 bắt đầu vào tháng 12/2019, các nhà khoa học đã theo dõi sát sao hoạt động của Mặt Trời.
Dự đoán ban đầu từ Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian của NOAA chỉ ra rằng cực đại Mặt Trời có thể xảy ra vào tháng 7 với số lượng vết đen dao động từ 101,8 đến 125,2 mỗi tháng.
Tuy nhiên, thực tế đã vượt xa dự đoán của các nhà khoa học. Vào tháng 8/2024, số lượng vết đen Mặt Trời được làm mịn theo trung bình 13 tháng đạt 156,7 - cao hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Và con số này không ngừng tăng lên. Điều này làm dấy lên câu hỏi: Cực đại Mặt Trời đã qua chưa?
"Cực đại kép" và nhiều biến số bất ngờ

Khoa học cảnh báo cực đại kép trên Mặt Trời có thể xảy ra vào tháng 7 với nhiều đợt bùng phát dữ dội (Ảnh: Getty).
Theo biểu đồ số lượng vết đen Mặt Trời vào tháng 8/2024, số lượng vết đen đạt kỷ lục cao nhất là 216. Từ đó đến tháng 3, con số này dao động từ 136 đến 166 mỗi tháng, cho thấy sự giảm nhẹ trong hoạt động.
Một số chuyên gia nhận định rằng cực đại Mặt Trời đã qua vào khoảng tháng 8 đến tháng 11/2024. Tuy nhiên, dự đoán này vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn.
Lịch sử cho thấy một số chu kỳ Mặt Trời trước đây có xuất hiện cực đại kép. Điển hình như Chu kỳ Mặt Trời 24 có 2 lần đạt đỉnh, diễn ra vào năm 2012 và 2014. Nếu Chu kỳ Mặt Trời 25 cũng có mô hình tương tự, có thể cực đại Mặt Trời vẫn chưa kết thúc mà sẽ kéo dài đến cuối năm 2025.
Như đã đề cập, giai đoạn hoạt động mạnh mẽ của Mặt Trời thường đi kèm các hiện tượng quan trọng như bùng phát Mặt Trời và CME. Các đợt bùng phát Mặt Trời giải phóng một lượng lớn bức xạ và hạt mang năng lượng cao, có thể gây ra nhiễu loạn tín hiệu vô tuyến trên Trái Đất.
Trong khi đó, CME là những vụ phóng khối lượng lớn plasma từ vành nhật hoa vào không gian liên hành tinh, đôi khi hướng thẳng về phía Trái Đất. Khi những khối plasma này va chạm với từ quyển Trái Đất, chúng có thể kích hoạt bão địa từ mạnh mẽ, ảnh hưởng đến lưới điện, vệ tinh, hệ thống GPS và thậm chí cả sức khỏe con người do sự gia tăng bức xạ vũ trụ.
Ngoài ra, hoạt động mạnh của Mặt Trời còn ảnh hưởng đến tầng điện ly của Trái Đất, gây ra hiện tượng mất tín hiệu vô tuyến HF, ảnh hưởng đến thông tin liên lạc hàng không và quân sự.
Đặc biệt, sự gia tăng cường độ bão địa từ có thể làm suy giảm lớp bảo vệ tự nhiên của Trái Đất trước bức xạ Mặt Trời, tạo ra các hiệu ứng như cực quang rực rỡ ở những vĩ độ thấp hơn bình thường. Các nhà khoa học cũng quan sát thấy rằng giai đoạn cực đại Mặt Trời có thể góp phần vào sự thay đổi khí hậu tạm thời do sự gia tăng bức xạ tổng thể từ Mặt Trời.
Ngay cả khi cực đại Mặt Trời đã qua, điều đó không có nghĩa là hoạt động của Mặt Trời sẽ ngay lập tức suy giảm. Trên thực tế, các vết đen Mặt Trời, CME và bão địa từ vẫn có thể diễn ra mạnh mẽ trong khoảng từ 1 hoặc 2 năm tiếp theo.
Điều này có thể kết hợp với hiện tượng nóng lên toàn cầu, và tiếp tục ảnh hưởng đến Trái Đất theo những cách khác nhau.