Hơn 4.900 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp bộ máy

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh của Ủy ban TVQH…

Chiều 25/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược và thể chế là "đột phá của đột phá", là nguồn lực, động lực phát triển.

Quốc hội và Chính phủ đã dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, nhưng đến nay thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", theo lời Thủ tướng.

Chuyển từ thiên về quản lý sang kết hợp giữa quản lý và kiến tạo phát triển

Lãnh đạo Chính phủ cho biết tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội  đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế, xã hội) với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Hơn 4.900 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp bộ máy - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Các luật, nghị quyết đều quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc đưa các chính sách vào cuộc sống và phát huy hiệu quả luôn là thách thức lớn.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong số các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 8 có những luật mới, khó, có nội dung phức tạp, nhưng đã được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong một kỳ họp mà thông thường phải theo quy trình hai kỳ họp, như Luật Đầu tư công, Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Dữ liệu…

Theo ông, các luật, nghị quyết được thông qua đã thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", chuyển tư duy từ xây dựng pháp luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả với kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Chủ tịch Quốc hội cho biết qua rà soát sơ bộ, hiện có gần 700 nội dung được giao trong 18 luật và 10 nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 cần được Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, cơ quan ở Trung ương và chính quyền địa phương quy định chi tiết.

Đây là thách thức rất lớn khi đặt trong bối cảnh các cơ quan trong hệ thống chính trị hiện đang tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, khẩn trương chuẩn bị cho kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tháng 2/2025, đồng thời triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 với số lượng lớn dự án luật, nghị quyết cần chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Trước những yêu cầu, nhiệm vụ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan cần quan tâm một số vấn đề lớn.

Hơn 4.900 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp bộ máy - 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết các luật, nghị quyết được thông qua đã thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" (Ảnh: Đoàn Bắc).

Cụ thể, đối với việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, ban hành mới các luật, nghị quyết để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, dự kiến có khoảng 4.922 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó có 167 luật, 9 nghị quyết của Quốc hội, 10 pháp lệnh, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 829 nghị định, 271 quyết định của Thủ tướng, 1 chỉ thị của Thủ tướng và 3.642 văn bản cấp bộ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan đề nghị khẩn trương tổ chức rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và phương án cụ thể (có thể áp dụng hình thức một luật sửa nhiều luật hoặc trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các nội dung cần xử lý) để xem xét, bổ sung vào chương trình.

Ông Mẫn lưu ý nội dung này cần chuẩn bị kỹ lưỡng để ngay sau Hội nghị Trung ương kịp hoàn thiện, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp bất thường cuối tháng 2/2025, đảm bảo chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.

Không để gián đoạn sau tinh gọn bộ máy

Trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không tránh khỏi có sự xáo trộn nhất định trong tổ chức, hoạt động của một số bộ, cơ quan, ông Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản không để gián đoạn công tác xây dựng, ban hành văn bản.

Sau sắp xếp, cơ quan mới tiếp nhận nhiệm vụ cần kế thừa kết quả, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực thi hành đúng thời hạn, theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội.

Hơn 4.900 văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp bộ máy - 3

Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc).

Về việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 gắn với công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 9, ông Mẫn nói thêm đây là kỳ họp cũng có khối lượng công tác lập pháp rất lớn. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 15 dự án luật, chưa kể còn một số dự án Chính phủ đang xem xét để tiếp tục đề nghị bổ sung vào Chương trình.

Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý các dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, đồng thời tập trung chuẩn bị, hoàn thiện các dự án được giao chủ trì soạn thảo để Chính phủ trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại các phiên họp tháng 2 và tháng 3/2025, tránh để dồn vào các phiên họp sát thời gian khai mạc kỳ họp thứ 9.

Trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo, đề nghị các cơ quan tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa quy định của nghị định, thông tư, bảo đảm luật có tính ổn định, có giá trị lâu dài.