Hơn 4.000 F0 nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, gây khó cho việc sơ tán

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Dự báo, 8 tỉnh của miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng của bão số 5 (Conson). Trong số 8 tỉnh này có 6 tỉnh với hơn 4.000 F0; đây là bài toán khó khi phải sơ tán dân tránh bão.

Liên quan đến công tác ứng phó với cơn bão số 5 (Conson) đang hoạt động ở Biển Đông và dự báo sẽ đi vào đất liền các tỉnh miền Trung, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, bão số 5 được dự báo sẽ đi vào đất liền các tỉnh miền Trung trong vài ngày tới, đúng thời điểm nhiều tỉnh khu vực này đang "căng mình" chống chọi với đại dịch Covid-19, nên rất khó khăn.

Theo ông Hoài, các Bộ, ngành, các địa phương và đặc biệt là Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đang nỗ lực bám sát và theo dõi cũng như điều chỉnh các kịch bản để phòng chống bão đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch Covid-19.

Về vấn đề tàu thuyền hoạt động trên biển, ông Hoài cho biết, sáng nay, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thông báo cho hơn 71.000 tàu thuyền biết hướng di chuyển của bão số 5 và tất cả phương tiện này đã vào khu vực tránh trú an toàn. Hiện vẫn còn 224 tàu với khoảng 2.000 lao động (chủ yếu của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi) vẫn hoạt động trên biển và đang khẩn trương di chuyển vào nơi tránh trú.

Hơn 4.000 F0 nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, gây khó cho việc sơ tán - 1

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT),  Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

"Đối với tuyến biển, tại các cuộc họp chúng tôi đã đặc biệt lưu ý tới các cơ quan chức năng như bộ đội biên phòng, các địa phương ven biển phải khẩn trương thông báo, đôn đốc để các phương tiện nhanh chóng di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Nếu không di chuyển nhanh mà gặp bão sẽ rất nguy hiểm, trong thực tế đã xảy ra rồi", ông Hoài nói.

Theo cơ quan dự báo, 8 tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi nhiều khả năng sẽ chịu tác động của bão số 5.

Ông Hoài cho biết, trong số 8 tỉnh nói trên có 6 tỉnh có hơn 4.000 F0, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi. Đây là bài toán khó cho vấn đề sơ tán dân trước khi bão đổ bộ.

Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết thêm, ngày 9/9, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ về việc triển khai công tác ứng phó với bão Conson và mưa lớn.

Trong đó có nội dung, trường hợp phải sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm (đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,...), đề nghị các Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các công việc như: Xây dựng phương án, kịch bản sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; bố trí khu vực ở phù hợp với từng đối tượng, tình hình dịch tại địa phương, trình UBND tỉnh để chỉ đạo các lực lượng liên quan thực hiện.

Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế tổ chức khám sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư cần phải sơ tán, như: Phải test nhanh để tách các trường hợp nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, F0 ra khỏi cộng đồng trước khi tổ chức vận chuyển đến nơi sơ tán. Các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao cần phải bố trí khu vực riêng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của địa phương.

Ông Hoài thông tin thêm, công điện hướng dẫn của Bộ Y tế còn đề nghị các địa phương phải đảm bảo giãn cách tại khu sơ tán tốt nhất có thể, trang bị đầy đủ các phương tiện sát khuẩn, khẩu trang cho người được sơ tán và những người làm việc tại khu sơ tán.

"Đây là lần đầu tiên xuất hiện tình huống phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19. Chúng tôi đã xây dựng cuốn sổ tay về phòng, chống Covid-19 trong điều kiện thiên tai xảy ra", ông Hoài cho biết.

Hơn 4.000 F0 nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, gây khó cho việc sơ tán - 2

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 5. (Ảnh: NCHMF).

Về các công việc tiếp theo ứng phó với bão số 5, ông Hoài nhấn mạnh: Các tỉnh, thành phố phải tổ chức trực ban nghiêm túc, tiếp tục thực hiện công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8 của Thủ tướng Chính phủ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai thông tin tới địa bàn và người dân để chủ động các biện pháp ứng phó.

Các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận và khu vực Bắc Bộ thực hiện Công điện số 10/CĐ-TW hồi 15h ngày 7/9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1360/CĐ-BYT ngày 9/9 và Sổ tay hướng dẫn PCTT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 (Quyết định 16/QĐ-TWPCTT ngày 23/8).

"Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão trên Biển Đông để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn trên cả 2 tuyến biển và đất liền; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, nhất là 3 tỉnh vẫn còn tàu thuyền hoạt động khu vực gần Quần đảo Hoàng Sa", ông Hoài nhấn mạnh.

Dòng sự kiện: Cơn bão số 5