1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đà Nẵng:

Hơn 30 người “vây” trụ sở công ty đòi sổ đỏ

(Dân trí) - Những ngày qua, hàng chục người dân tụ tập trước trụ sở Công ty CP dây cáp điện Tân Cường Thành (tổ 11 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để yêu cầu công ty này giao đất, giao sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Người dân bao vậy cổng trụ sở Công ty Tân Cường Thành để đòi lại tiền và sổ đỏ
Người dân bao vậy cổng trụ sở Công ty Tân Cường Thành để đòi lại tiền và sổ đỏ
 
Theo người dân, Công ty CP dây cáp điện Tân Cường Thành (chuyên sản xuất dây cáp điện, đầu tư kinh doanh bất động sản) đã thực hiện hợp đồng bán đất tại khu dân cư Liên Chiểu và khu dân cư Tân Hải Doanh cho họ cách đây hơn 1 năm. Nay đã quá thời hạn trong hợp đồng mà công ty vẫn chưa giao sổ đỏ nên người dân không thể làm gì trên đất mình đã mua. Nhiều lần người dân đến đòi thì ban giám đốc công ty hẹn lần lữa. Những ngày gần đây, khi đến kỳ hẹn, người dân đến đòi lấy sổ đỏ thì bảo vệ công ty cho biết lãnh đạo đi công tác.

Ông Trần Ngọc Long (trú tổ 11, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) bức xúc: “Đất có, đường có, nước có nhưng sổ đỏ thì không biết đến bao giờ mới có”. Ông Long mua một lô đất gần 820 triệu đồng nhưng đã gần hai năm nay ông “được” hẹn năm lần bảy lượt mà vẫn chưa lấy được sổ đỏ. “Tôi vào gặp nhân viên của công ty để hỏi thì họ chạy trốn hết”, ông Long bức xúc trình bày.

Còn ông Ngô Phi Hùng (trú tổ 13, Đà Sơn, Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) mua một lô đất trị giá 590 triệu đồng từ tháng 3/2012. Phía công ty hẹn 90 ngày sau giao đủ số tiền còn lại thì ra công chứng giao sổ, nhưng đến nay vẫn chưa có.
 
Phiếu nộp tiền của người dân mua đất của Công ty Tân Cường Thành
Phiếu nộp tiền của người dân mua đất của Công ty Tân Cường Thành

Cùng hoàn cảnh như ông Hùng, anh Nguyễn Sấm (SN 1970, trú huyện Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết tháng 4/2011, anh mua lô đất rộng 80m2 nằm trong khu dân cư của công ty Tân Cường Thành với giá 620 triệu đồng và đã nộp 90% số tiền trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sổ đỏ. Hai vợ chồng anh từ đó đến nay vẫn chưa xây được nhà để ở.

Một trường hợp khác là bà Trần Thị Phương (ở tổ 15 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cho biết trong hợp đồng mua bán đất giữa công ty Tân Cường Thành với vợ chồng bà là lô đất tại ngã 3 đường, nhưng đến khi giao đất thì không phải lô ở ngã 3 nên bà không đồng ý và đòi lại tiền đặt cọc 100 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty cứ hứa mãi mà không trả lại tiền cho bà.

Vì chờ mãi không thấy Công ty Tân Cường Thành trả tiền hoặc sổ đỏ, sáng 7/1, khoảng hơn 30 người đã kéo đến tụ tập trước cổng trụ sở công ty này trên đường Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) đòi gặp người có trách nhiệm giải quyết.
 
Khu vực đất của Công ty Tân Cường Thành đầu tư và bán cho người dân
Khu vực đất của Công ty Tân Cường Thành đầu tư và bán cho người dân

Ngày 8/1, trả lời các cơ quan báo chí về vấn đề này, ông Mai Hồng - Phó tổng Giám đốc Công ty CP Tân Cường Thành - cho hay, khu đất được chuyển đổi mục đích có diện tích 6,2 ha trước đây là đất sản xuất của doanh nghiệp. Sau khi có chủ trương của UBND thành phố Đà Nẵng, diện tích đất này được chuyển đổi, chia lô và chuyển sang đất ở. Dự án được khởi công từ tháng 4/2011 với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng.

Khi chuyển đổi mục đích thành đất ở, Công ty Tân Cường Thành đã tách thửa từ 2 sổ lớn thành 377 lô đất nhỏ và bán cho người dân. Đến nay, công ty đã bán được 366 lô cho người dân. Trong đó đã giao 290 sổ đỏ, còn lại khoảng 70 sổ chưa làm hợp đồng chuyển nhượng cho khách hàng.

Ông Hồng cũng phân trần rằng, thông tin người dân cho rằng đơn vị mang sổ đỏ của người dân đi cầm cố ngân hàng là không đúng bản chất. Trước đây, diện tích đất sản xuất này đã được doanh nghiệp thế chấp, vay vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh nên khi tách thửa, chia lô bán cho người dân, diện tích đất này vẫn thế chấp ở ngân hàng.

“Đối với một số khách hàng đòi lại tiền, chúng tôi sẽ xem xét trả lại cho người dân theo từng giai đoạn. Còn việc người dân khiếu kiện, đưa ra tòa đó là quyền lợi chính đáng của người dân. Chúng tôi sẽ cố gắng bù đắp thiệt hại cho khách hàng”, ông Hồng giãi bày.

Công Bính