Hơn 20 chuyến tàu mắc kẹt, hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu trong nước

(Dân trí) - Hiện nhiều nơi ở tỉnh Quảng Bình vẫn đang bị nước lũ “nhấn chìm”, giao thông tại nhiều tuyến đường bị ách tắc cục bộ… Đường sắt Bắc - Nam đang trong tình trạng tê liệt.

Hơn 20 chuyến tàu đang mắc kẹt trên hệ thống đường sắt Bắc - Nam qua miền Trung
Hơn 20 chuyến tàu đang mắc kẹt trên hệ thống đường sắt Bắc - Nam qua miền Trung

Theo đại diện ĐSVN, do ảnh hưởng của mưa lũ trong các ngày từ 12-14/10, trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to, lũ trên sông Gianh lên nhanh, chảy xiết gây sạt lở mái ta luy âm nền đường tại một số điểm trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, từ km 456+000 đến km 456+090 (chiều sâu khoảng 12-18m). Khoảng cách từ mép điểm sụt đến mép ray ngoài cùng là 1,2m.

Để đảm bảo an toàn, ĐSVN đã tiến hành phong tỏa khu gian Ngọc Lâm - Lạc Sơn 2 lần. Tuy nhiên, đến chiều ngày 14/10, tại khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng và diễn biến phức tạp nên vùng sạt lở tiếp tục mở rộng.

Tính đến 19h ngày 14/10, đã có 11 điểm sạt lở trong khu gian từ ga La Khê đến ga Ngọc Lâm. Tại Ga La Khê nước ngập trên mặt ray 10cm, đường ga số 1,3 phải phong tỏa; đường số 2 (chính tuyến) nước ngập 5cm phải dẫn đường với vận tốc 5km/h. Tại Km 396+625 đến km 396+650, phải phong tỏa lúc 16h45… Tại các ga Đồng Hới, Lệ Kỳ đã bị ngập hoàn toàn.

Mưa lớn gây ngập lụt và sạt lở hệ thống đường chạy tàu
Mưa lớn gây ngập lụt và sạt lở hệ thống đường chạy tàu

“Hiện ĐSVN đã tiến hành phong tỏa khu gian và dừng 10 đoàn tàu khách; 12 đoàn tàu hàng đang nằm dọc đường chờ thông tuyến” - đại diện ĐSVN cho hay.

Tổng Giám đốc ĐSVN Vũ Tá Tùng đang có mặt tại Quảng Bình để chỉ đạo các đơn vị trong khu vực bị ảnh hưởng thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với hậu quả do mưa lũ gây ra. Các đơn vị trong khu vực đã điều động hàng trăm công nhân tham gia cứu chữa, khắc phục sự cố và theo dõi trực chốt tại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, tiếp tục bám sát diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các đơn vị trong khu vực tập trung vật tư, nhân lực, phối hợp tổ chức vận chuyển vật tư, thiết bị và công tác cứu chữa đảm bảo thông tàu trong thời gian sớm nhất.

Tại Quảng Bình, cuối giờ chiều 14/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có báo cáo nhanh về những thiệt hại ban đầu do trận mưa từ ngày 13 đến 14/10 gây ra trên địa bàn.

Theo đó, tính đến 16h chiều 14/10, tại Quảng Bình mưa lũ đã khiến 3 người chết, đó là ông Lê Văn Thân (SN 1968, trú thôn 7, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch) bị sét đánh chết vào lúc 12h trưa ngày 14/10, một người chưa rõ danh tính (70 tuổi, ở xã Quảng Long, Thị xã Ba Đồn) bị chết do sửa mái nhà, chị Nguyễn Thị Lài, ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh cũng bị chết do mưa lũ.

Mưa rất to và kéo dài đã khiến nước lũ dâng cao rất nhanh
Mưa rất to và kéo dài đã khiến nước lũ dâng cao rất nhanh

Có 2 người mất tích là ông Thái Xuân Năng (62 tuổi, trú thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) bị lũ cuốn trôi khi đi dắt bò lội qua ngầm tràn giữa thôn 3 và thôn 4 - Yên Thọ và một nam thanh niên bị mất tích do bị lũ cuốn trôi tại ngầm Cà Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa); 1 người bị thương là Nguyễn Phương Thảo (SN 1969, trú thôn 1, xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch) hiện đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Tình hình mưa lũ đang diễn biến rất phức tạp, nước lũ dâng lên rất nhanh và cao. Trước tình hình đó, huyện Tuyên Hoá dự kiến di dời 150 hộ dân ở xã Thanh Hoá; huyện Quảng Trạch cũng đã tiến hành sơ tán 78 hộ dân ở xã Phù Hoá đến những nhà cao tầng; huyện Bố Trạch cũng đã di dời khoảng 50 hộ dân đến vùng an toàn.

Theo thống kê, hiện huyện Tuyên Hóa có 230 nhà bị ngập sâu; huyện Minh Hóa có 45 nhà dân ở thôn Phú Nhiêu (xã Thượng Hóa) bị ngập sâu, nơi ngập sâu nhất khoảng 2,5m.

Tại huyện Quảng Trạch có 22 nhà bị ngập sâu tại xã Phù Hóa; Thị xã Ba Đồn có 600 nhà bị ngập sâu từ 0.8-2m tại xã Quảng Sơn; xã Quảng Minh bị cô lập hoàn toàn; xã Quảng Trung bị ngập hơn 100 nhà tại thôn Biểu Lệ.

Mưa lũ đã khiến giao thông nhiều nơi ở Quảng Bình bị tê liệt
Mưa lũ đã khiến giao thông nhiều nơi ở Quảng Bình bị "tê liệt"

Về giao thông nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình bị “tê liệt”, đặc biệt là ở huyện miền núi Minh Hoá và nhiều tuyến đường ở thành phố Đồng Hới.

Mưa lũ cũng đã khiến hàng trăm ngôi nhà dân và nhiều trường học bị tốc mái; nhiều hecta hoa màu và gia súc, gia cầm bị trôi.

Hiện chưa có số liệu báo cáo thiệt hại cụ thể, tuy nhiên với những con số báo cáo nhanh trên đây cho thấy tỉnh nghèo Quảng Bình đang phải gánh chịu thiệt hại rất nặng nề do mưa lũ gây ra.

Châu Như Quỳnh - Đặng Tài