1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Hơn 1.500 ngôi nhà bị ngập, thêm 1 người bị lũ cuốn trôi

(Dân trí) – Chiều 19/9, theo tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Quảng Nam cho biết, đã có hơn 1.500 ngôi nhà trên địa bàn bị ngập lũ do ảnh hưởng của bão số 8 và có thêm một người bị lũ cuốn trôi.

Ông Nguyễn Hoài Phương, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam cho biết, do ảnh hưởng của bão số 8, đến 7 giờ ngày 19/9, lượng mưa phổ biến tại các địa phương trên địa bàn từ 200 – 400mm, cá biệt có một số nơi mưa rất to như Hiên 625 mm, Câu Lâu 524 mm, Thành Mỹ 487 mm, Giao Thủy 462 mm…

Nước lũ tràn bờ sông Vu Gia đoạn quan thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc.
Nước lũ tràn bờ sông Vu Gia đoạn quan thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc..

Do mưa lớn đã làm mực nước các sông lên nhanh. Ttrên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lũ đạt mức 9m (ở mức báo động III) và đạt đỉnh lúc 5h ngày 19/9 là 9,16 m, trên báo động III 16cm. Trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 6,58 m (trên báo động I 38 cm) và đạt đỉnh lúc 6h ngày 19/9 ở mức 6,72 m (trên báo động I 52 cm); Tại Câu Lâu mực nước cao 2,53 m (trên báo động I 53 cm); Tại Hội An là 1,45 m (trên báo động I 45 cm).

Theo thông tin, đến chiều 19/9, tuy không còn mưa nhưng mực nước ở các sông xuống chậm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch huyện Đại Lộc cho biết, huyện đã xây dựng phương án sơ tán khẩn cấp dân vùng ngập sâu trong lũ, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lỡ phòng, tránh cơn bão số 8/2013. Theo đó, toàn huyện đã sơ tán tán được 1.361 hộ với 4.001 khẩu.

Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc bị ngập lụt.
Thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc bị ngập lụt.

Theo ông Tính, đến sáng 19/9, lũ đã làm một số khu dân cư trên địa bàn huyện Đại Lộc bị ngập lụt, số lượng khoảng 1.500 ngôi nhà.

Còn tại huyện miền núi Tây Giang, Phó Chủ tịch huyện Phạm A cho biết đã tổ chức sơ tán di dời khẩn cấp 27 hộ tại địa bàn các xã Bhalee, A Vương và A Tiêng.

Ngoài ra, sạt lở đất tại thôn Arung (xã Bhalee) làm ảnh hưởng 1 ngôi nhà. Sạt lở đất tại các khu dân cư Xà ơi I, Xà ơi II, Xà ơi III (xã Avương) làm ảnh hưởng đến 5 ngôi nhà. Tại xã Atiêng sạt lở đất tại khu tái định cư Arầng 3 làm ảnh hưởng đến 1 ngôi nhà. Mưa lớn gây sạt lở đất tại các mặt bằng định cư (Voòng, A Banh 1, K’ tiếc, K’nooh) ảnh hưởng đến 20 hộ dân.

Bên cạnh đó, các xã vùng cao của huyện đang bị cô lập do sạt lở giao thông.  Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Tây Giang bị sạt lở 7 điểm, giao thông bị ách tắc.

Tình hình tại huyện Đông Giang, trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Tài – Chủ tịch huyện cho biết, mưa lớn đã làm sạt lở đất đá tràn vào 8 ngôi nhà tại xã Ating, đến nay chính quyền địa phương đã chỉ đạo khắc phục tạm thời.

Ông Tài cũng cho biết, tuyến đường Hồ Chí Minh và QL 14G đoạn qua huyện Đông Giang bị sạt lở nhiều điểm, đến chiều nay (19/9), đã được khắc phục đảm bảo giao thông đi lại. Tuy nhiên vẫn còn hàng chục điểm bị sạt lở đang được khắc phục.

Thêm một người bị lũ cuốn trôi trên địa bàn Quảng Nam. Nạn nhân là ông Alăng De (45 tuổi, trú thôn Khe Bhợt, xã Cà Dăng, huyện Đông Giang). Ông De bị lũ cuốn trôi mất tích vào tối ngày 18/9 khi đang làm nhiệm vụ giữ kho vật liệu thi công đường giao thôn tại địa phương. Theo lãnh đạo huyện Đông Giang, đến chiều ngày 19/9, thi thể của ông De đã được tìm thấy.

Còn anh ALăng Mốp (20 tuổi, trú xã Mà Coi, huyện Đông Giang, Quảng Nam) bị lũ cuốn trôi vào sáng 17/9 (Dân trí đã đưa tin), theo Chủ tịch huyện Đông Giang đến chiều nay vẫn chưa tìm được thi thể.

Công Bính