1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hơn 100 cầu, cống, đập ở Hà Nội hư hỏng sau mưa lũ

Hà Mỹ

(Dân trí) - Mưa lũ ở các huyện ngoại thành Hà Nội suốt nhiều ngày qua đã gây thiệt hại về người, khiến nhiều tuyến đê kè bị ngập, sạt lở; cùng hơn 100 cầu, cống, đập hư hỏng...

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất có những diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Mực nước các hồ chính và sông trên địa bàn thành phố đang ở mức cao.

Đáng chú ý, mưa lũ gây thiệt hại về sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trên địa bàn Hà Nội, có cả thiệt hại về người trong mưa lũ.

Trong đó, mưa lũ kéo dài nhiều ngày ở huyện Chương Mỹ và Quốc Oai đã khiến hai người tử vong do lũ cuốn trôi. Ngập lụt diện rộng vẫn đang xảy ra tại một số khu vực…

Hơn 100 cầu, cống, đập ở Hà Nội hư hỏng sau mưa lũ - 1

Mưa lũ bủa vây nhiều khu dân cư ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội), ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân (Ảnh: Hữu Nghị).

Tại huyện Chương Mỹ, hơn 720m chiều dài kênh mương bị hư hỏng; gần 4.700m đê bị ngập.

Đáng lưu ý, ở khu vực đê hữu Bùi, vị trí tường kè xã Tốt Động có hiện tượng rò rỉ qua chân tường kè dài khoảng 200m; chiều dài đoạn đê qua xã Quảng Bị sạt lở 30m; đập Vai Vàng bị sạt lở 100m, trạm bơm Lải Cao ngập sâu trong nước; 103 cầu, cống, đập trên địa bàn huyện bị hư hỏng. 

Mưa lũ khiến 19 thôn, xóm bị ngập; trên 1.200 hộ ảnh hưởng; trong đó trên 6.000 người cần cứu trợ và hơn 3.500 người phải sơ tán. Nhiều công trình trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng hứng chịu ngập lụt nặng nề gồm: 12 di tích, 9 nhà văn hóa, 3 trường học, một trạm y tế; hơn 2.000m tường bao bị đổ. 

Mưa lũ đã làm ảnh hưởng hơn 1.000ha lúa, 354ha rau màu, 243ha diện tích cây ăn quả, gần 1.600ha diện tích lúa, cá và thủy sản, gần 5.000 con gia súc và trên 208.000 con gia cầm...

Hơn 100 cầu, cống, đập ở Hà Nội hư hỏng sau mưa lũ - 2

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương trao quà cho người dân vùng ngập ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, ngày 31/7 (Ảnh: Thế Khánh).

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn đồng bằng và trung du Bắc bộ, trong các ngày 1-2/8, khu vực miền Bắc bao gồm cả Hà Nội tiếp tục hứng chịu mưa dông. Một số nơi có thể ghi nhận lượng mưa rất lớn trên 200mm.

Trước diễn biến trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã cùng sở, ban, ngành tiếp tục triển khai, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Các địa phương, đơn vị liên quan cũng cần rà soát, bổ sung lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Trước đó ngày 31/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ký, ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra tại các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Trưởng ban Chỉ huy là Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Ban Chỉ huy có nhiệm vụ chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương và các tỉnh lân cận để thống nhất phương án trong công tác phòng, chống úng ngập, bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê ở vị trí xung yếu trên địa bàn 3 huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy cần cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan truyền thông và người dân về diễn biến của thiên tai, công tác phòng, chống, khắc phục của thành phố, báo cáo với Thường trực Thành ủy hàng ngày.

Ban Chỉ huy tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm