Phó Thủ tướng Lê Thành Long thị sát "rốn ngập" ở ngoại thành Hà Nội

Hà Mỹ

(Dân trí) - Thị sát, kiểm tra khu vực dân cư ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang bị ngập lụt, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ, không để người dân đói, khát, bùng phát dịch bệnh.

Chiều 30/7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã thị sát, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và động viên người dân vùng lũ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Báo cáo nhanh với Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết do ảnh hưởng của bão số 2, địa phương ghi nhận lượng mưa lớn trên 400mm liên tục từ ngày 22/7 đến ngày 30/7.

Mực nước sông Bùi lên nhanh, tràn vào khu vực dân cư. Tính đến chiều 30/7, huyện vẫn còn 24 thôn, xóm thuộc 13 xã, thị trấn của huyện bị úng ngập; trong đó gần 1.500 hộ bị ngập sâu 0,5-2m, hơn 3.700 người phải đi sơ tán, hơn 5.300 người cần hỗ trợ nhu yếu phẩm…

Hiện, các xã, thị trấn lắp dựng biển cảnh báo, rào chắn tại các tuyến đường và khu vực ngập sâu, phân công lực lượng công an thường xuyên tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long thị sát rốn ngập ở ngoại thành Hà Nội - 1

Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đi xuồng thị sát vùng ngập ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội (Ảnh: VGP).

Ông Châu cho biết những ngày qua, huyện Chương Mỹ đã tiếp nhận từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách của các đơn vị mua sắm cấp phát hỗ trợ đến các hộ trong vùng ngập úng gần 3.700 thùng mỳ tôm, 100 gói lương khô, 65 thùng sữa tươi, 3.010 bình nước loại 20 lít, 110 túi bánh mỳ, 14 xe téc nước sạch, 100 lít dầu diesel, thuốc nhỏ mắt, ngứa chân, tiêu chảy, 1.000 liều chloramin B, một trạm y tế lưu động và 132 triệu đồng tiền mặt.

Để ứng phó với những diễn biến tiếp theo của mưa lũ, huyện Chương Mỹ đã hướng dẫn người dân có biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, máy móc, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Sau khi nước rút, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo đóng điện trở lại cho các hộ dân, đảm bảo an toàn; hỗ trợ bóng điện, dây điện cho các hộ khó khăn.

Cùng với đó, địa phương tiếp tục cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men phòng, chống dịch tả, đau mắt hột và các bệnh ngoài da cho người dân; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cung cấp hàng cứu trợ, đảm bảo đời sống của nhân dân kịp thời, đúng đối tượng…

Phó Thủ tướng Lê Thành Long thị sát rốn ngập ở ngoại thành Hà Nội - 2

Phó Thủ tướng Lê Thành Long thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân vùng rốn lũ (Ảnh: VGP).

Sau khi kiểm tra thực tế công tác phòng chống lũ lụt ở các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ), Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng úng ngập trong những ngày tới, các cấp, các ngành của thành phố và huyện cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài.

Trong đó, địa phương cần tiếp tục quan tâm bố trí lực lượng canh gác khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra sự việc đáng tiếc; huy động các nguồn lực hỗ trợ, bảo đảm đời sống người dân nhất là vùng úng ngập sâu, cô lập.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long thị sát rốn ngập ở ngoại thành Hà Nội - 3

Ngập lụt kéo dài suốt một tuần qua ở huyện Chương Mỹ, Quốc Oai ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân (Ảnh: Hữu Nghị).

Phó Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để người dân bị đói, bị khát, bùng phát dịch bệnh. Khi nước rút, huyện Chương Mỹ cần khẩn trương vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu huyện Chương Mỹ và UBND TP Hà Nội khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp ứng phó, thích ứng lũ rừng ngang, mưa lớn bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

Theo báo cáo của đơn vị chức năng, những năm gần đây, nhiều đợt lũ lớn xuất hiện trên sông Bùi, sông Tích, bao gồm các đợt tháng 10/2008, tháng 10/2017, tháng 7/2018, tháng 9/2022.

Tuần qua, do mưa lớn trong khu vực và lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về làm mực nước sông Bùi, sông Tích lên rất nhanh. Đến nay, mưa đã ngớt nhưng mực nước lũ sông Bùi, sông Tích xuống chậm do lũ trên sông Đáy còn ở mức cao.

Hiện, UBND TP Hà Nội giao Sở KH&CN và Sở TN&MT tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố, đề xuất các giải pháp tổng thể phòng chống lũ sông Bùi, sông Tích, lũ rừng ngang từ vùng núi Lương Sơn, Kim Bôi - tỉnh Hòa Bình đổ về để giảm thiểu ngập lụt.