Hội khoa học Lịch sử đề nghị bỏ “trục Thăng Long”
(Dân trí) - Trục cảnh quan hay trục giao thông Thăng Long, vị trí đặt Trung tâm hành chính quốc gia, bảo tồn di sản, cảnh quan sông hồ là 3 vấn đề nổi cộm trong quy hoạch chung Hà Nội vừa được Hội khoa học Lịch sử Việt Nam góp ý.
Xung quanh câu chuyện gây tranh luận về trục Thăng Long, bản quy hoạch chung hoạch định đường trục giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng một “trục tâm linh” chạy thẳng từ Ba Vì đến Ba Đình theo quan điểm của các nhà khoa học lịch sử là không cần thiết, không có căn cứ khoa học.
Hội khoa học Lịch sử phân tích, về mặt phong thủy và tâm linh, trong Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ đã xác định thế “tựa núi, nhìn sông”, “rồng cuộn hổ ngồi”, của vùng đất Thăng Long và trung tâm hội tụ long mạch, kết tinh hồn thiêng sông núi là “Rốn Rồng” (tức núi Nùng). Núi Ba Vì theo đó là Thần điện của thế giới thần linh. Đối diện bên kia là vùng Bạch Hạc - Việt Trì, đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, trung tâm của nước Văn Lang thời các vua Hùng.
Theo Hội khoa học Lịch sử VN: Xây trục Thăng Long thành "xa lộ" là mũi tên găm vào trung tâm đô thị.
Xây dựng một trục giao thông hiện đại, thẳng tắp từ Ba Vì đến Ba Đình, chưa nói về mặt phong thủy, tâm linh, chỉ xét ở khía cạnh cảnh quan thiên nhiên và không gian thiêng của hai tụ điểm này, như một mũi tên găm vào trung tâm đô thị lõi, là không khả thi. Xét ở khía cạnh kinh tế, trục đường xây dựng bên cạnh đường cao tốc Láng - Hòa Lạc cũng bất hợp lý. Bản báo cáo góp ý Hội khoa học Lịch sử gửi đến Bộ Xây dựng, các đơn vị của Liên danh tư vấn thẳng thắn đề nghị loại trừ phương án xây “xa lộ” Thăng Long.
Theo những chuyên gia nguyên cứu lịch sử, trục Thăng Long với ý nghĩa là đường giao thông mang tính lịch sử - văn hóa, thân thiện môi trường, không đối chọi với hành lang xanh, phải là đường cảnh quan. Con đường đó nối Ba Vì - trung tâm Thần điện với cố đô Thăng Long, thành Cổ Loa uốn quanh khu thắng cảnh hay gần các làng cổ… phải có cây xanh, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên và di sản văn hóa.
“Hội khoa học Lịch sử VN ủng hộ phương án Đường cảnh quan theo trục” - bản báo cáo khái quát.
Bỏ phiếu phương án trung tâm hành chính tại Hòa Lạc
Việc lựa chọn vị trí quy hoạch xây dựng trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, các thành viên Hội khoa học Lịch sử cho rằng cần đáp ứng các yêu cầu: một không gian rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên đẹp; Ở vị trí đầu mối giao thông thuận tiện, đảm bảo sự đi lại đối với các vùng; Được quy hoạch và kiến thiết hiện đại nhưng biểu thị tập trung bản sắc dân tộc.
Xét theo những tiêu chí đó, PGS.TS Phạm Mai Hùng - phó chủ tịch Hội lấy ví dụ phân tích công trình Tượng đài Độc lập mà chính Hội đã đề xuất và được Liên danh tư vấn đưa vào bản quy hoạch. Ông Hùng cho rằng tượng đài Độc lập nên đặt tại Trung tâm hành chính Quốc gia như một điểm nhấn tiêu biểu chứ không nên đặt ở vị trí điểm giao cắt trục Thăng Long và trục đường Láng - Hòa Lạc.
Trong 2 phương án vị trí quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia (chân núi Ba Vì tức phía tây nam hồ Đồng Mô và phía bắc khu đô thị Hòa Lạc tức phía đông hồ Đồng Mô, gần đường 21), Hội khoa học Lịch sử “bỏ phiếu” cho phương án thứ 2 - phía bắc đô thị Hòa Lạc. Đơn vị cho rằng không nên mở rộng đến gần chân núi Ba Vì vì khó tránh khỏi việc xâm phạm đến cảnh quan thiên nhiên và ảnh hưởng đến Thần điện Ba Vì.
“Giải cứu” cảnh quan sông hồ
Cảnh quan sông, hồ Hà Nội đang có nguy cơ bị triệt tiêu.
Vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, Hội Khoa học Lịch sử VN tán đồng 6 quan điểm bảo tồn tư vấn thiết kế đưa ra. Từ thực trạng, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử - văn hóa và trớ trêu thay cũng là nơi di tích bị xâm hại, xuống cấp nhiều nhất, Hội kiến nghị phải làm định hướng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích, quy hoạch khảo cổ học nhằm hạn chế tới mức tối đa sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển.
Theo phân tích của Hội, Hà Nội có đặc trưng nổi bật là đô thị sông - hồ nhưng đến nay, phần lớn các hồ đã bị san lấp, bị lấn chiếm, số còn lại thì tuyệt đại đa số bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cảnh quan sông, hồ, lợi thế mặt nước nổi của Hà Nội đang có nguy cơ bị triệt tiêu dần.
Để bảo tồn cảnh quan sông, hồ đặc trưng, các thành viên của Hội khoa học lịch đề nghị tư vấn quy hoạch cần có chiến lược bảo tồn, tôn tạo các dòng sông, các hồ. Các biện pháp khoanh lại ở việc chỉnh trị sông Hồng, khơi dòng thoát nước theo đó chưa đủ. Phát triển hệ thống đường thủy trên những dòng sông lớn như sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ… tìm cách “phục sinh” những dòng sông đã chết là những gợi ý mới.
P.Thảo