DMagazine

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất

(Dân trí) - Trung bình mỗi ngày một nhân viên tuần đường sắt phải đi bộ khoảng 20km để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu. Trong lộ trình ấy họ phải quan sát, kiểm tra từng con bu lông, đoạn ray, thanh tà vẹt.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 1

Đồng hành cùng nhân viên tuần đường sắt, phóng viên có dịp hiểu hơn về những "góc khuất" nghề của họ.

Có lẽ không nghề nào phải đi bộ nhiều, vất vả và cô đơn như nghề tuần đường, cũng như bao vị trí liên quan đến ngành đường sắt khác, họ âm thầm đóng góp sức lực, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu ngược xuôi.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 3

Đều đặn mỗi ngày, anh Trương Văn Hợp (nhân viên tuần đường, Đội đường sắt 101, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh) có mặt tại trạm gác chắn km17+650 (Thường Tín, Hà Nội) nhận giao ban, chuẩn bị cho hành trình "khám đường ray" lúc 14h.

Khoác trên vai chiếc túi vải, bên trong là bộ đồ nghề gồm: Cờ lê, mỏ lết, vài con ốc vít, hộp pháo, cờ, đèn hiệu, cuốn nhật ký tuần đường, thẻ nhân viên… tất cả khoảng chừng 5kg, anh bắt đầu chuyến hành trình đi bộ dọc theo đường ray tàu hỏa kéo dài khoảng 10km (cả đi và về gần 20km).

Anh chia sẻ, mỗi ngày tổ tuần đường có 3 người, chia làm 3 ca; ca sáng đi từ 8h đến 15h, ca chiều đi từ 15h đến 23h, còn ca đêm xuất phát lúc 23h và trở về vào 6h sáng hôm sau. Thông thường mỗi ca có 1 người, chỉ khi thời tiết xấu, mưa bão sẽ thành lập tổ 2 người/ca.

Xét về tuổi đời và tuổi nghề, anh Trương Văn Hợp được xếp vào bậc "lão làng" của đường sắt Hà Nội. Tới thời điểm tháng 11, anh đã có tới 35 năm công tác trong ngành đường sắt, riêng nghề tuần đường cũng được 20 năm.

Anh Hợp nhẩm tính bản thân đã "độc hành" khoảng 130.000km, tương tương với hơn 3 lần quãng đường vòng quanh Trái Đất. Bằng chứng thời gian và quãng đường ấy, vị "bác sĩ" bắt bệnh đường ray đã quen mặt từng thanh tà vẹt, con bu lông trên cung đường mà mình đảm nhiệm, chỉ cần một thay đổi nhỏ, anh có thể dễ dàng phát hiện.

Quá trình tuần đường, phát hiện "bệnh" nào xử lý được ngay, anh lập tức bỏ đồ nghề sửa chữa tại chỗ, lỗi nào nặng hơn được anh đánh dấu, báo cáo lên cấp trên yêu cầu hỗ trợ khắc phục. Gặp sự cố có thể ảnh hưởng đến an toàn tàu chạy, anh Hợp được quyền kẹp pháo vào đường ray, yêu cầu tàu dừng để chờ xử lý.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 5

Chia sẻ về lý do gắn bó với nghề tuần đường, anh vui vẻ kể: "Mình cứ hiểu đây là nghề cha truyền con nối cho dễ. Trước đây, cả anh trai và anh rể tôi đều làm nghề này. Tiếp xúc với công việc của các anh dần thành thích, rồi tôi quyết tâm đi học, ứng tuyển vào ngành đường sắt".

Theo anh, đối với công việc tuần đường sắt chỉ thích thôi là chưa đủ, bởi công việc này lặp đi lặp lại nhiều dễ sinh ra nhàm chán vì thế phải thực sự yêu nghề mới có thể gắn bó lâu năm.

Các công nhân tuần đường thường hay ví von, tự xưng mình là "bác sĩ khám đường ray" cho vui, nhưng không ít lần "bác sĩ" phải kiêm thêm nhân viên vệ sinh, dọn dẹp rác thải, chất bẩn mà người dân tự ý ném lên đường tàu.

Theo anh Hợp, hơn 20 năm trước để có thể vào ngành đường sắt không hề đơn giản. Bởi khi ấy, vận chuyển bằng đường bộ, đường hàng không chưa được phát triển như bây giờ, lượng người nộp hồ sơ ứng tuyển vào ngành đường sắt rất đông.

Ngoài việc phải trải qua trường lớp, anh Hợp phải làm thực tập sinh kéo dài đến 7 năm, cho đến khi thành thạo tay nghề mới được chuyển về bộ phận duy tu đường sắt làm việc thêm 7 năm nữa, trước khi được luân chuyển về tổ tuần đường cho đến nay. 

Nhớ lại những kỷ niệm trong 20 năm làm nghề tuần đường, anh kể cách đây 3 năm, trong lúc đi tuần gần tới km19, anh phát hiện một thanh niên uống rượu say đang nằm ngủ cạnh đường ray. Cùng lúc này, đoàn tàu khách kéo còi từ xa, sắp đi đến.

Không kịp suy nghĩ nhiều, như bản năng người tuần đường, anh vội chạy nhanh lại chỗ thanh niên đang ngủ, vừa đánh thức và đưa người này ra khỏi đường ray khi đoàn tàu vừa lao tới.

"Lúc mới nhìn thấy bóng đen, tôi nghĩ có ai đó vứt quần áo ra đường, nhưng quan sát kỹ tôi chợt nhận ra đó là người nên dùng hết sức chạy thật nhanh đến chỗ người này để kéo họ khỏi đường ray. May mắn khi hai người vừa ra đến vùng an toàn cũng là lúc đoàn tàu lao tới", anh Hợp nhớ lại.

Do đặc thù công việc, luôn đi dọc đường ray bất kể trời sáng hay đêm nên nhiều lần anh phải đối mặt với "con nghiện" tay vẫn cầm kim tiêm, khuôn mặt đờ đẫn đi trên đường ray, hay những kẻ "ma men" ngồi gục trên đường ray. Những lúc như thế anh phải trấn tĩnh, thuyết phục họ về nhà để không làm ảnh hưởng đến tàu chạy.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 7

Trong chuyến bộ hành gần 20km, nhân viên tuần đường không chỉ sửa chữa các hư hỏng, ghi chép đầy đủ những hiện tượng bất thường,… mà còn liên tục vệ sinh đường ray, nhặt bỏ bao rác, bịch nilon bị mắc kẹt. 

Theo chân anh đến km18, tại đây khi thấy lượng lớn mảnh thủy tinh, kính vỡ bị ai đó cố tình vứt lên mặt đường ray, anh Hợp lại cẩn thận xếp gọn chúng vào một bên, rồi đánh dấu cẩn thận để người đi sau không giẫm phải. 

Đến km19, một phụ nữ xếp ván gỗ cạnh đường ray, chui qua lan can quốc lộ 1A rồi ngang nhiên đi cắt qua đường sắt. Khi được anh  Hợp nhắc nhở, người này lý sự "lối này đã có trước đây hàng chục năm, nên tôi có quyền tiếp tục sử dụng".

Chẳng chịu thua, anh Hợp tiến lại thuyết phục, vận động người phụ nữ di dời ván gỗ, trả lại hành lang an toàn cho đường sắt, đồng thời tự tay cùng xếp vật liệu qua một bên. 

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 9

Mặc dù đã thuộc lòng từng khung giờ tàu đi qua nhưng theo thói quen cứ đi khoảng 50m, anh lại ngoảnh ra phía sau một lần để canh chừng xem có tàu lao tới hay không. Thỉnh thoảng, đang đi anh lại cúi xuống kiểm tra lại mấy con ốc vít.

Anh tâm sự, trên tuyến đường ray do tổ quản lý có 14 đường dân sinh có gác chắn và còn tồn tại khoảng 10 lối tắt tự mở. 

"Để xóa bỏ triệt để các lối tắt không phải chuyện một sớm một chiều bởi người dân chưa ý thức hết được nguy cơ tiềm ẩn hoặc biết nhưng cố tình vi phạm vì cái lợi trước mắt", anh nói.

Khi đi tuần gần đến điểm cuối là km21, tiếng đoàn tàu từ xa vọng lại, kèm theo một hồi còi, người nhân viên tuần đường vội kéo phóng viên ra điểm an toàn rồi giơ cao cờ hiệu, thông báo đoạn đường an toàn. Trên đầu máy, lái tàu hé cửa kính vẫy tay như đáp lại tín hiệu cảm ơn. 

Đoàn tàu vừa đi qua, đôi chân của người nhân viên tuần đường lại tiếp tục bước, tiến về phía trước, kiểm tra những mét ray cuối cùng. Đang đi, bất chợt anh Hợp thở dài và nói: "Chẳng biết tôi còn đi trên đoạn đường này được bao nhiêu lần nữa, vài tháng nữa là về hưu rồi".

Anh kể, hơn 2 tháng trước, khi kiểm tra đoạn đường ray gần ga Thường Tín, anh phát hiện một lập lách nối ray có dấu hiệu bị gãy nên đã cắm cờ ghi nhớ vị trí rồi báo cáo cấp trên. Ngay sau đó, lập lách được thay mới, đảm bảo an toàn cho những đoàn tàu.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 11

Với mọi người, nhìn vào thanh ray bằng sắt không có cảm nhận gì, nhưng với những nhân viên như anh Hợp khoảng thời gian gắn bó đã kéo dài cả vài thập kỷ, thì anh lại coi chúng như những người bạn lâu năm. 

Anh tâm sự, nghề tuần đường không chỉ cần tính kiên trì, tỉ mỉ, đôi mắt tinh nhanh còn phải "lì lợm" và đặc biệt là tinh thần thép. Trong hơn 20 năm làm nghề tuần đường, anh đã chứng kiến hàng trăm vụ tai nạn lớn, nhỏ. Có những vụ tai nạn khiến anh ám ảnh mỗi lần đi tuần qua. 

"Ngoài ghi nhớ từng vị trí của đường ray, trong đầu tôi cũng nhớ từng khu vực xảy ra tai nạn. Có những vụ tai nạn rất thương tâm, mỗi lần đi qua tôi lại thấy hơi rùng mình nhất là vào những đêm mưa, gió", anh bộc bạch.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 13

Kết thúc ca làm việc của anh Hợp, anh Hoàng Đình Xuyên (nhân viên tuần đường, Đội đường sắt 101, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh) tiếp tục thay đồng nghiệp đi "bắt bệnh đường ray". 

Ngày qua ngày, dù mưa hay nắng, thậm chí bão gió thì anh Xuyên, anh Hợp và nhiều nhân viên tuần đường khác vẫn rảo bước, từng nhịp từng nhịp dọc đường ray khắp đất nước 24/24h để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu.

Anh Xuyên tâm sự, cách đây hơn 30 năm, rời quê nhà Hà Nam lên Hà Nội tham gia khóa đào tạo ngành đường sắt.

Tốt nghiệp, anh về công tác tại tổ duy tu đường sắt rồi chuyển đơn vị về tổ tuần đường, gắn sự nghiệp với đoạn đường ray từ Ngọc Hồi về Thường Tín khoảng 10 năm nay. Anh khẳng định đến nay, mình có thể "nhớ mặt, đặt tên" cho từng thanh tà vẹt, con bu lông của đường ray.

Cũng giống như anh Hợp, mỗi ngày anh Xuyên phải đi bộ quãng đường gần 20km. Qua mỗi trạm gác anh và các đồng nghiệp phải ghé vào ghi chi tiết nhật ký tuần đường, sổ xác nhận lên ban. 

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 15

"Nghề của tôi rất đúng với câu bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Cả quãng đường dài đầu lúc nào cũng cúi xuống, "dán mắt" về phía thanh ray, tìm kiếm con bu lông nào lỏng thì siết lại còn lưng thì hướng lên trên mặc cho mặt trời thiêu đốt", anh nói.

Nắng nóng đã đành, những hôm mưa lớn, gió to vai trò của người tuần đường càng quan trọng, họ cần nhanh chóng kiểm tra điều kiện đường ray, đánh giá mức độ an toàn, nhất là những đoạn đường bị ngập hẳn trong nước.

Trong trường hợp phát hiện đường ray không đảm bảo an toàn, những người tuần đường phải thông báo ngay cho đơn vị, đoàn tàu để kịp xử lý, phòng ngừa tai nạn.

Cũng bởi lẽ thường xuyên phải phơi nắng mà nhân viên tuần đường có nhiều đặc điểm chung, đó là dáng người mảnh khảnh, làn da cháy sạm cùng đôi tay chai sần bởi luôn cầm cờ lê, mỏ lết…

Gần 30 năm cống hiến cho ngành đường sắt (10 năm gắn bó với nghề tuần đường), anh Xuyên có nhiều câu chuyện vui, buồn để kể, anh cho hay, số lần đón Tết trên đường ray nhiều hơn số lần đón Tết cùng gia đình.

Anh tâm sự, thường trước Tết mấy ngày, anh lại đưa vợ con về quê, còn mình ở lại làm việc. 10 năm qua, vợ anh phải quen với cảnh chồng không có mặt ở nhà ngày Tết, chủ động quán xuyến gia đình, chăm sóc các con nhỏ.

"Do đặc thù công việc, càng vào dịp lễ, Tết tần suất tàu chạy càng cao. Nhà lại ở xa nên tôi đành ở lại Hà Nội đón Tết cùng đồng nghiệp. Nhiều hôm đi sớm về khuya, cơ thể mệt nhoài nghĩ đến việc bỏ nghề nhưng nhớ lại lúc đứng kế đường ray, nhìn chuyến tàu đưa khách hồi hương tôi lại cảm thấy vui lây, đây cũng là động lực để gắn bó với nghề", anh nói. 

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 17

Theo anh Xuyên, để đáp ứng được nhu cầu công việc mỗi nhân viên tuần đường phải có sức khỏe tốt. Mỗi năm, nhân viên tuần đường phải trải qua một bài kiểm tra sức khỏe và nghề tuần đường sắt cũng được ví là nghề đếm từng bước chân.

Theo kinh nghiệm, với cung đường do anh Xuyên quản lý có chiều dài khoảng 10km, mỗi người trong tổ tuần tra phải đi bộ khoảng 26.350 bước chân/1 lượt, tổng cả đi lẫn về khoảng 52.700 bước chân/ca trực.

"Độ an toàn đường ray luôn phải đặt cao nhất, không có bất kỳ sai sót nào, bởi một khi xảy ra sai sẽ khiến lật tàu, tàu trật khỏi đường ray gây nguy hiểm đến các hành khách, lái tàu và hư hỏng đầu máy, toa tàu", anh Xuyên nói.

Đều đặn mỗi ngày, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn giòn giã tiếng bánh sắt di chuyển trên đường ray. Mỗi chuyến tàu đi đến nơi, về đến chốn an toàn luôn có những giọt mồ hôi nhọc nhằn của những nhân viên tuần đường, gác chắn,... thầm lặng.

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 19

Ông Nguyễn Văn Đặng, Đội trưởng Đội đường sắt 101, cho biết, công việc của người tuần đường, gác ghi rất vất vả, làm việc cả ngày nắng cũng như mưa, ngày lễ Tết đến những ngày thường.

Theo ông Đặng, do đặc thù công việc nên những nhân viên tuần đường phải trực tiếp kiểm tra các hạng mục đường sắt như thanh tà vẹt, con bu lông mà máy móc không thể thay thế được.

Ông cũng cho hay, mặc dù công việc vất vả là vậy nhưng thu nhập mỗi tháng của những người tuần đường rất thấp nên ngày càng ít người gắn bó với nghề, việc tuyển nhân viên mới càng gặp nhiều khó khăn. 

Hồi còi hỏa xa - kỳ 4: 22 năm tuần đường, đi bộ tương đương 3 vòng Trái Đất - 21

Ông Đặng cũng cho biết, từ công việc của những người tuần đường cũng cho thấy những khó khăn, bất cập trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt hiện nay; đặc biệt là những diễn biến vi phạm hành lang an toàn đường sắt đang ngày càng phức tạp.

Ông mong muốn trong thời gian tới, người dân sinh sống cạnh đường ray cần nâng cao ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân và những đoàn tàu lưu thông; không lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

"Chúng tôi cũng hi vọng Nhà nước quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để ngành đường sắt được phát triển mạnh mẽ, đầu tư các trang thiết bị hiện đại", ông Đặng nói.

Nội dung: Nguyễn Hải, Trần Văn

Thiết kế: Tuấn Huy