Quảng Nam:

Hội An chèn chống di tích, nhà cổ trước khi bão 13 đổ bộ

Công Bính – Ngô Linh

(Dân trí) - Sáng 14/11, TP Hội An khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn và chèn chống nhà cửa, các điểm di tích cổ… trước khi bão số 13 đổ bộ.

Để chủ động ứng phó bão số 13, TP Hội An (Quảng Nam) đã chủ động sơ tán dân ở những vùng ven biển, vùng nguy hiểm có nguy cơ cao và những hộ dân nhà ở không kiên cố. Chèn chống nhà cửa, không để người dân ở lại trên thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ…

Hội An chèn chống di tích, nhà cổ trước khi bão 13 đổ bộ - 1
Hội An chèn chống di tích, nhà cổ trước khi bão 13 đổ bộ - 2

TP Hội An chèn chống di tích, nhà cổ trước bão số 13

Đồng thời, thành phố cũng đã tiến hành chèn chống các điểm di tích, nhà cổ tại khu phố cổ đang xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là di tích Chùa Cầu.

Bên cạnh phòng chống bão, đối với các vùng trũng thấp, ven sông của TP Hội An cũng cần đề phòng lũ sẽ lên trở lại ngay sau bão.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch TP Hội An – cho hay, các tàu thuyền hoạt động tuyến Hội An - Cù Lao Chàm đã dừng hoạt động từ trước cơn bão số 9 đến nay. Để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân đảo Cù Lao Chàm, TP Hội An đã bố trí tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu ra đảo từ trước.

Theo kế hoạch, để ứng phó bão số 13, Hội An sẽ tiến hành sơ tán khoảng 14.000 người dân, chủ yếu là thực hiện sơ tán xen ghép.

Theo chỉ đạo của thành phố đi tránh bão, bà Lê Thị Thương (60 tuổi, trú khối Phước Hải, phường Cửa Đại, Hội An) cùng mẹ già là bà Đinh Thị Qua (80 tuổi) cùng cháu nội và hai con trai đã gấp rút thu xếp quần áo đến nơi tạm trú an toàn.

Theo bà Thương, nhà bà là nhà cấp 4 một mặt giáp sông, một mặt giáp biển, mỗi lần mưa gió rất nguy hiểm. Nên khi có lệnh sơ tán, bà đã cùng các con chằng chống nhà cửa cẩn thận và thực hiện di dời.

“Nghe thông tin đây là cơn bão rất mạnh mà tôi sợ quá, hôm qua đến giờ chân tay cứ run run. Phải đi sơ tán chứ, ở nhà là không yên tâm. Có chỗ ở an toàn, thức ăn nước uống đầy đủ tôi rất an tâm, cảm ơn chính quyền”, bà Thương xúc động.

Còn bà Quảng Thị Bầu (SN 1945, trú khối Phước Tân, phường Cửa Đại, Hội An) cùng con trai hơn 40 tuổi nhưng mắc bệnh tâm thần cũng thực hiện di dời theo yêu cầu. Bà Bầu thuộc diện nghèo khó, không có nơi ở nên phải ở nhờ nhà thờ tộc nhưng cũng không đảm bảo an toàn.

“Nghe bão vô tôi lo lắm, may nhờ các anh dân quân đã đến đưa mẹ con tôi đi tránh bão, mừng lắm”, bà Bầu rung rung nước mắt.

Quảng Nam cho học sinh nghỉ học

Sáng 14/11, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn cho phép tất cả trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ chiều 14/11.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Giám đốc Sở GD-ĐT, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo đến các cơ sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp biết, khẩn trương triển khai thực hiện.

Hội An chèn chống di tích, nhà cổ trước khi bão 13 đổ bộ - 3

Lực lượng biên phòng Quảng Nam sơ tán người dân xã đảo Tam Hải

Tùy theo tình hình thực tế của cơn bão này, giao Giám đốc Sở GD-ĐT, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan quyết định việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên tiếp tục được nghỉ hay đi học trở lại theo thẩm quyền.

Tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch sơ tán 216.000 hộ dân, trong đó 161.000 hộ dân tuyến biển, 10.000 hộ dân miền núi ở gần 93 điểm có nguy cơ sạt lở cao và 45.000 hộ khu vực ven sông Vu Gia - Thu Bồn. Dự kiến 12h trưa 14/11, tỉnh sẽ hoàn thành việc sơ tán dân ở cả 3 tuyến này.