1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bắc Kạn:

Hoang mang vì nguồn phóng xạ trong nhà máy xi măng biến mất

(Dân trí) - Nguồn phóng xạ Cs - 137 trong Nhà máy Xi măng Bắc Kạn đóng trên địa bàn phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn bị mất trong quá trình lưu giữ tại kho. Sự việc đang khiến người dân quanh vùng lo lắng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã báo cáo UBND tỉnh, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân về sự cố trên. UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tổ chức tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất.

 


Hình ảnh nguồn phóng xạ Cs-137 của Nhà máy Đạm Hà Bắc. (Ảnh: together2s.com)

Hình ảnh nguồn phóng xạ Cs-137 của Nhà máy Đạm Hà Bắc. (Ảnh: together2s.com)

 

Qua đo phông phóng xạ môi trường tại khu vực Công ty xi măng Bắc Kạn, các tuyến đường giao thông và các khu khả nghi trong thành phố, kết quả không phát hiện thấy mức phóng xạ môi trường bất thường. Đến nay việc tìm kiếm vẫn đang được tích cực triển khai thực hiện. Đồng thời Cơ quan an ninh điều tra – Công an tỉnh Bắc Kạn đang điều tra xác minh sự việc.

Ông Lê Văn Thế, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn cho biết: nguồn phóng xạ Cs-137 của Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn sử dụng để kiểm tra mức xả clinker trong công nghệ xi măng lò đứng. Nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất là nguồn phóng xạ kín, được đặt ở tâm của một bình chì hình trụ (kích thước đường kính khoảng 10 x 20 cm, màu ghi xám, nặng khoảng 03-04 kg). Bình chì có tác dụng che chắn bức xạ thoát ra ngoài môi trường. Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thì nguồn loại này là không nguy hiểm cho con người, không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ loại này khi tiếp xúc gần.

Do làm ăn thua lỗ, Công ty cổ phần Xi măng Bắc Kạn bị Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), ra quyết định thi hành án số: 67/QĐ-CCTHA ngày 10/12/2014. Ngày 31 tháng 3 năm 2015, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Bắc Kạn tiến hành kê biên tài sản của Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn và giao cho Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển chi nhánh Bắc Kạn quản lý.

Ngày 15/5/2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã mời Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Bắc Kạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển tỉnh Bắc Kạn, ông Đinh Văn Bằng – Quyền Giám đốc Công ty đi kiểm tra nguồn phóng xạ lưu kho nhưng ông Đinh Văn Bằng vắng mặt. Các bên có mặt đã lập biên bản đề nghị Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển tỉnh Bắc Kạn quản lý, bảo vệ nguồn được lưu giữ trong kho; dán cảnh báo trên mặt hòm đựng nguồn phóng xạ và ở cửa kho để cảnh báo nguy hiểm.

Sau quá trình làm việc, xác minh quyền sở hữu về nguồn phóng xạ Cs-137 của Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã ra văn bản đề nghị Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn, ông Đinh Văn Bằng - Quyền giám đốc công ty làm thủ tục di chuyển đến khu lưu giữ an toàn, đồng gửi văn bản này cho Cục an toàn bức xạ hạt nhân chỉ đạo, hướng dẫn việc vận chuyển nguồn phóng xạ của công ty để lưu giữ theo quy định của pháp luật. Đến ngày 15/12/2015, vào hồi 8 giờ 30, ông Đinh Văn Bằng đại diện pháp lý của Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn thông báo điện thoại cho Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn là nguồn Cs-137 của Công ty đã bị mất cắp.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn di chuyển nguồn phóng xạ được cất giữ tại kho về nơi lưu giữ trước ngày 15/12 /2015 để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, phía Công ty Xi măng Bắc Kạn đã thông báo là nguồn phóng xạ trong kho của công ty đã biến mất. Hiện, lực lượng các cơ quan chức năng tình Bắc Kạn đang tiến hành khám nghiệm, thu thập dấu vết, chứng cứ và lấy lời khai của những người liên quan để truy tìm nguồn phóng xạ bị mất.

Theo thông tin tại giấy phép số 270/GP-ATBXHN ngày 12/8/2010 của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thì hoạt độ hiện tại của nguồn vào khoảng 3,97 mCi (146,89 MBq) và được xếp vào nguồn phóng xạ nhóm 5 theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ - Phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ - QCVN 6:2010/BKHCN.

Đức Hiếu
TTXVN