1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gắn chíp cho toàn bộ nguồn phóng xạ di chuyển

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học và Công nghê đang triển khai việc gắn chíp đối với các nguồn phóng xạ, trước mắt là các nguồn di chuyển, để kiểm soát.

Liên quan đến thông tin khi kiểm tra tại Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên, Sở Khoa học công nghệ Phú Yên phát hiện nguồn tia phóng xạ cường độ nhỏ lọt ra ngoài, có nguy cơ gây mất an toàn về sức khỏe đối với những người ở gần (nguồn phóng xạ rò rỉ được xác định từ một máy đo độ chặt nền đường để trong két sắt đựng tiền, đặt dưới chân cầu thang của trung tâm), Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết thêm, nguồn phóng xạ ở Phú Yên sử dụng từ năm 2000 đến 2004, do Dự án nâng cấp quốc lộ số 1 (Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì), sau đó Bộ GTVT giao cho Sở GTVT Phú Yên bàn giao toàn bộ trang thiết bị ở hiện trường cho Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên của Hội khoa học Kỹ thuật Cầu đường tỉnh Phú Yên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên. Đây là nguồn phóng xạ dùng để đo độ chặt nền đường. Khi bảo quản thì vi pham các quy định về quản lý nguồn phóng xạ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc 

Cụ thể, khi Trung tâm Tư vấn cầu đường Phú Yên làm việc với Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đề nghị giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng vào trong kho của Viện thì được báo giá ở mức cao. Trung tâm không có tiền trả nên đưa vào két để dưới cầu thang. Rất may cường độ chiếu xạ của nguồn không quá lớn. Hiện giờ nguồn này được đưa vào container vỏ thép bên trong có chì để bảo quản theo đúng quy định.

Về việc nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành) phát hiện một nguồn phóng xạ dùng để đo mức thép Co-60 (nguồn phóng xạ thuộc nhóm 4) bị thất lạc vào giữa tháng 3 vừa qua thì lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay: Hiện nay nguồn phóng xạ này chưa được tìm thấy.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng cho biết: Tổng số nguồn phóng xạ đang được sử dụng ở Việt Nam lên đến hàng ngàn. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân của Bộ KH&CN đang triển khai việc sẽ gắn chíp đối với các nguồn phóng xạ, trước mắt là các nguồn di chuyển để kiểm soát. Nguồn phóng xạ nếu không được quản ly tốt sẽ gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư cũng như gây tâm lý rất không tốt cho xã hội

Khi kinh tế xã hội phát triển thi việc sử dụng các nguồn phóng xạ ngày càng nhiều, chúng ta không chỉ sử dụng trong chiếu xạ, trong y tế (chữa bênh ung thư, chẩn đoán…) mà còn sử dụng trong toàn bộ các ngành sản xuất công nghiệp như chiếu xạ thực phẩm trước khi xuất đi nước ngoài, sản xuất sữa, xi măng, kẹo, đường…đều có sử dụng các nguồn phóng xạ. Vì vậy công tác quản lý số nguồn phóng xạ ngày càng nhiều sẽ là một thách thức rất lớn đối với các cơ quan quản lý.

“Các doanh nghiệp tư nhận sử dụng các nguồn phóng xạ hiện giờ còn có nhiều bất cập, trong giai đoạn tới các bên liên quan sẽ triển khai quyết liệt việc này. Ngoài việc gắn chíp, có phần mềm theo dõi toàn quốc thì cần có tập huấn, kiểm tra giám sát thường xuyên đối với tất cả các nguồn phóng xạ ở các tỉnh thành, địa phương” – Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.

Trước câu hỏi, TPHCM đang tiên phong trong việc gắn chíp cho các nguồn phóng xạ nhưng hiện tại còn gặp nhiều khó khăn? Lãnh đạo Bộ KH&CN cho hay: Sau vụ việc mất nguồn phóng xạ ở Thành phố HCM thì Bộ đã điều chỉnh Thông tư 23 để đảm bảo an ninh cho nguồn phóng xạ, thông tư đề cập đến việc tập trung gắn chíp lên các thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ, đặc biệt là thiết bị chụp ảnh NDT. Đây là thiết bị di chuyên liên tục đến nhiều công trường và phạm vi rộng nên trước mắt ưu tiên thực hiện gắn chíp.

Cũng tại buổi họp báo ngày 9/7, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, theo kế hoạch, trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động của các khu công nghệ cao quốc gia; hỗ trợ tổ chức KH&CN công lập chuyển đổi; phát triển thị trường KH&CN và đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ thúc đẩy xúc tiến phát triển thị trường KH&CN thông qua việc tổ chức triển lãm trưng bày giới thiệu các kết quả nghiên cứu KH&CN có khả năng ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nhằm thúc đẩy thương mại hóa và chuyển giao công nghệ; tăng cường công tác hợp tác quốc tế về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường và đánh giá sự phù hợp; Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và phát triển bền vững đất nước. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN.

Một số hoạt động trọng tâm như: tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (International Techmart Vietnam 2015) với quy mô lớn nhất từ trước đến nay (1-4/10); Triển khai Dự án xây dựng Viện V-KIST; Hoàn thiện việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; Họp Mạng lưới TBT Việt Nam; Hội nghị KH&CN hạt nhân lần thứ XI; Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ KH&CN; Thủ tướng gặp mặt các nhà khoa học trẻ;...

S.H