Hoãn xuất cảnh với người chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án dân sự

(Dân trí) - Người phải thi hành án là công dân Việt Nam chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định thì bị tạm hoãn xuất cảnh.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về dự thảo lần 3 Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 62/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.

Sau 4 năm thực hiện, các quy định của Nghị định số 62 đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập, làm hạn chế hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự.

Chính vì thế, Bộ Tư pháp đã đề xuất bổ sung quy định, trường hợp cần xác minh làm rõ thông tin về tài sản, nơi cư trú, nơi làm việc, trụ sở của người phải thi hành án hoặc các thông tin khác liên quan đến việc thi hành án thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy quyền xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có thông tin.

Việc ủy quyền xác minh của cơ quan thi hành án dân sự phải bằng văn bản, nêu rõ nội dung ủy quyền và nội dung cần thiết khác. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy quyền phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh theo nội dung ủy quyền; trả lời bằng văn bản về kết quả xác minh cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy quyền.

Hoãn xuất cảnh với người chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án dân sự - 1

Tài sản của ông Đinh La Thăng chỉ có 1 nhà chung cư, trong khi phải thi hành án số tiền lên tới hơn 600 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)

Đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, thời hạn trả lời kết quả xác minh không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Trường hợp khó khăn, phức tạp thì thời hạn gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.

Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác thời hạn trả lời kết quả xác minh không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền.

Trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố, cho thuê thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án.

Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.

Trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung mà có nhiều chủ sở hữu chung đề nghị mua phần tài sản của người phải thi hành án theo giá đã định thì Chấp hành viên thông báo cho các chủ sở hữu chung đó thỏa thuận người được quyền mua. Nếu không thỏa thuận được thì Chấp hành viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người được mua tài sản.

Đặc biệt, dự thảo nghị định đề xuất quy định: Người phải thi hành án là công dân Việt Nam chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định thì bị tạm hoãn xuất cảnh; người phải thi hành án là người nước ngoài chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án theo bản án, quyết định thì có thể bị tạm hoãn xuất cảnh khi có yêu cầu của người được thi hành án, trừ một số trường hợp theo quy định.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về tạm hoãn xuất cảnh và gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh. Việc tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.

Thế Kha