1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hoàn thành đê ngầm bảo vệ bờ biển từng được bình chọn đẹp nhất châu Á

Công Bính

(Dân trí) - Tuyến đê ngầm dài 550m, cách bờ 250-300m, có nhiệm vụ chống sạt lở bờ biển An Bàng, phường Cẩm An (thành phố Hội An, Quảng Nam) đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình tuyến đê ngầm khu vực biển An Bàng, phường Cẩm An, thành phố Hội An. 

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) cho biết tuyến đê ngầm bảo vệ bờ biển An Bàng, phường Cẩm An được xây dựng theo công nghệ Hà Lan, vốn đầu tư 210 tỷ đồng.

Hoàn thành đê ngầm bảo vệ bờ biển từng được bình chọn đẹp nhất châu Á - 1

Những khối đá lớn được thả xuống biển để làm đê chắn sóng, bảo vệ bờ cát (Ảnh: Mai Trang).

Chân đê được xây dựng bằng các khối haro (dạng khối bê tông đúc sẵn không cốt thép, được thiết kế để làm khối phủ bề mặt, bảo vệ các dạng kết cấu công trình bảo vệ như các tuyến đê sông, đê chắn sóng và các kết cấu bảo vệ bờ), đỉnh đê thấp, chìm dưới mặt nước biển, có nhiệm vụ phá sóng từ xa, hạn chế tác động trực tiếp của sóng biển.

Để xây dựng đê ngầm bảo vệ bờ biển An Bàng, đơn vị thi công đã sử dụng 3.900 khối haro, mỗi khối nặng 5 tấn, hơn 52.000m3 đá để làm chân và thân kè, sử dụng gần 620.000m3 cát để tái tạo và nuôi bãi biển An Bàng dài 1,4km.

"Dự án hoàn thành sẽ góp phần phòng, chống xói lở, tái tạo lại bãi biển; từng bước hoàn thiện hệ thống công trình phòng, chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương", đại diện chủ đầu tư, chia sẻ.

Hoàn thành đê ngầm bảo vệ bờ biển từng được bình chọn đẹp nhất châu Á - 2

Bờ kè được thi công theo cách lát haro 2 mái, cách bờ 250-300m (Ảnh: Mai Trang).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đinh Tiến Tài, phụ trách tư vấn giám sát dự án, cho biết dự án đảm bảo tiến độ cam kết của nhà thầu, đến 31/8 dự án đã hoàn thành, trước thời hạn 3 tháng.

Đối với hiệu quả dự án, ông Đinh Tiến Tài cho biết, tiếp nối dự án Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, phương pháp thi công dự án này có chút khác với dự án trước.

Theo đó, dự án trước thi công chống xói lở bằng thảm đá bên ngoài, đổ đá 2,5 tấn bên trong để hộ thân đê; còn dự án này được thi công theo cách lát haro 2 mái, tạo đê chắn sóng cách bờ 250-300m.

"Qua đánh giá giai đoạn 1 và 2, tình trạng xâm thực không còn diễn ra nghiêm trọng. Toàn bộ chiều dài bãi biển 2,3km đã được bơm cát tạo bãi. Tất nhiên hàng năm có một lượng cát sẽ bị hụt nhưng không ảnh hưởng đến bờ", ông Tài nói.

Hoàn thành đê ngầm bảo vệ bờ biển từng được bình chọn đẹp nhất châu Á - 3

Tái tạo bờ biển từng đẹp nhất châu Á (Ảnh: Mai Trang).

Theo chủ một cơ sở du lịch ở địa phương cho biết, người dân rất vui vì nhà nước quan tâm đầu tư để tái tạo lại bãi biển từng đẹp nhất châu Á. Người dân hy vọng bãi biển không còn bị sạt lở, để hoạt động du lịch cũng như cuộc sống của người dân không bị tác động. 

Ông Đinh Dũng, Chủ tịch UBND phường Cẩm An, cho biết việc đưa tuyến đê vào sử dụng hạn chế được sóng ngầm từ xa, hạn chế được sạt lở khi có sóng to, bảo vệ tài sản của cư dân, đồng thời tạo được sinh kế cho cộng đồng; thu hút khách, nhất là khách quốc tế đến tắm biển và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch khác.

Bờ biển Hội An là một bờ biển đẹp, từng được bình chọn đẹp nhất châu Á, từ sau năm 2014 đã bị sạt lở nặng, mất đi bãi tắm và làm hư hại đến hạ tầng dọc bờ biển. Tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng xói lở, bước đầu đã phát huy được hiệu quả.

Tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nên mới chỉ triển khai thực hiện được khoảng 2,3km trên hơn 6km bờ biển cần được bảo vệ.

Với việc áp dụng giải pháp xây dựng đê ngầm, kết hợp nuôi bãi theo công nghệ Hà Lan được thực hiện trên tổng chiều dài hơn 2km, đã ngăn chặn được tình trạng sạt lở bờ biển Hội An một cách hiệu quả, bền vững, góp phần ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.